Quản lý môi trường

Quản lý môi trường tại các khu công nghiệp hiện nay

Quá trình phát triển nhanh của các khu đô thị và khu công nghiệp đã gây những xáo trộn về mặt xã hội, làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, thời gian gần đây tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành vấn đề nóng hổi, khi các vụ vi phạm về môi trường rất nghiêm trọng của các nhà máy trong các khu công nghiệp lần lượt bị phát giác ở nhiều địa phương (nhà máy Vedan là một điển hình). Đây là một thực trạng đáng báo động và đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong khi công tác môi trường của các cấp chính quyền còn nhiều hạn chế.
1. Những bất cập trong công tác quản lý môi trường
Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa chặt chẽ, cụ thể và thiếu đồng bộ
Trong những năm gần đây, vấn đề xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta đã được quan tâm (khoảng 300 văn bản). Việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 (được sửa đổi, bổ sung năm 2005) và các văn bản dưới luật để cụ thể Luật này đã góp phần tạo nên môi trường pháp lý điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Tuy vậy, hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay vẫn còn chưa đầy đủ, hoàn thiện, thiếu tính đồng bộ: thiếu những văn bản chi tiết hướng dẫn việc thực hiện bảo vệ môi trường; thiếu chính sách cụ thể khuyến khích ngành công nghiệp môi trường, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; thiếu quy định cụ thể khuyến khích sử dụng các sản phẩm dán nhãn sinh thái… Rất nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành, nhưng nội dung từng lĩnh vực vẫn chưa được tập hợp một cách có hệ thống. Ví dụ, về lĩnh vực quản lý chất thải gây hại, đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về quản lý chất thải nguy hại,  nhưng chỉ đến khi Chính phủ ban hành Quy chế quản lý chất thải nguy hại ngày 16/7/1999 thì công tác quản lý này mới được định nghĩa đầy đủ, là "các hoạt động kiểm soát chất thải nguy hại trong suốt quá trình từ phát sinh đến thu gom, vận chuyển, quá cảnh, lưu giữ, xử lý và tiêu huỷ".
Một vấn đề khác là tính ổn định của văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường không cao. Có những văn bản mới ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung, như Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, đến ngày 28/2/2008 đã phải sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 21/2008/NĐ-CP. Ngoài ra, các điều kiện đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, bổ sung nguồn nhân lực và các trang thiết bị cần thiết, nhất là cho các tổ chức cấp cơ sở, nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ quản lý cũng không có trong quy định. Bên cạnh đó, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính được ban hành ngày 2/4/2008 tuy có bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn chưa bổ sung thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn (tạm giữ người, tang vật, phương tiện hay khám xét…) cũng như các quy định được sử dụng các phương tiện kỹ thuật để phát hiện, truy tìm đối tượng, thu thập chứng cứ, phân tích dấu vết vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.
Thứ hai, các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường.
Ô nhiễm môi trường hiện nay là vấn đề "nóng" trên phạm vi cả nước, không phải là vấn đề riêng của địa phương nào. Tuy nhiên, sự phối hợp mang tính liên tỉnh, liên vùng nhằm đối phó với tình trạng này vẫn còn nhiều bất cập.
Việc đề ra những yêu cầu về môi trường theo một "chuẩn" chung là rất khó, do đó vẫn còn nhiều địa phương đưa ra những tiêu chuẩn thấp về môi trường (một phần còn do tình trạng cạnh tranh thu hút đầu tư). Như vậy, nếu dự án gây ô nhiễm bị từ chối cấp phép ở tỉnh này nhưng lại được cấp phép ở tỉnh khác thì tình hình ô nhiễm sẽ rất khó giải quyết. Đây có thể là kết quả của việc thiếu một quy chế rõ ràng và nhất quán về việc hạn chế gây ô nhiễm, trong đó phải có sự phối hợp của các địa phương.
Việc xác định rõ cơ chế phối hợp giữa lực lượng cảnh sát môi trường và thanh tra tài nguyên - môi trường cũng đang là vấn đề đặt ra. Lực lượng cảnh sát môi trường được thành lập và hoạt động từ tháng 11/2006, nhưng chưa có chức năng xử lý vi phạm, chỉ kiểm tra, phát hiện rồi chuyển hồ sơ cho ngành tài nguyên - môi trường ra quyết định xử phạt, theo đó, chưa thực sự phát huy hiệu lực xử lý. Ngoài ra, mối liên hệ giữa lực lượng chuyên trách về quản lý môi trường và các thành phần có chức năng giám sát môi trường khác còn chưa chặt chẽ. Việc thiếu những hoạt động phối hợp cụ thể như tuyên truyền, đào tạo, giáo dục về môi trường cũng khiến cho ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc tự giác tham gia bảo vệ môi trường chưa cao.
Tình trạng bị động và đùn đẩy trách nhiệm cũng là một thực tế khó có thể chấp nhận. Việc tố giác, khiếu nại hành vi gây ô nhiễm môi trường của người dân địa phương tại một số nơi không được coi trọng. Các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, cấp cơ sở như công an, ban môi trường, trật tự đô thị xã (phường, thị trấn) có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, làm ngơ trước những thiệt hại về sức khoẻ, về tài sản của người dân đang phải sinh sống trong môi trường ô nhiễm. Việc phải qua rất nhiều tầng, nấc hành chính trước khi vấn đề môi trường được nhận thức và giải quyết đang gây ra nhiều thiệt hại không đáng có, làm mất lòng tin của người dân, tạo ra ý thức coi thường pháp luật của các chủ cơ sở sản xuất.
Trong thời gian qua, những vụ án về môi trường vẫn đang là vấn đề nổi cộm và thu hút sự chú ý của nhân dân. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền địa phương cũng bộc lộ không ít yếu kém. Việc thanh tra, kiểm tra tại nhiều cơ sở sản xuất nhiều năm trước vẫn chỉ là những hoạt động chiếu lệ, khi mà các doanh nghiệp gây ô nhiễm sử dụng những công nghệ lạc hậu và thiếu các thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục hoạt động cho đến thời gian gần đây mới bị phát giác. Các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường thường được xử lý bằng xử phạt hành chính và mức xử phạt hiện nay chưa đủ độ răn đe cần thiết, do đó, các doanh nghiệp chưa thực sự chú ý được những hậu quả của hành vi do họ gây ra, và việc tái vi phạm, thậm chí với mức độ trầm trọng hơn thường xuyên diễn ra.
Thứ ba, công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường chưa được coi trọng.
Một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng môi trường tại nước ta bắt nguồn từ những yếu kém của khâu đầu tiên trong quá trình phê duyệt và cấp phép dự án đầu tư, trong đó, hoạt động thẩm định và đánh giá tác động môi trường còn nhiều hạn chế dẫn đến chất lượng của báo cáo đánh giá tác động môi trường còn thấp, chất lượng thẩm định của hội đồng thẩm định dự án chưa cao.
Theo Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan, các chủ đầu tư phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đây là công cụ quản lý môi trường được áp dụng cho từng dự án cụ thể nhằm đánh giá mức độ và phạm vi tác động môi trường của dự án, đồng thời đưa ra các giải pháp để giảm thiểu, hạn chế tác động tiêu cực vào môi trường. Báo cáo đánh giá tác động môi trường được lập và thẩm định trước để đánh giá tính khả thi về mặt môi trường của dự án với mục đích tham mưu cho cấp lãnh đạo đồng ý cho triển khai đầu tư dự án hay không. Song, thực tế cho thấy các báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn còn được lập một cách máy móc, rập khuôn, không thể hiện hết các tác động, đặc biệt là các tác động tiềm tàng của dự án, gây khó khăn và tiêu tốn nhiều thời gian cho công tác thẩm định. Hoạt động thẩm định và đánh giá tác động môi trường đang gặp phải nhiều vướng mắc, chất lượng thẩm định và  phê duyệt chưa cao. Điều này bắt nguồn từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như:
- Do các dự án thuộc nhiều loại hình khác nhau, từ công nghiệp nặng đến các ngành công nghiệp nhẹ, trong khi các Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh giá tác động môi trường của các dự án này.
- Việc thiếu chuyên gia am hiểu từng lĩnh vực tham gia vào hội đồng thẩm định để phản biện những vấn đề liên quan đến môi trường của từng hoạt động riêng biệt cũng là một nhân tố khiến cho kết quả vả chất lượng thẩm định, đánh giá tác động môi trường không cao.
- Trình độ của đội ngũ chuyên gia tham gia vào hội đồng thẩm định có vai trò quyết định đối với chất lượng của khâu thẩm định và đánh giá, do các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực hoạt động của mình và am hiểu về lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, thành phần của hội đồng thẩm định được quy định như hiện nay chưa đảm bảo tính khách quan, trung thực trong đánh giá. Luật đã quy định, 50% số thành viên của hội đồng thẩm định là các nhà môi trường, nhưng chưa nêu rõ các yêu cầu về trình độ, bằng cấp. Cũng do quy định chưa rõ ràng nên đã xảy ra trường hợp thành viên tham gia hội đồng thẩm định có kiến thức về đánh giá tác động môi trường nhưng không hiểu biết nhiều về tính chất dự án cần thẩm định, hoặc am hiểu về dự án nhưng lại không có kiến thức về đánh giá tác động môi trường, hoặc cả hai. Việc thiếu đại diện của chính những người dân sinh sống xung quanh khu vực dự án được thực hiện cũng khiến cho việc đánh giá thiếu khách quan, trong khi họ chính là đối tượng chịu tác động mạnh nhất khi dự án đi vào thực hiện và có vấn đề về môi trường.
2. Một số kiến nghị
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý môi trường tại các khu công nghiệp nước ta hiện nay, Nhà nước cần tập trung thực hiện một số việc cụ thể sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp lý với những chế tài đủ mạnh tuỳ theo tính chất, mức độ và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong bối cảnh môi trường nước ta đang xuống cấp nghiêm trọng với sự ra đời của hàng loạt các hoạt động sản xuất mới không có quy định trong Luật, do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường là cần thiết. Hệ thống pháp luật này cần đổi mới xây dựng theo hướng quy định rõ ràng, chặt chẽ, bám sát thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các đơn vị nhằm phát hiện và xử lý đúng những hành vi vi phạm bảo vệ môi trường, đồng thời quy định rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm của người thực hiện các dự án đầu tư trong giai đoạn đầu. Việc triển khai thực hiện phải tiến hành nghiêm túc, trong giai đoạn đầu có thể cưỡng chế thực hiện cho đến khi đi vào nền nếp.
Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã có những điều chỉnh khá toàn diện về công tác bảo vệ môi trường trong tình hình mới, cũng như tăng cường phân cấp quản lý cho uỷ ban nhân dân các cấp, nhưng bên  cạnh những nội dung được quy định chi tiết, dễ triển khai thực hiện, Luật cũng đang bộc lộ một số bất cập tiếp tục phải sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp như xác nhận cam kết bảo vệ môi trường của các dự án nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, quy định điều chỉnh đối với những dự án đã đi vào hoạt động trước tháng 7/2006 mà không có báo cáo thẩm định môi trường hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; quy định trách nhiệm kiểm tra, thanh tra tiếp tục điều chỉnh Luật phù hợp với điều kiện mới sẽ hướng tới một môi trường tốt đẹp và thân thiện với con người.
Hai là, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án ngay từ thời điểm xem xét ra quyết định cấp giấy phép đầu tư.
Để giải quyết tốt vấn đề môi trường, cần có một bài toán tổng hợp với sự tham gia của nhiều cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, tuy nhiên, đây là một bài toán rất khó.
Giải quyết vấn đề nêu trên, trước hết, phải đẩy mạnh công tác quản lý về môi trường thông qua việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án mới về các mặt như sau: các sản phẩm phát sinh của quá trình sản xuất, phương án xả thải và xử lý môi trường sau sản xuất cũng như công tác quản lý cấp giấy phép xả nước thải… Cần xây dựng những cam kết và ràng buộc cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với địa phương sở tại trong việc xử lý các tác hại có thể và chưa thể kiểm soát của môi trường; tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ trong công tác chuyên môn giữa Thanh tra môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) và Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) trong việc quản lý môi trường.
Việc tăng cường phối hợp giữa Thanh tra môi trường và Cục Cảnh sát môi trường là yêu cầu hết sức quan trọng, góp phần giải quyết các vụ việc nhanh chóng, khẩn trương, tăng cường sức mạnh răn đe đối với các doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm môi trường, tránh tình trạng thủ tục bị cắt khúc, khiến việc xử lý còn sót, chưa nghiêm minh. Bởi vì, mỗi cơ quan có đặc thù, chức năng, nhiệm vụ khác nhau và có thể bổ sung cho nhau trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, bảo vệ môi trường. Cảnh sát môi trường có thể kiểm tra đột xuất bất cứ đơn vị nào có dấu hiệu vi phạm nên có thể xử lý nhanh, mạnh từng vụ việc, trong khi thanh tra môi trường hoạt động phải theo chương trình, muốn thanh tra đơn vị nào thì phải có kế hoạch trước, phải báo trước nên có trường hợp khi thanh tra xuất hiện thì vi phạm đã được phi tang, che lấp.
Ba là, sử dụng công cụ chính sách như thu thuết, thu phí chất thải hợp lý để tái đầu tư cho bảo vệ môi trường.
Thuế, phí môi trường là một trong những công cụ quan trọng mà các quốc gia trên thế giới dùng trong việc điều tiết nền kinh tế vĩ mô, hạn chế những ngoại ứng bất lợi của quá trình sản xuất và thu lại tiền nhằm tái phối hợp, tái đầu tư cho môi trường. Thuế sẽ khuyến khích và nâng đỡ các hoạt động kinh tế có lợi cho môi trường, nâng cao chất lượng môi trường, đồng thời thu hẹp, kìm hãm các hoạt động kinh tế gây ô nhiễm, huỷ hoại môi trường. Bản chất thuế là các khoản thu mang tính chất bắt buộc, cưỡng bức theo luật thuế, không bồi hoàn trực tiếp, do vậy, nó sẽ tác động trực tiếp đến hành vi của người phải nộp thuế. Đó cũng là cách thức chi trả cho sự tiêu dùng liên quan đến môi trường.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các loại thuế, phí này còn chưa đầy đủ, chưa được sử dụng rộng rãi và thuế môi trường ở đây mới chỉ được hiêu là tiền trả cho việc thu gom, xử lý chất thải, rác thải của quá trình sản xuất và hầu hết là chi phí thấp, đặc biệt là các làng nghề nông thôn. Sự dễ dãi trong công tác quản lý môi trường, chi phí xả thải thấp khiến cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ cũ, lạc hậu vào Việt Nam làm cho môi trường sản xuất nói riêng, môi trường tại đại phương có khu công nghiệp nói chung bị ô nhiễm trầm trọng.
Việc xây dựng hệ thống thuế, phí cần thực hiện theo nguyên tắc: tuỳ theo khối lượng, tính chất, mức độ chất xả thải, xả thải càng nhiều, chất xả thải càng nguy hiểm thì càng phải trả nhiều tiền. Tuy nhiên, đến một mức độ nhất định thi fcơ sở gây ô nhiễm phải bị đình chỉ hoạt động sản xuất hoặc đóng cửa; thuế, phí phải được đánh vào tất cả các hành vi gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người nói riêng, của hệ thống môi trường nói chung như ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm rác thải… Khung định mức của các loại thuế này cần rõ ràng, dễ hiểu để các doanh nghiệp có thể hiểu và tự kiểm soát hành vi xả thải của mình. Thuế, phí môi trường, một mặt là nguồn kinh phí để Nhà nước tái đầu tư vào các công trình hạ tầng như các nhà máy xử lý nước thải, các khu chôn lấp, xử lý, tiêu huỷ rác thải công nghiệp, mặt khác nhằm hạn chế các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài thuế, phí trở thành một biện pháp để nâng cao tinh thần, trách nhiệm đối với môi trường của các doanh nghiệp sản xuất.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những doanh nghiệp vi phạm.
Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hành vi vi phạm môi trường của nước ta trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do lực lượng cán bộ làm công tác môi trường của Việt Nam vừa mỏng lại vừa yếu. Bên cạnh những khó khăn do khung pháp lý cho công tác quản lý môi trường còn nhiều hạn chế (như đã nêu trên), thì sự hạn chế về số lượng cán bộ cũng như chuyên môn yếu khiến cho việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất không thể tiến hành thường xuyên, liên tục, khiến cho việc vi phạm bảo vệ môi trường diễn ra nhiều lần mà cơ quan chức năng không thể xử lý kịp hoặc có tình trạng kiểm tra, xử phạt nhưng doanh nghiệp lại tái diễn ngay sau đó. Đồng thời, sự xuống cấp về đạo đức của một số cán bộ trực tiếp làm công tác kiểm tra, thẩm định, cấp giấy phép về chất lượng môi trường là một trong những nguyên nhân khiến cho các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường tái diễn ra và bất chấp phản ứng của dư luận.
Để nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường, cần chú trọng một số vấn đề như tăng cường số lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra môi trường; nâng cao trình độ, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác môi trường phù hợp với sự phát triển. Là một ngành nghề nhạy cảm, độc hại nên để có thể thu hút các cán bộ trẻ có tâm huyết cần thiết là phải có chính sách ưu đãi hợp lý. Nguồn kinh phí có thể lấy từ nguồn thuế và phí xả thải, thu xử phạt đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp; bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục ý thức, trách nhiệm đối với đội ngũ làm công tác kiểm tra, giám sát và thẩm định các dự án đầu tư, xây dựng, sản xuất.

Tác giả bài viết: ThS. Ngô Sỹ Trung
(Nguồn: http://www.vusta.vn)

Zalo: 0983 088 626