Theo Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Văn phòng Tài sản Trí tuệ và Bất động sản EU, trái với sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, thị trường thương mại hàng giả, hàng nhái vẫn tăng trưởng đều đặn trong nhiều năm qua và hiện chiếm tới 3,3% giá trị thương mại toàn cầu.
Theo đó, giày dép, quần áo và đồ da hàng hiệu và các thiết bị công nghệ là những mặt hàng dễ bị làm giả nhất. Phần lớn trong số chúng, khoảng trên 70% có nguồn gốc từ Hong Kong và Trung Quốc. Giá trị hàng giả nhập khẩu hiện đạt khoảng 509 tỷ USD, tăng từ 461 tỷ USD của năm 2013, con số khổng lồ này còn chưa tính đến lượng hàng giả được sản xuất và tiêu thụ nội địa, hoặc được bán qua Internet.
Tập đoàn đa quốc gia LVMH của Pháp, công ty mẹ sở hữu các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng toàn cầu như Celine, Dior, Givenchy và Louis Vuitton công bố báo cáo doanh thu khoảng 53 tỷ USD vào năm 2018, khá khiêm tốn so với giá trị thị trường của các phiên bản ‘"fake" tương đương.
Có thể thấy, việc buôn bán hàng giả đã lấy đi phần lớn doanh thu từ các doanh nghiệp và chính phủ, đặc biệt là Mỹ. Báo cáo của tổ chức Better Business Bureau, việc làm giả và vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ từ 200 đến 250 tỷ USD. Gần 24% trong số 590 tỷ USD hàng giả bị thu giữ thuộc quyền sở hữu trí tuệ do các tập đoàn Mỹ nắm giữ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh vấn đề vào đầu tháng 4 khi ông ra lệnh cho các cơ quan liên bang Mỹ làm nhiều hơn để ngăn chặn dòng hàng giả đang được bày bán công khai tại Mỹ. Các thương vụ trộm cắp tài sản trí tuệ cũng là một trong những vấn đề chiếm sự quan tâm lớn nhất của tổng thống Mỹ trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc.
Diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay dường như đang giúp cho các xưởng sản xuất túi xách hàng "fake" của Trung Quốc được thuận lợi hơn khi các loại túi xách chính hãng tăng giá hàng loạt trên các thị trường toàn cầu do lệnh áp thuế mới của Tổng thống Mỹ bao gồm các sản phẩm như túi xách, da và lụa trong đợt thuế bổ sung.
Bất chấp việc các chính quyền Trung Quốc cam kết sẽ triệt phá các nhãn hàng fake ở trong nước, đồng thời chỉ trích Tập đoàn bán lẻ Alibaba vì đã thất bại trong việc xóa bỏ các loại hàng fake đăng bán trên các nền tảng bán hàng trực tuyến của họ. Nhưng những nỗ lực vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Sự phát triển của các nền tảng mua và bán hàng hóa trực tuyến đã thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng hàng hóa giả được bán trên khắp thế giới, giá trị của nó đã lên tới 590 tỷ USD mỗi năm. Theo Heather McDonald, nữ luật sư bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Bakerhostetler ở New York cho biết, nguy cơ gặp phải hàng giả có thể ảnh hưởng đến bất kỳ người mua hàng trực tuyến nào.
Bất kỳ mặt hàng có thể chuyển đổi nào có uy tín về chất lượng và có thương hiêu toàn cầu đều là một ứng cử viên sáng giá cho hàng giả. "Mặc dù hàng giả thường được cho là có giá rẻ hơn hàng chính hãng, nhưng trên thực tế, người bán hàng giả thường sử dụng giá bán gần với giá của sản phẩm thật, vì vậy giá được đưa ra không còn là tín hiệu cho thấy sản phẩm đó là hàng giả", bà nhận định.
Và trong khi phần lớn người mua hàng không muốn mua sản phẩm giả, có nhiều người sẵn sàng mua hàng giả để có được những gì họ muốn mà chỉ cần phải bỏ ra một chi phí rất nhỏ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có hai lý do chung tập trung vào giá cả mà người tiêu dùng chọn mua hàng giả.
Người tiêu dùng có thể cảm thấy rằng chi phí của hàng hóa chính hãng là quá cao, do đó họ lựa chọn hàng giả để tiết kiệm. Hoặc, ngay cả khi họ có thể mua được hàng hóa chính hãng, người tiêu dùng vẫn chọn đồ giả vì đó có vẻ là một quyết định mua sắm khôn ngoan. Bất kể lý do là gì, quyết định của người tiêu dùng cũng khiến họ đồng lõa với hoạt động phi pháp này và quan trọng hơn, điều này có thể khiến họ có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng.
Hiện tại chính quyền các nước cũng đã tiến hành một vụ việc điều tra được chú ý trong việc loại trừ tại nguồn nạn buôn hàng giả gần đây. Chính phủ Mỹ đã tiến hành tịch thu khối hàng giả siêu khủng trị giá tới 450 triệu USD ở New York sau một cuộc điều tra kéo dài ròng rã sáu năm.
Amber Li, một cựu chuyên gia về quyền sở hữu trí tuệ tại văn phòng luật sư Hogan Lovells tại Bắc Kinh đánh giá, cần có thêm sự hợp tác liên kết giữa chính quyền Trung Quốc và phương Tây để ngăn chặn thị trường hàng giả. Các chính phủ cần hợp tác lẫn nhau, đưa thêm các điều luật cứng rắn trong việc bảo vệ thương hiệu và bản quyền, đồng thời thực thi nghiêm khắc cả hình phạt tài chính và hình sự.
"Mặc dù vậy, những khác biệt lớn trong hành lang pháp chế giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ khiến cho các thương hiệu xa xỉ không tìm được sự ủng hộ xuyên biên giới", chuyên gia này nhận định.
Thậm chí, Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) đang đưa ra một giải pháp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi việc làm giả thương hiệu: Kết hợp những tiến bộ công nghệ như blockchain để theo dõi từng bước của quy trình sản xuất và bán hàng.
Kết hợp công nghệ IoT với blockchain để xây dựng một hệ thống theo dõi hàng tồn kho tổng thể có thể là giải pháp khi có khả năng ghi lại nguồn gốc, vị trí và quyền sở hữu nguyên liệu và sản phẩm ở mỗi giai đoạn của chuỗi giá trị, giúp nhà sản xuất, đối tác và khách hàng minh bạch và xác thực nhanh chóng thông tin hàng hóa.
Một câu nói phổ biến giữa các chủ sở hữu thương hiệu, các công ty sở hữu nhãn hiệu hợp pháp là cách chắc chắn để công ty tránh được vấn đề giả mạo là sản xuất một sản phẩm mà không ai muốn mua. Hàng giả vẫn là thực trạng của kinh tế và tiêu dùng thế giới, nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa hợp pháp tạo ra động lực cho người làm hàng giả tạo và bán hàng giả. Do đó, cần phải có sự chung tay của nhiều bên liên quan để hạn chế hoạt động này.