1. ISO/TS 16949 là gì
ISO/TS 16949 là tiêu chuẩn kỹ thuật quy định các yêu cầu đối với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 (nay là ISO 9001:2015) trong các cơ sở sản xuất ô tô và cung ứng dịch vụ liên quan.
Tiêu chuẩn này được phát triển bởi Hiệp hội Ô tô quốc tế - IATF (International Automotive Task Force), Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Nhật Bản (JAMA) với sự hỗ trợ của Ủy ban Kỹ thuật
ISO/TC 176 - Quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng. ISO/TS 16949 dựa trên hai nền tảng cơ bản là 8 nguyên tắc quản lý chất lượng và việc thỏa mãn các yêu cầu cụ thể của khách hàng, nhằm phát triển hệ thống quản lý chất lượng để cải tiến liên tục, tập trung vào phòng ngừa khuyết tật, giảm sự biến động và lãng phí trong chuỗi cung ứng.
Tiêu chuẩn ISO/TS 16949 đã được Việt Nam chấp thuận trở thành tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/TS 16949:2011.
2. Đối tượng áp dụng
Bất kỳ tổ chức nào trong chuỗi cung cấp ô tô thỏa mãn tiêu chí sau đây đều có thể áp dụng và đăng ký chứng nhận ISO/TS 16949:2009:
1) Về phạm vi áp dụng:
- Quy định kỹ thuật này (ISO/TS 16949:2009), cùng với các yêu cầu của ISO 9001:2008, xác định các yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng đối với việc thiết kế và phát triển, sản xuất và, khi thích hợp, lắp ráp và cung cấp dịch vụ về các sản phẩm liên quan đến ô tô.
- Quy định kỹ thuật này có thể áp dụng đối với các cơ sở của tổ chức ở đó việc sản xuất và/ hoặc các bộ phận dịch vụ được quy định bởi khách hàng được sản xuất ra.
2) Thuật ngữ “Ô tô” (Automotive) phải được hiểu bao gồm: ô tô, xe tải (nhẹ, trung, nặng), xe buýt, xe máy.
3) Các địa điểm, cơ sở sản xuất và cung cấp dịch vụ (sites) trong chuỗi cung ứng ô tô bao gồm:
- Các địa điểm ở đó diễn ra các quá trình sản xuất gia tăng giá trị.
- Các cơ sở vệ tinh cung cấp các chi tiết gia tăng giá trị, các thành phần, sản phẩm, lắp ráp bán thành phẩm và dịch vụ tham gia vào chuỗi cung cấp cho nhà sản xuất thiết bị gốc - OEM (Original Equipment Manufacturer).
- Các cơ sở vệ tinh trong chuỗi cung cấp ô tô, ở đó sản xuất ra các nguyên vật liệu sản xuất, các chi tiết; các sản phẩm lắp ráp, hoặc cung cấp dịch vụ gia tăng giá trị để hoàn thiện sản phẩm, ví dụ như xử lý nhiệt, hàn, sơn, mạ điện…. cho các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) có áp dụng tiêu chuẩn này.
- Các đơn vị chức năng hỗ trợ, dù đặt lại tại chỗ hay ở nơi khác (như trung tâm thiết kế, trụ sở chính và trung tâm phân phối), là những đơn vị thuộc diện cần được đánh giá nhưng không được chứng nhận độc lập theo tiêu chuẩn này.
- ISO/TS 16949:2009 không áp dụng đối với các sản phẩm hoặc tổ chức liên quan sau:
- Chuỗi cung cấp phương tiện cơ giới đối với hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, hoặc không sử dụng trên đường dành cho giao thông (Off-highway, ví dụ: khai khoáng, lâm nghiệp, xây dựng…).
- Các chi tiết ô tô phục vụ cho dịch vụ sau bán hàng được sản xuất theo yêu cầu của các nhà sản xuất thiết bị gốc có đăng ký với IATF, nhưng không được mua hoặc xuất thông qua các nhà sản xuất này.
- Các nhà sản xuất công cụ, thiết bị sản xuất, đồ gá, cấu kiện, khuôn đúc… được sử dụng trong công nghiệp ô tô.
- Các chi tiết ô tô được tái sản xuất, làm lại.
- Các trung tâm phân phối, kho hàng, đơn vị bao gói chi tiết, hỗ trợ dịch vụ hậu cần (logistics) và dịch vụ tiếp theo đó.
- Các chức năng hỗ trợ (phi sản xuất, kể cả on-site hoặc offsite) sẽ không được cấp chứng nhận TS 16949 một cách độc lập mà phải được đánh giá và được bao gồm trong chứng nhận TS của cơ sở sản xuất mà các bộ phận chức năng này hỗ trợ.
3. Lợi ích
- Tập trung vào cải tiến liên tục, trong đó nhấn mạnh vào việc phòng ngừa sai lỗi, giảm sự biến động quá trình cũng như cắt giảm các lãng phí trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ.
- Giảm chi phí và thời gian nhờ giảm thiểu việc đánh giá nhiều lần của các khách hàng khác nhau trong chuỗi cung ứng.
- Có được lợi thế kinh doanh trong quá trình đàm phán hợp đồng.
- Việc được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO/TS 16949 giúp tăng sự tin cậy đối với tổ chức khi tham gia đấu thầu quốc tế để cung cấp sản phẩm hoặc mở rộng quy mô kinh doanh trong nước.
- ISO/TS 16949 giúp tạo ra phương pháp tiếp cận hệ thống quản lý chất lượng chung trong toàn chuỗi cung cấp (kể cả nhà cung cấp lẫn nhà thầu phụ) và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, áp dụng các phương pháp thực hành tốt nhất.