Ở các nước phát triển, sở hữu trí tuệ được đánh giá là một loại tài sản quan trọng, có giá trị nhất đối với mỗi doanh nghiệp. Nhiều công ty, doanh nghiệp trên thế giới đã rất thành công và trở nên nổi tiếng nhờ khai thác hiệu quả quyền SHTT phải kể đến như: Coca Cola, Microsoft, IBM…với giá trị thương hiệu- tài sản SHTT lên tới hàng chục tỷ Đô la Mỹ.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở thành mối quan tâm hàng đầu
Trong một vụ kiện diễn ra năm 2011 liên quan tới hãng truyện tranh Marvel, tòa Mỹ đã xử thắng cho Marvel trong vụ kiện tranh chấp bản quyền những nhân vật siêu anh hùng như Spider man (Người nhện) hay The incredible hulk (Người khổng lồ xanh).
Năm 2010, Marvel đã bị gia đình của Jack Kirby - đồng tác giả những bộ truyện về siêu anh hùng - khởi kiện, đòi bồi thường bản quyền cho những sáng tác của ông trong suốt khoảng thời gian từ năm 1958 đến 1963.
Tuy nhiên, thẩm phán Colleen McMahon tại tòa án khu vực ở New York khẳng định tất cả hợp đồng đều cho thấy mọi sáng tác của Kirby chỉ đơn giản là "làm thuê" và lãnh tiền công từ Marvel. Do đó, thẩm phán kết luận Marvel được coi là tác giả và là chủ sở hữu các sáng tác của Kirby.
Từ vụ việc này, Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng, trở thành mối quan tâm nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, mỗi hành động xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều phải được xử lý một cách khắt khe, triệt để, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ một cách tối ưu nhất.
Bà Thu cho biết, các quốc gia như Mỹ, đã áp dụng hệ thống nộp đơn điện tử đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả, hiện nay, Việt Nam chưa áp dụng.
Theo bà Thu, nhiều quốc gia luôn có hệ thống dữ liệu sáng chế mở, các doanh nghiệp, nhà khoa học và nghiên cứu luôn tiếp cận dễ dàng để có thể khai thác hiệu quả thông tin sáng chế.
Bài học cho doanh nghiệp
Luật sư Thu cho rằng từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, Việt Nam có thể đúc kết được những bài học riêng cho mình.
Về phía doanh nghiệp, bà Thu cho rằng việc xác định đúng đối tượng và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ quyết định đến việc thành bại của chính doanh nghiệp.
“Sở hữu trí tuệ chính là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Do đó, công tác tự bảo vệ mình cũng rất quan trọng, tự bảo vệ bằng cách kiểm soát, liệu có đối thủ cạnh tranh đăng ký quyền tương tự ngay từ đầu để phản đối, khiếu nại, phối hợp với cơ quan thực thi để bảo vệ cho mình…”, bà Thu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo bà Thu khi doanh nghiệp bị vi phạm quyền SHTT, cần yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các vi phạm để bảo vệ mình và nhờ các chuyên gia là các luật sư tư vấn để xử lý triệt để.
Về phía cơ quan nhà nước, bà Thu cho rằng Việt Nam cần có một khung pháp lý về bảo hộ và phát triển các tài sản trí tuệ bảo đảm tính chính xác, rõ ràng; những cải cách về hệ thống các biện pháp bảo tồn và phát triển các tài sản trí tuệ theo hướng có sự phân quyền rõ ràng, đối với các loại hình tài sản trí tuệ khác nhau được quản lý bởi các cơ quan khác nhau.
Thứ hai, cần có các biện pháp chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động phòng, chống hàng giả, hàng nhái với sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan của Chính phủ, của các trường đại học, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, cũng như cộng đồng.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc và triệt để xử phạt các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, có thể nâng cao khung hình phạt đồng thời ban hành thêm các hình thức xử phạt nhằm mang tính răn đe hơn các cá nhân, tổ chức có ý định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, theo quan điểm bà Thu trong thời đại số như hiện nay, cần tăng cường áp dụng các biện pháp công nghệ trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý thông tin quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.