IBTC THAM GIA TẬP HUẤN THỰC HÀNH SẢN XUẤT TỐT THEO TIÊU CHUẨN GMP

Tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices) là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất, bao gồm những nguyên tắc chung, những quy định, hướng dẫn các nội dung cơ bản về điều kiện sản xuất; áp dụng cho các cơ sở sản xuất, gia công, đóng gói thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm… nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và an toàn. GMP là một phần cơ bản trong hệ thống quản lý ATTP, là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển hệ thống HACCP và các tiêu chuẩn quản lý ATTP ISO 22000.

Hương Trà: Tập huấn Thực hành sản xuất tốt theo Tiêu chuẩn GMP
 
Toàn cảnh buổi tập huấn

Thực hành sản xuất tốt (Good Manufacturing Practices, viết tắt: GMP) là tập hợp những nguyên tắc chung, quy định hướng dẫn các nội dung cơ bản về điều kiện sản xuất, áp dụng cho các cơ sở sản xuất, gia công, đóng gói thực phẩm, dược phẩm… nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 02 lớp Tập huấn về “Hệ thống quản lý thực hành tốt theo Tiêu chuẩn GMP” cho các cơ sở, người dân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thị xã Hương Trà nhằm mục đích thúc đẩy phong trào năng suất, chất lượng ở địa phương, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý vào sản xuất kinh doanh.

Ông Tống Viết Hoàng Anh, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu khai mạc buổi tập huấn

Theo đó, các lớp tập huấn sẽ diễn ra từ ngày 22 đến ngày 23/7. Tham dự tập huấn, về phía sở KH&CN có ông Tống Viết Hoàng Anh, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Ông Ngô Thuần, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành; Ông Võ Văn Ninh, Phó phòng Kinh tế thị xã Hương Trà; Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty Đào tạo và Chuyên giao công nghệ Quản trị doanh nghiệp (chuyên gia tập huấn) và sự có mặt trên 50 cơ sở sản xuất bún Vân Cù.

Đối tượng trọng tâm của lớp tập huấn là Làng nghề sản xuất bún Vân Cù – Một làng nghề truyền thống sản xuất bún nổi tiếng ở Huế. Ước tính làng có khoảng 160 hộ gia đình, chiếm 50% số hộ trong làng trực tiếp sản xuất bún. Mỗi ngày, các lò bún ở đây cung cấp ra thị trường hơn 22 tấn bún các loại. Hộ nào ít có thể sản xuất 1-2 tạ, hộ làm nhiều là 3-4 tạ/ngày. Chính vì vậy hoạt động tập huấn cho người dân nơi đây về Tiêu chuẩn GMP trong sản xuất và kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty Đào tạo và chuyên giao Công nghệ Quản trị doanh nghiệp đang tiến hành tập huấn

Tại buổi tập huấn, chuyên gia Nguyễn Văn Toàn đã giới thiệu các vấn đề cơ bản về GMP như khái niệm, lịch sử hình thành và phát triển, phân loại các tiêu chuẩn GMP theo khu vực (GMP – ASEAN, GMP – EU…), trình bày nội dung và phương pháp xây dựng Tiêu chuẩn GMP thích ứng với các hình thức sản xuất và kinh doanh ở địa phương cũng như đảm bảo phù hợp với quy định của nhà nước.

Để giúp cho người dân hiểu và xây dựng Tiêu chuẩn GMP, chuyên gia đã đưa ra ví dụ thực tế trên địa bàn thị xã, đó là hoạt động sản xuất bún của người dân Làng Vân Cù. Thông qua việc phân tích quy trình sản xuất bún, chuyên gia đã lồng ghép những kiến thức về tiêu chí GMP vào từng công đoạn. Chẳng hạn như chọn lựa gạo có tỉ lệ tạp chất dưới 0,1%, hồ hóa tinh bột, phối trộn các phụ gia hợp lý theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, nấu, làm nguội và phân loại bún theo từng chuẩn nhất định.

Theo khảo sát về vấn đề phụ gia thực phẩm, 55% người dân trả lời chưa đúng, phần còn lại là không biết (8%), từ chối trả lời (14%) và trả lời đúng (23%). Chính vì vậy, buổi tập huấn đã nhấn mạnh vấn đề phụ gia thực phẩm trong hoạt động sản xuất.

Bằng ví dụ về sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất bún như VMC ANTI (chất bảo quản bún phở), STD_M1 (chất tạo độ dai, giòn và kết dính), các chất chống mốc như (Sodium BenZoate Kalama, Sodium BenZoate Trung Quốc), chuyên gia đã hướng dẫn các hộ dân chọn phụ gia phù hợp với danh mục cho phép của Bộ Y tế cũng như xác định những dấu hiệu cảm quang, lý hóa, vi sinh để xác định chất lượng sản phẩm của mình.

Được biết, việc áp dụng GMP vào thực tiễn mang lại nhiều lợi ích lớn cho doanh nghiệp, có thể kể đến đó là khả năng làm quản lý hiệu quả, khoa học; Giảm những rủi ro, sự cố trong sản xuất kinh doanh; Tạo lập niềm tin nơi khách hàng; Giúp tuân thủ, đáp ứng các luật định và nghị định ở nước ta; Là cơ sở để xây dựng và áp dụng các hệ thống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP; ISO 22000); Đồng thời GMP còn giúp cho doanh nghiệp chuẩn hóa để đủ điều kiện gia nhập vào các thị trường thương mại thế giới như WTO, AFTA… Thông qua buổi tập huấn này, Sở đã giúp cho các tổ chức, các nhân trên địa bàn thị xã (đặc biệt là Làng nghề bún Vân Cù) ý thức được tầm quan trọng của thực hành sản xuất tốt từ đó tiến hành hoàn thiện hồ sơ đăng kí cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn GMP để khai thác những lợi ích mà nó mang lại.

Buổi tập huấn cũng đã tiến hành phổ cập một số nội dung về quy định của pháp luật trong quản lý an toàn thực phẩm ngành Công Thương. Cuối buổi tập huấn, đại diện mỗi cơ sở sẽ tiến hành làm bài kiểm tra 30 phút để được cấp giấy chứng nhận kiến thức an toàn thực phẩm.

Khóa học Tiêu chuẩn HACCP mới Rev.2020 (TCVN 5603:2023), khai giảng 24/6/2023, HỌC PHÍ ƯU ĐÃI tại đây:  https://forms.gle/mGED1NyCFP7gf7ho6

Ngọc Hà

Theo https://skhcn.thuathienhue.gov.vn/

Zalo: 0983 088 626