Năm 2009, Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất mô hình Tập đoàn kinh tế tư nhân, trong đó bao gồm cả các hình thức hỗ trợ của Chính phủ, trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Khi đó, Việt Nam chưa có tỷ phú USD nào.
Từ nhu cầu tự thân…
Sau gần 10 năm, dù quyết sách về mô hình “Tập đoàn kinh tế tư nhân” vẫn chưa được hiện thực hoá nhưng đã có những tập đoàn kinh tế tư nhân theo chuẩn mực toàn cầu, bứt phá ngoạn mục trên thương trường và được quốc tế ghi nhận.
Minh chứng là theo thống kê của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup hiện xếp thứ 219 thế giới với khối tài sản ước tính 6,7 tỷ USD. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc VietJet Air đứng vị trí 874, tài sản 2,6 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco xếp hạng thứ 1.325 với tổng tài sản khoảng 1,7 tỷ USD. Danh sách này có thể sẽ sớm được nối dài trong tương lai. Việc hình thành và phát triển tập đoàn không cần chờ quy định pháp luật mà xuất phát từ bản thân nhu cầu phát triển kinh tế.
Trong khi, các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn đang phải loay hoay với “bài toán” tái cấu trúc và chật vật về hiệu quả kinh doanh thì các tập đoàn kinh tế tư nhân lại có sự bứt phá mạnh mẽ.
Báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp gần đây, Chính phủ nêu rõ: Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư; một số dự án còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Chẳng hạn có 20 tập đoàn, tcty có tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ đầu tư lớn hơn 3 lần, thậm chí hàng chục lần, có 10 tập đoàn, tcty còn lỗ lũy kế gần 12.075 tỉ đồng.
Cách nhanh nhất để tái cấu trúc nền kinh tế là tạo ra được nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trở thành các động lực, đầu tầu dẫn dắt khu vực kinh tế tư nhân.
Trong khi đó, chỉ đúng một năm sau khởi công, VinFast đã mang những mẫu xe của mình ra mắt tại triển lãm ôtô Paris Motor Show 2018. Một hành trình mà ngay cả những nhà sản xuất xe trên thế giới cũng phải bất ngờ. Hay, gần đây nhất Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn SunGroup đầu tư theo hình thức BOT với số vốn khoảng 7.700 tỷ đồng chính thức đi vào hoạt động sau 30 tháng khởi công.
Bức tranh tương phản trên cho thấy những sự bất cập trong xác định vai trò và phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế.
…đến “chìa khoá” thể chế
Điều này đã, đang và sẽ được thay đổi khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng XHCN và một Ban tư vấn về phát triển kinh tế tư nhân cũng đã được Chính phủ thành lập.
Tuy nhiên, đây sẽ là một lộ trình khó khăn. Bởi, dù kinh tế thị trường đã phát triển hơn 30 năm nhưng doanh nghiệp tư nhân chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp cả nước mới chỉ đóng góp 8% GDP. Đóng góp vào GDP của hộ gia đình đang chiếm 32%, DNNN đóng góp 27-28% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 20%. Nền kinh tế bình thường thì khu vực doanh nghiệp tư nhân phải đóng góp đến 60-70%, nếu mạnh thì đến 80-90%.
Cơ cấu bất hợp lý trên một mặt cho thấy dư địa phát triển phát triển của doanh nghiệp tư nhân còn rất lớn nhưng nó cũng đòi hỏi một cơ chế thúc đẩy, giải phóng nguồn lực này, tái cấu trúc lại nền kinh tế theo quy luật phổ quát. Cách nhanh nhất để thực hiện là tạo ra được nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trở thành các động lực, đầu tầu dẫn dắt khu vực kinh tế tư nhân.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, chìa khóa nằm trong cải cách thể chế nhà nước, chấm dứt các nhóm lợi ích... Đặc biệt, cần thu hút tư nhân vào xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa...
Nói cách khác, sự thay đổi từ cách ứng xử của khu vực công sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc hình thành một "môi trường sống" lành mạnh nuôi dưỡng sức phát triển và tham vọng lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, trong đó các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018 (VRDF), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phát triển kinh tế tư nhân là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi trường kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động. Các doanh nghiệp ngành có sức trở mình lớn, không bị vướng nhiều ràng buộc về thể chế và quy mô. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân.