Các chuyên gia và doanh nghiệp trong một số ngành hàng nhận định khá lạc quan về những lợi ích mà hiệp định mang lại, song cũng cho rằng cần có sự chuẩn bị tốt về năng lực cũng như cải cách thể chế để có thể đón lấy cơ hội, đồng thời đối phó với những thách thức, ràng buộc mới.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:
- CPTPP tạo thêm thuận lợi cho ngành dệt may để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường thành viên và tác động ngược trở lại cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tăng tốc, vì điều kiện về xuất xứ nguyên phụ liệu, hàng hóa cũng chặt chẽ hơn.
Ngành dệt may Việt Nam năm nay dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 34 tỉ đô la Mỹ, cao hơn con số 31 tỉ đô la trong năm 2017. Với CPTPP được ký kết, ngành dệt may từ năm 2018 trở đi chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số tăng trưởng xuất khẩu xấp xỉ 10% như lâu nay, mà sẽ có sự bứt phá, vượt hơn mức này.
Trong lĩnh vực dệt may, tỷ trọng giá trị xuất khẩu hàng dệt may đi các thị trường khối CPTPP chiếm khoảng 13%, trong đó nhiều nhất là thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, tỷ lệ như vậy vẫn còn thấp.
Theo tôi, doanh nghiệp trong nước muốn nắm bắt cơ hội này phải hoàn chỉnh các khâu sản xuất, xây dựng các hệ thống về quản lý chất lượng cao cấp và chuyên nghiệp hơn, đảm bảo an toàn lao động song song với bảo vệ môi trường, phúc lợi xã hội cho người lao động. Đồng thời, cần liên kết chặt chẽ hơn trong các khâu sản xuất giữa các doanh nghiệp chứ lâu nay tính liên kết trong ngành vẫn còn rời rạc. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp dệt may tự nâng tầm bước ra sân chơi lớn hơn, mà trước mắt là tăng uy tín về chất lượng sản phẩm với khách hàng 11 nước thành viên CPTPP. Ở chiều ngược lại, việc hàng dệt may các nước thành viên CPTPP thuận lợi khi vào Việt Nam cũng thúc đẩy tính cạnh tranh đối với các nhà sản xuất trong nước, về chất lượng, giá cả, và theo đó người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhiều hơn, giúp lành mạnh hóa thị trường nội địa hơn (giảm hiện tượng hàng nhái, hàng giả).
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt:
- Trong bối cảnh thị trường Mỹ ngày càng khó khăn hơn khi nước này áp thuế 25% với thép và 10% với nhôm thì việc có điều kiện thuận lợi mở ra các thị trường khác là vô cùng quan trọng.
Thép Việt đang tiếp tục nghiên cứu tiềm năng mở rộng sang thị trường các nước thành viên CPTPP. Hiện công ty đã đầu tư lớn cho nhà máy tăng công suất thêm 500.000 tấn/năm, bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2019, để xuất khẩu sang thị trường Canada. Sự đầu tư cho nhà máy mới này là bước đón đầu thị trường Canada và sắp tới tiếp tục tìm hiểu thêm các thị trường khác.
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hội Cao - su Nhựa TPHCM:
- Các nước thành viên CPTPP được xem là thị trường tiềm năng đối với ngành nhựa Việt Nam. Trong đó, sản phẩm nhựa từ Việt Nam xuất sang một số nước thành viên này lâu nay đã có thuế suất 0%. Thuận lợi khác là về việc nhập khẩu nguyên liệu cho ngành nhựa. Sau khi CPTPP có hiệu lực, một số nguyên liệu đặc thù của ngành nhựa khi nhập về sẽ có thuế suất giảm sâu, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nhựa trong nước.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra khi CPTPP có hiệu lực chính là doanh nghiệp từ các nước thành viên sẽ đưa sản phẩm nhựa vào Việt Nam với chất lượng và mẫu mã vượt trội hẳn, giá cả rất cạnh tranh, và người tiêu dùng sẽ có sự cân nhắc trước dòng sản phẩm chất lượng cao, mang tính toàn cầu.
Trong khi đó, sản phẩm nhựa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn toàn cầu hiện chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại 70% phục vụ nội địa với tiêu chuẩn chưa được cao lắm. Do vậy, khi các nước thành viên CPTPP như Malaysia, Singapore có sản phẩm nhựa tốt đưa vào Việt Nam thì sẽ là thách thức cực kỳ lớn với doanh nghiệp nhựa trong nước, buộc doanh nghiệp phải sớm thay đổi. Thay đổi ở đây là sự đầu tư lớn để phát triển các dòng sản phẩm đáp ứng thị trường các nước thành viên CPTPP trước, đặc biệt là các thị trường lớn của ngành nhựa Việt Nam như Úc, Nhật Bản, New Zealand, Canada...
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM:
- CPTPP sẽ không có tác động nhiều trong mối liên quan giữa thị trường Nhật Bản và Việt Nam vì cả hai quốc gia đã có hiệp định thương mại song phương. Tôi nghĩ các ưu đãi về thuế quan ở CPTPP sẽ không thể cao hơn hoặc chỉ ở mức tiệm cận. Tuy nhiên với những thị trường khác như Canada, Chile, Mexico, New Zealand, Peru… thì sẽ có ảnh hưởng nhiều cho cả doanh nghiệp tại Nhật Bản và doanh nghiệp Nhật đang đầu tư ở Việt Nam.
Về đầu tư, nhiều năm nay doanh nghiệp Nhật Bản luôn chọn Việt Nam là một trong những nước đầu tư quan trọng. Đáng chú ý, đồng yen của Nhật hiện đang có giá sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam sẽ tiếp tục được lựa chọn bởi môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, dân số đông và hội nhập sâu rộng về thương mại tự do với các nước. Trong đó, đáng chú ý nhất là CPTPP mà Việt Nam vừa tham gia ký kết.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP):
- Dù không có Mỹ, nhưng CPTPP vẫn là hiệp định thế hệ mới khá toàn diện, chắc chắn sẽ tác động đến hầu hết doanh nghiệp trong ngành và sẽ là động lực cho việc cải cách thể chế, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn.
Hiện nay, hầu hết các thị trường trong khối CPTPP đều đang nhập khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam, trong đó có những thị trường lớn như Nhật Bản, Canada... Không ít doanh nghiệp kỳ vọng về việc được giảm thuế khi đưa sản phẩm vào các thị trường này. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu thủy sản lâu nay tương đối thấp nên thuế quan không phải là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp trong ngành.
Tôi cho rằng lợi ích lớn mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nhận được là thông qua hiệp định chung của 11 nước sẽ tạo sự công bằng về các tiêu chuẩn và những vấn đề liên quan như môi trường, chất lượng, trách nhiệm xã hội, người lao động… để doanh nghiệp tiếp tục đáp ứng yêu cầu các thị trường tốt hơn. Hòa nhập với thế giới trong một sân chơi lớn cũng giúp các doanh nghiệp trưởng thành và lớn mạnh hơn, gia tăng được vị thế. Thông qua những quy định, quy tắc chung từ hiệp định, doanh nghiệp phải nâng tầm để thích nghi với sân chơi lớn.
Điểm thuận lợi là lâu nay ngành thủy sản Việt Nam đã có một vị thế tương đối “cứng” trên thị trường thế giới. Điều quan trọng đối với từng doanh nghiệp theo tôi là cần phải tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu, nâng cao hơn nữa chất lượng, gia tăng hàm lượng chế biến…
Ông Nguyễn Ngọc Nam, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2):
- Với ngành lúa gạo, CPTPP sẽ là tiền đề để mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu thời gian tới. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nói riêng và ngành lúa gạo nói chung tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến rào cản kỹ thuật. Tuy nhiên, hướng xử lý như thế nào thì phải chờ vì vẫn chưa có những công bố cụ thể trong từng lĩnh vực, từng ngành liên quan đến thực hiện hiệp định này.
Để tận dụng tốt cơ hội, trước mắt, các doanh nghiệp và ngành hàng này cần xây dựng chiến lược sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi, các nước thành viên của CPTPP là những nước phát triển, có những đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng.
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó tổng giám đốc tập đoàn Thủy sản Việt Úc:
- Với ngành thủy sản, CPTPP mang lại những lợi thế rất lớn vì trong 11 quốc gia thành viên chỉ có Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu tôm và một số mặt hàng thủy sản khác như cá tra.
Khi tham gia vào khối, những nước trong khối sẽ hỗ trợ lẫn nhau phát triển những lợi thế của mình, do đó, những nước không thuộc khối sẽ gặp hạn chế rất đáng kể. Ví dụ việc xuất khẩu thủy sản vào Nhật, trước đây có Ecuador, Ấn Độ, Indonesia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Còn bây giờ, những nước đó không thuộc khối, trong khi Việt Nam thuộc khối nên điều kiện cho hàng Việt Nam vào Nhật sẽ tốt hơn.
Gia nhập những hiệp định thương mại tự do như CPTPP, hàng rào thuế quan hạ xuống nhưng hàng rào kỹ thuật được dựng lên. Do đó, các yêu cầu về sản phẩm sẽ khắt khe hơn, nhất là về chất lượng. Cụ thể, các yêu cầu đặt ra như sản xuất phải đảm bảo không hủy hoại môi trường; đảm bảo về yếu tố xã hội, tức không ảnh hưởng cuộc sống người xung quanh hoặc phải có giải pháp tích cực để giúp cho cuộc sống người dân xung quanh tốt hơn…
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ:
- CPTPP ràng buộc Việt Nam phải cải cách thể chế. Chẳng hạn, vấn đề sử dụng lao động, tổ chức công đoàn mà nơi đó được lập ra với nhiều hình thức và người lao động tự do lựa chọn; quyền sở hữu trí tuệ phải được đảm bảo và thực thi; đầu tư công và nợ công cũng chịu sự giám sát; mua sắm Chính phủ và địa phương phải công khai; giải quyết những vấn đề tham nhũng…
Với CPTPP, những cơ hội và thách thức mang lại cho kinh tế Việt Nam là rất lớn. Trong đó, ngành dệt may, da giày tiếp tục là ngành có hưởng lợi từ hiệp định này.
CPTPP cũng mang đến cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp, trong đó, lúa gạo, trái cây, thủy sản vốn là những lợi thế và đặc thù của ĐBSCL. Ngược lại, ngành chăn nuôi, trồng trọt các loại cây công nghiệp mà chúng ta chưa có sản xuất lớn thì sẽ phải đối phó với cạnh tranh gay gắt và dự báo ngành này sẽ thiệt hại nghiêm trọng, nhiều trang trại sẽ phải đóng cửa khi các sản phẩm nhập khẩu với giá rẻ hơn.
Để tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức, chúng ta không còn nhiều thời gian. Bởi, sau khi chờ các nước thông qua và đi vào thực thi, nếu kịch bản như tính toán thì sau hai năm kể từ thời điểm ký kết, hiệp định sẽ có hiệu lực.
Cờ đến tay phải phất, nhưng....
Suốt mấy năm qua, chủ đề TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) rồi CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) đã được nói đến khá nhiều. Vậy ai đã chuẩn bị đón bắt cơ hội thì mới phất được khi cờ đến tay. Ai chưa chuẩn bị tinh thần và kế hoạch cụ thể thì phải mất nhiều thời gian điều nghiên, kết nối và triển khai kết hợp với “lợi thế của người đi sau”. Họ có thể đã lỡ chuyến tàu. Đó là một thực tế để hiểu rõ cơ hội.
Mặt khác, để hiểu thực tế của thách thức thì phải nghiên cứu, khảo sát thị trường và được tư vấn tốt. Không thể khai phá thị trường bằng cách học lóm hay cầu may được.
Chẳng hạn, mặt hàng nào và dịch vụ nào có lợi thế về thuế? Thị trường nào còn là vùng trắng ít đối thủ cạnh tranh (từ Việt Nam hay ASEAN vốn có cấu trúc sản xuất hàng hóa tương tự chúng ta, và đối thủ từ các nước khác)? Những ai có thể hợp tác một phần, nhiều phần hay toàn phần trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị? Đó là những câu hỏi cơ bản.
Cụ thể, cơ hội đến với dệt may và da giày là hai ngành có lượng lao động rất lớn; cơ hội cho ngành thủy hải sản, thực phẩm, đồ uống, nông sản: cá ngừ đại dương đi Nhật, gạo vào Mexico (sẽ xóa thuế nhập gạo Việt Nam đang là 20%); mua sắm công về hàng hóa và cả dịch vụ nữa...
Hiện hàng xuất khẩu Việt Nam xuất sang các nước CPTPP chịu thuế suất trung bình 1,7%, nếu mức này về 0% trong vòng 7-10 năm thì lợi ích Việt Nam có được từ hiệp định này tương đối rõ.
Bốn thị trường Canada, Mexico, Peru và Chile sẽ mở cửa cho hàng Việt Nam tiến từ bờ Tây châu Mỹ qua bờ Đông với 12 nước khác nữa, đặc biệt có Brazil (203 triệu dân) và Argentina (43 triệu dân) đang chiếm thị phần xuất khẩu bắp qua Việt Nam rất lớn.
Nếu tương lai có thêm EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) thì rất tuyệt vời, vì những hiệp định như thế này sẽ giúp Việt Nam thay đổi và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường hòa nhập với thế giới, hạn chế những suy nghĩ bảo hộ hẹp hòi.
Tuy nhiên, dù đã mở cửa thị trường rất nhiều trong thời gian qua, logistics vẫn là thách thức lớn cho mọi bên. Ai thiết kế được mạng lưới mua bán, kênh phân phối được cấu trúc hóa, làm ra sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp (để làm thương hiệu mạnh được yêu mến), người đó sẽ thắng. Ngược lại, ai chăm chút thương hiệu mà bỏ rơi chất lượng và logistics theo nghĩa rộng, sẽ thất bại.
Nhóm phóng viên, nguồn: https://baomoi.com