Kinh tế chia sẻ: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Nền kinh tế chia sẻ đang mở ra nhiều cơ hội mới trong đó có cơ hội đầu tư, tạo việc làm cho người lao động và tăng thêm thu nhập.

Bên cạnh cách cơ hội, cũng đã có nhiều thách thức đặt ra

Kinh tế chia sẻ đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người nông dân.

Bên cạnh đó, kinh tế chia sẻ còn là cơ hội tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa, bảo vệ môi trường… Đây là những cơ hội đã được chỉ ra tại Hội thảo “Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam” được tổ chức sáng nay (12/7).  

Tận dụng các cơ hội khi còn mới

Nhận định về kinh tế chia sẻ, các chuyên gia cho rằng, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã làm xuất hiện những cơ hội kinh doanh mới ở những phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với trước đây. Cùng với các quá trình này, sự phát triển nhanh chóng của mạng internet lại càng đóng góp vào việc phát triển các mô hình kinh doanh mới, trong đó có kinh tế chia sẻ.

Chia sẻ chi tiết về các cơ hội mở ra từ nền kinh tế chia sẻ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng: “Mô hình kinh tế chia sẻ khá mới mẻ trên thế giới và lại càng mới mẻ ở Việt Nam. Mô hình kinh tế này phát triển mạnh trong những năm gần đây ở một số nước trên thế giới và mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội do giúp giảm chi phí giao dịch và sử dụng tài sản và tài nguyên hiệu quả hơn”.

Đồng tình với quan điểm này, chia sẻ rõ hơn về lợi ích về tiết kiệm tài nguyên của kinh tế chia sẻ trong mô hình hợp tác chuỗi sản xuất thực phẩm organic, bà Phùng Thị Thu Hương – Tổng Giám đốc Công ty Green Path chia sẻ: “Việc ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào xây dụng chuỗi cung ứng sản phẩm organic của doanh nghiệp đã giúp người nông dân tăng được giá trị sản phẩm gấp 2, ví dụ như trong việc đưa sản phẩm vải organic ra thị trường. Trong khi giá vải thiều Thanh Hà vụ vừa qua giao động từ 10.000-15.000 NVĐ/kg, tuy nhiên doanh nghiệp thu mua từ người nông dân là 20.000-30.000 VNĐ/kg”.

Trong bối cảnh mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (I 4.0) trong đó sản suất thông minh và các thành tựu đột phá của khoa học công nghệ được ứng dụng, cơ cấu kinh tế toàn cầu đã và sẽ có nhiều thay đổi. Tỷ trọng của kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế trả công theo dịch vụ đang tăng lên nhanh chóng.

Phải đảm bảo sự công bằng

Bên cạnh những cơ hội lớn về kinh doanh tạo việc làm và giá trị cao hơn cho người lao động, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế chia sẻ cũng đã làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua (người tiêu dùng) và người bán (nhà cung cấp dịch vụ). Bên cạnh đó cũng phải kể đến việc nảy sinh các vấn đề giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, vấn đề thu thuế phát sinh từ hoạt động dịch vụ, vấn đề đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia v.v..

Thực tế cho thấy rằng, ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào việc hợp tác giữa doanh nghiệp, người nông dân và nhà khoa học để cùng xây dựng lên một chuỗi cung ứng cho ngành nông nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, thành công nhiều, tuy nhiên cũng không hiếm những trường hợp người nông dân “bỏ đơn”.

Quay trở lại câu chuyện của mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp Green Path và người nông dân nêu trên, để người nông không bỏ đơn, theo bà Phùng Thị Thu Hương: “Nền kinh tế chia sẻ trước tiên phải là nền kinh tế công bằng và công bằng với chính người nông dân. Ở mỗi vị trí trong nền kinh tế chia sẻ  hãy làm tốt và tôn trọng luật chơi”.

“Cụ thể doanh nghiệp đều ký hợp đồng với người nông dân trước mỗi vụ mùa, bao tiêu toàn bộ sản phẩm, có giá cố định và giá bảo hiểm cho người nông dân, và người nông dân chờ đợi điều này ở doanh nghiệp”, bà Hương chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó về mặt chính sách, nhằm hạn chế những thách thức từ nền kinh tế chia sẻ có thể đặt ra đối với doanh nghiệp và nền kinh tế, đã có những thiết kế chính sách kinh tế mới, phù hợp hơn với những phát triển của từng loại hình kinh tế chia sẻ được đưa ra. Trong đó phải kể đến, việc tiếp tục cải thiệnmôi trường kinh doanh cho thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số, trong đó kinh tế chia sẻ chỉ là một dạng mô hình kinh doanh mới ở một số lĩnh vực, tồn tại đồng hành cùng mô hình kinh doanh truyền thống. Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích các start-ups. 

Thêm nữa, được biết, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ” tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 08/02/2018 của Chính phủ. Đề án này đang được xây dựng để triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên của Chính phủ và cũng để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước đối với loại hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.

Zalo: 0983 088 626