Giải thưởng “Quốc gia thông minh” và sự vươn tầm của người Việt!

Các giải pháp trong giải thưởng “Quốc gia thông minh” của TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn là cơ sở để chúng ta nghiêm túc, nghiên cứu, vận dụng, phát triển thành công các đề án Thành phố thông minh.

Vượt qua hàng trăm mô hình và dự án về thành phố thông minh (TPTM) được gửi đến dự thi từ nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Singapore, Indonesia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Estonia,… Viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế đã giành được danh hiệu “Ý tưởng và mô hình quốc gia thông minh xuất sắc nhất” tại lễ trao giải này.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã giành được danh hiệu “Ý tưởng và mô hình quốc gia thông minh xuất sắc nhất”. Ảnh: VOV.

Cuộc thi do tổ chức Thành phố thông minh thế giới phối hợp với Hiệp hội Công nghệ Pháp Normandy French Tech và Viện Khoa học Điều khiển – Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đồng tổ chức.

Niềm tự hào của người Việt

Có thể nói, đây chính là một tin vui dành cho giới công nghệ Việt Nam và cũng là niềm tự hào cho người Việt ở khắp nơi trên thế giới vì lần đầu tiên một giải thưởng danh giá đã được cộng đồng quốc tế trao cho cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam ở lĩnh vực Quốc gia thông minh trong khuôn khổ một cuộc thi có quy mô toàn cầu.

Liên quan đến Giải thưởng Quốc gia thông minh của mình, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn chia sẻ: “Bao trùm lên mô hình kết nối này là các tiện ích và hàng loạt ứng dụng thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, thông tin thời gian thực, trí tuệ nhân tạo, thuật toán phân tích dự báo, tạo thành hệ thống trung tâm điều hành tích hợp các cấp, hiện thực hoá mô hình tương tác đa chiều và lợi ích bao trùm cho hơn 20 nhóm đối tượng hưởng lợi: Từ lãnh đạo, nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu, bác sĩ, bệnh nhân, giáo viên, học sinh, du khách cho tới người dân nói chung và mọi thành phần khác trong toàn xã hội”.

Qua “sự kiện” này cũng cho thấy, Việt Nam chúng ta đang thiếu những nhà khoa học làm ra các sản phẩm công nghệ có giá trị tầm quốc tế. Và đây là trường hợp hai trong một, vừa là nhà khoa học vừa là doanh nhân, đã nghiên cứu và tạo ra một giải pháp “Quốc gia thông minh” xuất sắc, được hội đồng khoa học quốc tế thừa nhận.

Nói cách khác, có một vấn đề mà dư luận bấy lâu nay vẫn quan tâm là tính hiệu quả của nguồn ngân sách Nhà nước chi cho các đề tài nghiên cứu khoa học khá lớn, các Viện nghiên cứu và “quân” cũng không ít, nhưng công trình được thế giới công nhận lại không nhiều.

Đúng như lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng từng nhận xét: “Phần lớn ngân sách nhà nước chi cho khoa học công nghệ là để nuôi bộ máy nghiên cứu, với 1.629 tổ chức nghiên cứu khoa học công lập và 141.000 người (chiếm 84%), còn phần thực chi cho khoa học công nghệ (nghiên cứu - phát triển) chiếm tỷ lệ nhỏ hơn, nhưng kết quả nghiên cứu ra lại có ứng dụng rất ít, phải cất ngăn kéo đã dẫn tới sự lãng phí của xã hội”.

Chuyện về giải thưởng “Quốc gia thông minh” của TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn minh chứng rõ rằng doanh nhân VIệt Nam không chỉ giỏi kinh doanh mà còn rất giỏi trong việc nghiên cứu khoa học, thậm chí, còn có thể tạo ra sản phẩm công nghệ vươn tầm quốc tế, “đánh bại” được hàng trăm sản phẩm của các chuyên gia công nghệ thế giới, được Tổ chức, Hiệp hội quốc tế công nhận, vinh danh.

Hy vọng không bị lãng phí

Việc phát triển Thành phố thông minh hiện nay không còn là dự báo mà đã trở thành một xu hướng quan trọng có khả năng giải quyết nhiều thách thức mà các đô thị phải đối mặt. Theo nghiên cứu, ngành công nghiệp xây dựng Thành phố thông minh dự kiến sẽ là một thị trường 400 tỷ USD vào năm 2020, với 600 thành phố trên thế giới. 

Tại Việt Nam, đang có nhiều đô thị đặt ra mục tiêu trở thành Thành phố thông minh. Ví như TP HCM có đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã được phê duyệt.

Hoặc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới phê duyệt đề án phát triển đô  thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, hướng đến năm 2030. Theo đề án này, mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng xong nền tảng pháp lý và tiến hành các khâu chuẩn bị từ cơ sở dữ liệu  cho đến mô hình quản lý dân cư, giao thông, đất đai.

Đến năm 2025, mục tiêu Chính phủ đề ra là thực hiện giai đoạn 1 thí điểm đô thị thông minh và đến năm 2030 sẽ triển khai nhân rộng hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.

Vấn đề ở chỗ, theo như đánh giá của một số chuyên gia quốc tế, để được công nhận là một Thành phố thông minh thì phải đáp ứng đủ 5 yếu tố là: Sử dụng năng lượng thông minh; Giao thông thông minh; Chính phủ thông minh; Giáo dục thông minh và chăm sóc sức khỏe thông minh. Tất cả đều dừa trên những ứng dụng công nghệ điện tử, tin học hiện đại.

Trong khi đó ở Việt Nam, kể cả ở các thành phố lớn, các chuyên gia trong nước đã chỉ ra nhiều bất cập như giáo dục còn lạc hậu, y tế thì bệnh viện luôn quá tải, nền tảng hạ tầng kỹ thuật chung cũng còn nhiều vấn đề như: Thiếu nước sinh hoạt, ngập úng, rác thải, ô nhiễm môi trường…

Do đó, các giải pháp trong giải thưởng “Quốc gia thông minh” của TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn là cơ sở để chúng ta nghiêm túc, nghiên cứu, vận dụng, phát triển thành công các đề án Thành phố thông minh. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về những Thành phố thông minh, về “Quốc gia thông minh” tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng sống, mỹ quan đô thị trong tương lai. Dù biết, để hiện thực hóa các giải pháp đã đạt giải trong cuộc thi lẫn các đề án Thành phố thông mà Chính phủ xây dựng là cả một quá trình, lộ trình dài.

Chính vì vậy, làm sao để nguồn “chất xám” đã được đầu tư để giành giải “Quốc gia thông minh” không bị lãng phí? Làm sao để có thêm các công trình nghiên cứu khoa học vươn tầm quốc tế? Đó thật sự là thách thức không nhỏ, nhưng ít ra chúng ta cũng có “cách thức” lẫn niềm tin để bước đi trong tương tai nếu nhìn từ thành công của TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Zalo: 0983 088 626