Cải thiện năng suất lao động để nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế

Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, năng suất lao động chưa cao và chủ yếu vẫn tăng theo chiều rộng… là những vấn đề được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra bàn thảo.

Nhiều yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế

Tại Hội thảo Khoa học “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thực trạng, tiềm năng và thách thức" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với trường Đại học Kinh tế Luật (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 9/11, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Đại diện VCCI cho biết, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn thấp. Theo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam dù đã tăng từ 57,9 lên 58,1 điểm nhưng tụt 3 bậc, xếp hạng từ 77/140 nền kinh tế năm 2018.

Cải thiện năng suất lao động để nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế - ảnh 1

Cải thiện năng suất lao động sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và góp phần nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. 

Phân tích các yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, bà Hằng cho hay, cơ sở hạ tầng được cho điểm yếu trong các chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, nhất là chất lượng đường bộ, cảng biển, cảng hàng không và cung cấp điện. Hiện tại, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tiện ích không theo kịp tốc độ tăng trưởng và đô thị hóa.

Ngoài ra, thị trường vốn, lãi suất vẫn còn cao so với mức của các nước trong nhóm ASEAN 4. Trong khi đó, DN lại phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng ngân hàng và chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn - không kỳ hạn nên tính ổn định chưa cao. Quy mô thị trường chứng khoán dù tăng nhưng chất lượng chưa đạt như kỳ vọng. Thị trường đất đai chưa có sự hoạt động của thị trường sơ cấp, chi phí giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn quá cao…

Tương tự về thị trường lao động, năng suất lao động còn thấp, còn tồn tại các bất cập bất cân xứng cung cầu giữa các ngành nghề. Thiếu nhân lực có kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc. Hệ thống thông tin của thị trường lao động bị hạn chế, bị chia cắt giữa các vùng miền. Thiếu mô hình dự báo thị trường lao động tin cậy và nhất quán, thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm công tác thống kê, phân tích…

 

 

 

 

 

 

Cần cải thiện năng suất lao động

Theo PGS. TS Trần Mai Ước, Trường đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh, năng suất lao động toàn xã hội của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu về tốc độ tăng năng suất lao động Việt Nam giai đoạn 1990-2017 cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/16 so với Singapore, và bằng 1/2 so với Philippines.

“Năng suất lao động của Việt Nam có tăng nhưng theo chiều rộng chưa theo chiều sâu. Nguyên nhân do nền kinh tế phần lớn dựa vào cơ cấu kinh tế nông nghiệp và công nghiệp dịch vụ, chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ với trình độ đào tạo và kỷ luật lao động còn hạn chế. Chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa thực sự đáp ứng. Năng lực quản lý, quản trị DN còn hạn chế, còn điểm nghẽn về cải cách hành chính…”, ông Trần Mai Ước cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng, để cải thiện năng suất lao động, Việt Nam cần tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI nâng cao năng suất lao động và Chính phủ cần đưa ra chính sách hỗ trợ hiệu quả, lựa chọn lĩnh vực, đối tượng ưu tiên. Phát triển các DN nông nghiệp chất lượng cao, các nhà hoạch định chính sách phải có năng lực tốt không ngừng nâng cao kỹ năng và trình độ chuyên môn…

Sức cạnh tranh của các DN được tính toán trên các yếu tố về vốn, nguồn lực đất đai, năng lực, quy mô hoạt động. Theo đó, các DN lớn có sức cạnh tranh cao hơn nhờ tiếp cận được các chinh sách kích cầu hỗ trợ đầu tư, đào tạo. Trong khi các DN có quy mô vừa nhỏ rất khó tiếp cận các chính sách này dẫn đến sức cạnh tranh hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng của nền kinh tế tương lai của Việt Nam luôn nằm dưới mức trung bình của khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

 

 

Theo Mai Ca (Báo Công thương), nguồn: vietq.vn

Zalo: 0983 088 626