Quản lý an toàn vệ sinh lao động và sức khỏe nghề nghiệp

Tồn tại, hạn chế trong công tác ATVSLĐ và định hướng xây dựng Luật An toàn – Vệ sinh Lao động

 Sau 18 năm, việc thể chế hóa các văn bản pháp luật lao động nói chung và về lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động nói riêng đã được ban hành tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở các Bộ, Ngành, địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và cả trong sản xuất nông nghiệp và đủ cơ sở pháp lý để đưa các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong Bộ luật Lao động vào cuộc sống. Tuy nhiện, quá trình tổ chức triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cần sớm được điều chỉnh pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất- kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.
Những tồn tại, hạn chế
 Thứ nhất, hệ thống pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động còn chồng chéo, phân tán; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm gây khó khăn cho việc thực hiện các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
 Nội dung về an toàn lao động, vệ sinh lao động hiện đang được quy định trong nhiều văn bản luật và nhiều văn bản do Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành; hệ thống quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động chậm được rà soát chuyển đổi và ban hành đáp ứng yêu cầu sản xuất, phát triển công nghệ, vật liệu mới; đối tượng điều chỉnh trong Bộ luật lao động hiện nay chỉ điều chỉnh, áp dụng đối với hoạt động lao động có quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động. Trong khi đó, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động liên quan đến cả những đối tượng không thuộc phạm vi trên, ví dụ như: nông dân, ngư dân, diêm dân và lao động tự do; người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ không có giao kết hợp đồng lao động như trong các hộ gia đình, các làng nghề...; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe người sử dụng lao động vi phạm.
 Thứ hai, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước nói chung còn rất thiếu và yếu,  bất cập giữa chức năng, nhiệm vụ với tổ chức bộ máy, biên chế và trình độ cán bộ.
 Tổ chức bộ máy của Thanh tra an toàn lao động, Thanh tra vệ sinh lao động của Nhà nước trong những năm qua chưa ổn định. Đội ngũ cán bộ Thanh tra vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chất lượng; thanh tra an toàn lao động, vệ sinh lao động nằm trong Thanh tra chung nên còn nhiều bất cập, hạn chế; nguồn lực cho công tác thanh tra về an toàn lao động, vệ sinh lao động, lực lượng thanh tra lao động có chuyên môn kỹ thuật để triển khai thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động, vệ sinh lao động ngày càng ít, có địa phương không có; việc quản lý môi trường lao động, quản lý sức khỏe người lao động tại các cơ sở lao động còn rất hạn chế, số nơi làm việc, người lao động trong diện quản lý chiếm tỷ lệ rất thấp; chưa có chế tài để xử phạt đối với người sử dụng lao động, người lao động không chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động; một số địa phương còn “rải thảm đỏ” để đón các khu công nghiệp, có những quy định không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, vì vậy gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện công tác này; việc nghiên cứu, bổ sung bệnh nghề nghiệp mới vào trong danh mục bệnh nghề nghiệp được nhà nước bảo hiểm còn chậm, thủ tục rườm rà, khó khăn do đó cũng gây ảnh hưởng đến chế độ chính sách cho người lao động; các vụ tai nạn lao động chết người hầu hết đều xử lý hành chính nội bộ, số vụ truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ chiếm khoảng 2% nên không có tác dụng giáo dục, phòng ngừa việc tái diễn và thiếu các giải pháp hữu hiệu để giảm tai nạn lao động.
 Thứ ba, việc tuân thủ pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định có tính chất chống đối sự kiểm tra của cơ quan quản lí Nhà nước.
 Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn xảy ra nghiêm trọng; công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động của các địa phương đạt tỷ lệ thấp so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn; công tác quản lý huấn luyện còn lỏng lẻo; việc quy định tổ chức bộ máy làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động không còn phù hợp với một số mô hình doanh nghiệp mới.
 Nguyên nhân
 Một là,
các ngành chức năng ở Trung ương cũng như địa phương, chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, cũng như chưa thấy hết được tác hại và hậu quả xã hội nghiêm trọng do điều kiện lao động xấu, gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
 Hai là, nhiều nội dung quan trọng về an toàn lao động, vệ sinh lao động chưa được quy định hoặc không thể quy định rõ trong trong Bộ luật Lao động, mà cần phải có quy định chi tiết mới thể hiện được.
 Ba là, hệ thống tổ chức các cơ quan Nhà nước có chức năng giúp Chính phủ thi hành Pháp luật an toàn lao động, vệ sinh lao động, trước hết là hệ thống tổ chức Thanh tra an toàn lao động, Thanh tra vệ sinh lao động chưa được kiện toàn. Bộ máy biên chế và trình độ năng lực của các cơ quan thanh tra bất cập với nhiệm vụ và tình hình phát triển các doanh nghiệp ngày càng tăng trong kinh tế thị trường. Mặt khác chưa có đủ các điều kiện vật chất để bảo đảm thanh tra, kiểm tra khách quan, nhanh chóng, kịp thời theo những điều kiện mới của kỹ thuật công nghệ tiên tiến; các cơ quan Kiểm sát, Tòa án nói chung chưa quan tâm đúng mức tới việc đưa ra khởi tố và xét xử những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, mỗi năm có hàng trăm vụ tai nạn lao động chết người, nhưng hầu hết các vụ tai nạn lao động chết người hoặc gây hậu quả nghiêm trọng này đều được xử lý hành chính nội bộ nên không có tác dụng giáo dục và phòng ngừa ngăn chặn các vụ tai nạn; sự phân công nhiệm vụ trong hệ thống quản lý Nhà nước, các quy định trong hệ thống luật pháp về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động còn có một số bất cập, nhìn chung vẫn chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
 Bốn là, một số văn bản quy định lĩnh vực quản lý chuyên ngành vẫn còn chồng chéo, bất cập về phân công chức năng, nhiệm vụ trong việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn lao động; tổ chức công đoàn các cấp tuy rất quan tâm bảo vệ quyền lợi cho người lao động trên lĩnh vực này, nhưng thiếu những yêu sách, những biện pháp kiên quyết yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như buộc người sử dụng lao động phải thi hành nghiêm chỉnh Pháp luật lao động và phải xử lý thích đáng những người thiếu trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
 Năm là, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá phát sinh những yếu tố nguy hiểm, độc hại mới kéo theo người lao động phải làm việc trong điều kiện có nhiều nguy cơ mất an toàn. Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng; việc tuân thủ pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay còn rất yếu kém, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực sản xuất nông nghiệp, làng nghề;  kinh phí đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao độngvà chăm sóc sức khỏe người lao động của doanh nghiệp còn rất hạn hẹp.
 Sáu là, nhiều chủ sử dụng chưa quan tâm, đầu tư chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Cán bộ làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động còn thiếu và chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đầy đủ; một bộ phận cán bộ lãnh đạo các cấp công đoàn chưa  nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò ý nghĩa của công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động do đó chưa thực sự quan tâm, coi trọng thực hiện công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, chưa thấy hết ý nghĩa và tác động của công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và vệ sinh môi trường đối với đời sống người lao động. Bộ máy làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động ở một số đơn vị hoạt động chưa hiệu quả. Phần lớn nông dân lao động trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chưa được thông tin, huấn luyện về cách phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Những nội dung chính cần điêu chỉnh của Luật An toàn, vệ sinh lao động
 1. Về đối tượng điều chỉnh của Luật An toàn, vệ sinh lao động, ngoài các đối tượng lao động trong các cơ sở lao động có quan hệ lao động phải áp dụng đầy đủ các quy định của Luật, còn các đối tượng lao động tự tạo việc làm, hộ gia đình, trong sản xuất nông nghiệp sẽ áp dụng một số nội dung phù hợp với đặc trưng, khả năng của đối tượng cũng như trách nhiệm của các bên liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động của đối tượng lao động.
 2. Về Quỹ bồi thường, cần xây dựng Quỹ bồi thường tai nạn lao động riêng dành cho các đối tượng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm tăng cường hệ thống an sinh xã hội hỗ trợ cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cả về mức bồi thường, cả về mức trợ cấp hỗ trợ; quy định nguyên tắc đóng hưởng, chia sẻ rủi ro, đầu tư cho các hoạt động phòng ngừa thay cho việc phải đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
 3. Cần quy định quyền và trách nhiệm của các Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và xã hội nghề nghiệp trong công tác ATVSLĐ. Quy định rõ phạm vi, vai trò cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ của các tổ chức này trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, nhằm tăng cuờng công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này, bảo vệ sức khoẻ người lao động trong cũng như ngoài khu vực có quan hệ lao động. Giảm gánh nặng về trách nhiệm xã hội lên Nhà nước, đồng thời thể chế hoá quan điểm, tư tưởng của đảng về vấn đề an toàn, vệ sinh lao động.
 4. Cần thiết phải quy định về Thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ.     Vì thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là một dạng thanh tra rất đặc thù, không thể gộp vào với thanh tra lao động nói chung được. Thanh tra ATVSLĐ nhằm phòng ngừa các vi phạm có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe không thể lấy lại, đền bù thỏa đáng, cần thiết phải tiến hành sớm, định kỳ, không chờ có khiếu nại, xảy ra sự vụ mới tiến hành thanh tra. Đặc điểm này cũng giống như với hệ thống thanh tra giao thông hiện nay.
 5. Một số lĩnh vực, nội dung có sự đan xen với các luật chuyên ngành, như các qui định về an toàn trong hóa chất, an toàn trong xây dựng, quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và kiểm tra chất lượng về ATVSLĐ đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; cần được thống nhất, tránh mâu thuẫn, trùng lắp với các luật trên để đảm bảo sự đồng bộ của pháp luật.
 

TS. Bùi Sỹ Lợi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

(Nguồn: http://www.molisa.gov.vn)

Zalo: 0983 088 626