Chuyên gia nhận định về 'cầu nối' đưa nghiên cứu khoa học và công nghệ vào đời sống

Theo chuyên gia, hoạt động truyền thông có vai trò lớn trong việc lan tỏa, làm cầu nối kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống xã hội nhanh nhất.

Truyền thông KH&CN là ‘vũ khí chiến lược’ của nhiều quốc gia

Truyền thông KH&CN có vai trò quan trọng góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới. Sứ mệnh của truyền thông KH&CN là làm sao truyền bá được văn hóa yêu khoa học đến với công chúng, xây dựng xã hội trọng khoa học, và phát triển đất nước dựa vào KH&CN.

Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã chú trọng làm truyền thông KH&CN từ rất lâu, bài bản. Họ coi truyền thông KH&CN là một trong những động lực, điều kiện quyết định thành công của hoạt động KH&CN, cũng như đưa nhanh các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống. Hướng đi của các nước này đã khẳng định sự đúng đắn khi hàng loạt các kết quả nghiên cứu được toàn xã hội biết đến và khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao.

Ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN cho biết, từ lâu nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã rất coi trọng đầu tư, phát triển cho hoạt động truyền thông về KH&CN. Ảnh: Most

Lấy dẫn chứng về những nhận định trên, ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN cho biết, để trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới chỉ với khoảng 25 triệu dân, Chính phủ Australia luôn đặt KH&CN là nền tảng, trong đó truyền thông KH&CN là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển KH&CN. Từ Thủ tướng Chính phủ đến người đứng đầu các cơ quan quản lý, tổ chức KH&CN, cơ quan truyền thông đại chúng, doanh nghiệp... đều ủng hộ công tác truyền thông KH&CN.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu của công chúng về truyền thông KH&CN ngày càng tăng xuất phát từ chính nhu cầu của cộng đồng khoa học và xã hội. Theo Burns - nhà nghiên cứu về truyền thông của Australia, truyền thông KH&CN có một phần quan trọng trong xã hội hiện đại. Hoạt động truyền thông KH&CN không chỉ đơn giản là việc các nhà khoa học nói nhiều hơn về công việc của họ hoặc tạo ra các sự kiện khoa học hấp dẫn, mà nó còn mang đến sự ủng hộ của công chúng cho hoạt động KH&CN.

Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước cũng luôn coi phát triển KH&CN, đưa KH&CN trở thành động lực then chốt để phát triển đất nước bền vững. Trong đó, công tác truyền thông KH&CN có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển KH&CN; thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới, điển hình là những ứng dụng KH&CN góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội,…

 

 

 

 

 

 

Hoạt động này đã được khẳng định trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Luật KH&CN năm 2013 sửa đổi (Điều 48 của Luật đã quy định về hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN).

Tại Lễ trao Giải thưởng Báo chí về KH&CN năm 2017, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: "Sát cánh cùng ngành KH&CN, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà báo khắp cả nước đã tích cực tham gia tuyên truyền về KH&CN, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH&CN….”

Có thể thấy, báo chí, truyền thông có sức mạnh đặc biệt trong tất cả các lĩnh vực trong đó có KH&CN. Không chỉ là kênh cung cấp thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, về những thành tựu khoa học, công nghệ mới, phát hiện những nhân tố điển hình mới mà còn có vai trò định hướng dư luận và là kênh tập hợp ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân,… phục vụ việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Đây cũng là công cụ hữu hiệu, là cầu nối kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân".

Đẩy mạnh hiệu quả của truyền thông về KH&CN

Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng, truyền thông có vai trò hết sức quan trọng nhằm khẳng định KH&CN là động lực quan trọng nhất để phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định hoạt động tuyên truyền, phổ biến KH&CN là một trong 6 giải pháp chủ yếu để phát triển KH&CN Việt Nam: “Đẩy mạnh hoạt động truyền thông và tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, đặc biệt là trong các doanh nghiệp về chủ trương, chính sách, pháp luật về KH&CN, về vai trò động lực then chốt của KH&CN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nhằm nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động KH&CN,...”.

Do đó, nhiệm vụ đổi mới, thúc đẩy truyền thông KH&CN được đặt ra rất bức thiết, làm sao để cả xã hội biết đến, ủng hộ, công nhận và phát triển là nhiệm vụ khó khăn của công tác truyền thông KH&CN.

“Vì vậy cần phải nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông KH&CN hơn nữa để thông qua công tác này làm tốt vai trò là “cầu nối” đưa KH&CN thấm vào xã hội một cách tự nhiên”, bà Vũ Thị Bích Hậu nhấn mạnh.

Đầu tư phát triển truyền thông cũng là giải pháp để đưa các kết quả nghiên cứu khoa học đến gần hơn với đời sống xã hội. Ảnh: KH&ĐS 

Cũng theo nhiều chuyên gia khác, công tác truyền thông KH&CN cần được quan tâm hơn nữa từ xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động truyền thông KH&CN; Tăng cường liên kết về hoạt động truyền thông KH&CN giữa Trung ương và địa phương; Tăng nguồn kinh phí cho hoạt động này, đồng thời sự quan tâm chỉ đạo của người đứng đầu các đơn vị tham gia vào hoạt động truyền thông KH&CN cũng là một yếu tố hết sức quan trọng góp phần đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của KH&CN trước hết là nhận thức về vai trò của truyền thông KH&CN cần đi tiên phong. Mặt khác, phải tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học có tinh thần báo chí và các nhà báo có tinh thần khoa học cũng cần được phát huy để chuyển hóa các thông tin KH&CN vốn đã ít, khó viết, khó hiểu, thiếu tính hấp dẫn đến với công chúng.

Không những thế, công tác tuyên truyền KH&CN không chỉ là ý thức của mỗi nhà khoa học mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức KH&CN, Trường Đại học và Doanh nghiệp KH&CN mà trong đó, các viện, trường đại học và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến kiến thức, truyền thông kết quả nghiên cứu và đổi mới công nghệ.

Bảo Bình, nguồn: vietq.vn

Zalo: 0983 088 626