Việc Quốc hội bàn về việc này và thông qua việc này là một mũi tên trúng rất nhiều đích, phục vụ cho chính sự phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta và đó cũng chính là mục tiêu quan trọng nhất. Cụ thể:
ĐBQH Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Điểm thứ nhất, khi tham gia Công ước số 98 và tổ chức toàn cầu hóa, chúng ta tiếp tục đổi mới hệ thống pháp luật, tạo ra hệ sinh thái, môi trường tốt nhất cho việc kinh doanh. Đây là nhu cầu rất quan trọng của chính công cuộc đổi mới của đất nước ta.
Điểm thứ hai, việc gia nhập Công ước này cũng nằm trong một kế hoạch mà Đảng và Nhà nước đã đề ra từ trước, bởi ngay từ năm 2015 Chính phủ đã có chương trình hành động với lộ trình cụ thể đến năm 2020, để chúng ta tham gia vào các công ước của tổ chức lao động quốc tế cũng như Liên hợp quốc về vấn đề quan hệ lao động và công đoàn.
Điểm thứ ba, việc tham gia vào Công ước này là nghĩa vụ quốc gia của Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm của tổ chức lao động quốc tế. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mà điển hình là CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU mà chúng ta đang cố gắng thúc đẩy để có thể ký kết thông qua vào cuối năm 2019. Trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao giờ cũng có nội dung về quan hệ lao động, xã hội, môi trường,… đảm bảo định hướng phát triển của các nền kinh tế toàn cầu và mỗi quốc gia theo hướng phát triển bền vững, đề cao trách nhiệm xã hội.
Chúng ta là một trong những quốc gia đã thúc đẩy rất mạnh mẽ việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó có đề cập tới vấn đề quan hệ lao động, quyền lợi của người lao động, xây dựng quan hệ lao động một cách hài hòa.
Có thể nói việc tham gia Công ước số 98 cũng là việc chúng ta thực hiện nghĩa vụ quốc gia, đồng thời cũng là việc triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã và đang ký kết.
Tôi xin nói thêm, vấn đề quan hệ lao động được các hiệp định thương mại tự do quan tâm như thế nào, thì suốt trong quá trình đàm phán CPTPP, chúng ta đã thấy rất rõ, đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi mà Quốc hội châu Âu đang xem xét việc thông qua việc phê chuẩn Hiệp định này thì chúng ta cảm thấy rõ sự quan tâm của họ đối với vấn đề Công ước số 98.
Tại sao các nước cũng như các hiệp định thương mại tự do phải ghi điều này vào? Lý do không phải chỉ bởi việc thực hiện trách nhiệm xã hội, không phải chỉ để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, không phải chỉ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, mà để đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch giữa các quốc gia.
Theo quan điểm của tôi, việc chúng ta gia nhập Công ước 98 cũng như việc tổ chức nội luật hóa qua Kỳ họp Quốc hội lần này, trước hết là qua Luật Lao động, là một bước đi cần thiết để tiếp tục thực hiện đường lối của Đảng trong việc xây dựng một thể chế kinh tế thị trường hiện đại và thúc đẩy hệ sinh thái cho quan hệ lao động hài hòa được phát triển tại Việt Nam, cũng nằm trong lộ trình mà có thể tính trước, phù hợp với yêu cầu trách nhiệm khi tham gia vào Công ước quốc tế, cũng là một nhân tố quan trọng để thúc đẩy việc tiếp tục ký kết, thực thi các Hiệp định thương mại tự do.
Việc Quốc hội bàn về việc này và thông qua việc này là một mũi tên trúng rất nhiều đích, phục vụ cho chính sự phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta và đó cũng chính là mục tiêu quan trọng nhất.
Có lẽ Quốc hội và Chính phủ cũng phải bàn thêm việc bên cạnh công ước này còn có những công ước khác, đặc biệt là Công ước 87. Tôi đồng ý với Ủy ban đối ngoại là đẩy nhanh lộ trình để hoàn thành quá trình gia nhập công ước này, bởi trong việc phê chuẩn và nội luật hóa lần này thì chúng ta nói đến việc tạo một cơ chế để tổ chức thương lượng tập thể một cách có hiệu quả, đương nhiên chúng ta phải đề cập đến vai trò của tổ chức đại diện cho người lao động và tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động. Điều đó sẽ có liên quan rất chặt chẽ với Công ước 87, cho nên chúng ta cần có lộ trình, sự chuẩn bị chắc chắn, nhưng cũng cần đẩy nhanh được thì sẽ rất tốt cho quá trình hoàn thiện thể chế và quá trình hội nhập của chúng ta.