Cuộc họp Đại hội đồng ISO lần thứ 41: Vì mục tiêu phát triển bền vững

Từ ngày 26-28/9/2018, tại Geneva, Thụy Sĩ đã diễn ra phiên họp của Đại hội đồng ISO và các sự kiện liên quan.

Hơn 500 đại biểu từ 150 nước thành viên của ISO đã tham dự phiên họp Đại hội đồng. Đoàn Việt Nam do bà Vũ Thị Tú Quyên, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng làm trưởng đoàn cùng đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Trung tâm Thông tin, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch và các doanh nghiệp tham gia các sự kiện này.

Cuộc họp Đại hội đồng ISO lần thứ 41: Vì mục tiêu phát triển bền vững - ảnh 1

Đại hội đồng ISO lần thứ 41 diễn ra từ ngày 26-28/9/2018, tại Geneva, Thụy Sĩ.

Chủ đề nổi bật của phiên họp Đại hội đồng năm nay là "Thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu” trong đó gắn kết vai trò của tiêu chuẩn với việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030. Từ lâu, ISO đã và đang tham gia tích cực vào các hoạt động này. Hiện nay, có 600 tiêu chuẩn của ISO trực tiếp góp phần thực hiện 17 mục tiêu trên.

Các phiên họp bên lề Đại hội đồng bao gồm: Phiên họp lần thứ 52 Ủy ban ISO về vấn đề của các nước đang phát triển (DEVCO); Hội nghị về Tiêu chuẩn đối với các mục tiêu phát triển bền vững; Các phiên họp thảo luận về thành phố và cộng đồng bền vững, hành động vì biến đổi khí hậu, vệ sinh và nước sạch, năng lượng sạch, công nghệ, tiêu chuẩn và đổi mới sáng tạo, các xu hướng trong thương mại quốc tế và vai trò của tiêu chuẩn, kết nối các cơ quan tiêu chuẩn hóa và các cơ quan chính phủ…

Tại phiên họp liên quan, đoàn Việt Nam đã có bài trình bày chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan tiêu chuẩn hóa và các cơ quan chính phủ.

Cuộc họp Đại hội đồng ISO lần thứ 41: Vì mục tiêu phát triển bền vững - ảnh 2

Bà Vũ Tú Quyên - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế đọc tham luận tại cuộc họp.

Đại hội đồng thảo luận, bàn bạc và thông qua Nghị quyết về nhân sự vị trí Chủ tịch ISO nhiệm kỳ 2020-2021, sắp xếp tổ chức thành viên Hội đồng ISO, các vấn đề về tài chính cũng như kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.

 

Ngoài ra, phiên họp Đại hội đồng cũng là dịp để thúc đẩy các hoạt động song phương. Đoàn Việt Nam đã tiếp nhận Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội Tiêu chuẩn hóa Cộng hòa Pháp và Tổng cục đã được ông Chủ tịch Olivier Peyrat ký kết và trao đổi với đoàn Pháp về định hướng triển khai hoạt động hợp tác tiếp theo.

17 mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030

• Mục tiêu 1. Xóa nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi.
• Mục tiêu 2. Xóa đói, đảm bảo anh ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững.
• Mục tiêu 3. Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.
• Mục tiêu 4. Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở, công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
• Mục tiêu 5. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
• Mục tiêu 6. Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người.
• Mục tiêu 7. Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người.
• Mục tiêu 8. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người.
• Mục tiêu 9. Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới.
• Mục tiêu 10. Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia.
• Mục tiêu 11. Xây dựng các đô thị và các khu dân cư mở cửa cho tất cả mọi người, an toàn, vững chắc và bền vững.
• Mục tiêu 12. Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững.
• Mục tiêu 13. Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó.
• Mục tiêu 14. Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững.
• Mục tiêu 15. Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học.
• Mục tiêu 16. Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp.
• Mục tiêu 17. Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững.

 

T. Quyên (Vụ HTQT), nguồn: http://vietq.vn

Zalo: 0983 088 626