Năng suất - chất lượng

GIỚI THIỆU NĂNG SUẤT
1- Năng suất là gì? 

Hiểu theo cách đơn giản, năng suất là thước đo mức độ hiệu quả của các hoạt động tạo ra kết quả đầu ra (số lượng, giá trị gia tăng) từ các yếu tố đầu vào (lao động, vốn, nguyên liệu, năng lượng…), được biểu thị bằng công thức:

Từ năm 1958, Cơ quan Năng suất Châu Âu (EPA) đã đưa ra định nghĩa về năng suất hiện được nhiều quốc gia sử dụng như sau: “Năng suất là một hình thái tư duy, đó là thái độ luôn tìm kiếm để cải thiện những gì đang tồn tại. Vì có một sự chắc chắn rằng, con người ngày hôm nay có thể làm việc tốt hơn hôm qua – ngày mai tốt hơn hôm nay và dù kết quả có như thế nào, ý chí cải tiến mới là quan trọng; đó là khả năng luôn thích ứng với các điều kiện thay đổi và nỗ lực không ngừng để áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới; và là niềm tin chắc chắn vào sự tiến bộ của nhân loại”.

2- Để phân tính, đánh giá về năng suất của nền kinh tế, ngành kinh tế hay năng suất của doanh nghiệp, người ta sử dụng hệ thống các chỉ tiêu năng suất gồm 2 nhóm chỉ tiêu sau:
- Năng suất tính theo từng yếu tố đầu vào (Factor Productivity), được tính bằng: Đầu ra/một yếu tố đầu vào. Ví dụ: năng suất lao động: Đầu ra/số lao động; năng suất vốn… Nhóm chỉ tiêu này dùng để phân tích hiệu quả của từng yếu tố đầu vào.
- Năng suất tính theo các yếu tố đầu vào (Total Factor Productivity) hay còn gọi là Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Chỉ tiêu này phản ánh kết quả được tạo ra do tác động của các yếu tố: chất lượng lao động, áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ quản lý v.v.

So sánh năng suất lao động của một số quốc gia châu Á (Nguồn: APO Productivity Databook 2014) 

3- Năng suất lao động (Labour Productivity) là tỷ lệ giữa lượng đầu ra trên đầu vào, trong đó đầu ra được tính bằng GDP (Tổng sản phẩm trong nước) hoặc GVA (Tổng giá trị gia tăng), đầu vào thường được tính bằng: số lượng lao động đang làm việc, giờ công lao động, hay lực lao động được điều chỉnh theo chất lượng. 
Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hay hiệu suất của lao động trong quá trình sản xuất, đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị được tạo ra trong một đơn vị thời gian, hay số lao động hao để sản xuất ra một đơn vị thành phẩm. Năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng nhất thể hiện tính chất và trình độ tiến bộ của một đơn vị sản xuất, hay của một phương thức sản xuất. Vì vậy, năng suất Lao động là một trong những yếu tố quan trọng tác động tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Các phương pháp tính năng suất lao động:

Trong đó:
- Đầu ra được đo bằng: GDP hoặc Giá trị gia tăng
- Đầu vào (lao động) có thể đo bằng
o Số lượng lao động, quy đổi ra làm việc toàn thời gian 
(Full Time Equivalent - FTE);
o Số giờ công lao động;
o Đầu vào lao động được điều chỉnh theo chất lượng 
(Quality Adjusted Labor Input (QALI).
4- Các yếu tố tác động tới năng suất 
Việc tăng năng suất ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khi mà nền kinh tế hiện nay đang chuyển sang hướng phát triển mới. Năng suất tăng có thể do: chất lượng của lao động tăng lên, giúp cho một giờ làm việc đem lại nhiều sản lượng hơn; thay đổi về thành phần hay chất lượng của vốn khiến cho sử dụng vốn có hiệu quả cao hơn; có thể do tiến bộ công nghệ xuất phát từ công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nước, vay mượn từ tri thức toàn cầu, hay chỉ đơn giản là rút kinh nghiệm từ thực tế làm việc; cũng có thể do tái phân bổ nguồn lực, một người lao động chuyển từ một công việc đồng áng có năng suất thấp sang một công việc có năng suất cao trong nhà máy sẽ trở nên có hiệu quả hơn, dù trình độ học vấn không thay đổi; Có thể tóm tắt những yếu tố đóng góp vào tăng năng suất như sau:
- Phát triển nguồn nhân lực: Đầu tư vào nguồn nhân lực làm tăng năng lực cho lực lượng lao động. Nói một cách tổng quát, những công nhân được đào tạo tốt hơn sẽ làm việc năng suất hơn và tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ có chất lượng hơn. 
- Cơ cấu vốn: Đầu tư phát triển công nghệ sản xuất mới là yêu cầu đòi hỏi tất yếu nhằm cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Công nghệ mới sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí sản xuất. Thông qua cơ cấu lại vốn, các ngành sẽ hoạch định tốt hơn nhằm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
- Tái cơ cấu kinh tế: Cơ cấu lại nền kinh tế là việc chuyển các nguồn lực từ các ngành và thành phần kinh tế kém năng suất sang ngành và thành phần kinh tế có năng suất cao. Việc phân bổ lại các nguồn lực để có được các ngành và thành phần kinh tế có năng suất cao hơn sẽ dẫn đến sử dụng có hiệu suất và hiệu quả các nguồn lực và dẫn đến năng suất tăng cao. 
- Tăng nhu cầu: Việc tăng nhu cầu trong nước và nước ngoài đối với sản phẩm và dịch vụ sẽ dẫn đến tỷ lệ sử dụng sản phẩm tiềm năng cao hơn. Từ đó kích thích sản xuất và sáng tạo.
- Ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ: Thể hiện tính hiệu lực và việc sử dụng có hiệu quả công nghệ thích hợp, sự đổi mới, nghiên cứu và phát triển, thái độ làm việc tích cực, hệ thống quản lý và tổ chức tốt, quản lý chuỗi cung ứng và sử dụng các phương pháp thực hành tốt nhất. Với trình độ công nghệ cao, người lao động được khuyến khích và hệ thống quản lý hiệu quả, nền kinh tế sẽ có khả năng tạo ra sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Tính sáng tạo, sự đổi mới và tư duy năng suất sẽ định hướng sự tích tụ, phổ biến và sử dụng kiến thức nhằm tăng năng suất.
 

(Nguồn: http://vnpi.vn/)

Zalo: 0983 088 626