Đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài: Chưa có sự kết nối đủ mạnh

Mặc dù đã nỗ lực đưa hàng hóa tiêu thụ hàng hóa tại các hệ thống phân phối nước ngoài, nhưng doanh nghiệp Việt chưa có sự kết nối đủ mạnh để đáp ứng các đơn hàng lớn.

Theo Bộ Công Thương, sau 3 năm thực hiện đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến 2020” đến nay đã thu được những kết quả khá khả quan, mở thêm một con đường cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Hàng Việt tại hệ thống bán lẻ FairPrice

Hàng Việt tại hệ thống bán lẻ FairPrice

Chia sẻ về kết quả đạt được, bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, thông qua hệ thống siêu thị Big C từ năm 2017 đến nay, bình quân mỗi năm Tập đoàn Central Group xuất khẩu hơn 46 triệu USD hàng Việt Nam. Con số này đang tiếp tục tăng trưởng.

MM Mega Mark đã thành lập 4 trung tâm mua hàng nông sản ở Việt Nam, kênh phân phối này đang thu hút một lượng lớn hàng hóa có tính bản địa cao của Việt Nam như: thanh long, khoai lang xuất khẩu về Thái Lan. Đặc biệt, siêu thị AEON hiện đang xuất khẩu 250 triệu USD/năm giá trị hàng hóa của Việt Nam, thông qua thương hiệu Top Value. Theo cam kết của AEON, đến năm 2020, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối này sẽ tăng lên 500 triệu USD và năm 2025 là 1 tỷ USD.

Không chỉ thúc đẩy cũng như đa dạng hóa phương thức xuất khẩu, chương trình này cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn rộng hơn ra thị trường nước ngoài” – bà Nga cho hay.

 

Một kênh bán hàng cũng đang được các doanh nghiệp quan tâm đó là, hiện nay có nhiều siêu thị Việt Nam tại nước ngoài đang hoạt động hiệu quả, đã xây dựng thương hiệu riêng, vì vậy các nhà bán lẻ Việt Nam có thể phối hợp, kết nối qua các kênh bán lẻ này để mở rộng hệ thống bán lẻ mang thương hiệu Việt Nam đi tới toàn cầu, qua đó, xuất khẩu hàng Việt ra thế giới.

Đã có những thành công điển hình như: Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) có mối liên kết chặt chẽ với hệ thống bán lẻ FairPrice (Singapore). Hệ thống này hỗ trợ tương hỗ lẫn nhau trong việc cung cấp hàng hóa của Việt Nam sang hệ thống FairPrice tại Singapore, đồng thời Singapore cũng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của hệ thống FairPrice, cũng như hệ thống bán lẻ Saigon Co.op tại Singapore…

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu trực tiếp qua các mạng lưới phân phối chiếm tỷ lệ rất thấp, cả về số lượng, giá trị kim ngạch và giá thành cao là một trong những trở ngại chính.

Đại diện Aeon Việt Nam cũng từng bày tỏ, nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu nhưng giá bán chưa cạnh tranh. Điển hình như quả xoài của Việt Nam có chất lượng rất tốt nhưng khi đưa sang Nhật Bản không thể cạnh tranh về giá với xoài của Pakistan, Thái Lan, Philippines...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước vẫn theo phương thức truyền thống là sản xuất và bán những gì mình có chứ chưa thực sự đầu tư mạnh cho khâu khảo sát thị trường, tìm hiểu nhu cầu của nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Chưa nắm rõ quy trình và tiêu chí xuất khẩu sản phẩm vào hệ thống phân phối của nước sở tại. Quan trọng là doanh nghiệp chưa có sự kết nối đủ mạnh để đáp ứng các đơn hàng lớn.

Trên thực tế, việc đưa được hàng hóa vào hệ thống phân phối nước ngoài, ngoài việc giúp gia tăng doanh thu, lợi nhuận còn giúp doanh nghiệp có chỗ đứng trong chuỗi phân phối toàn cầu và có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do vậy, bên cạnh sự hỗ trợ kết nối từ phía các cơ quan Nhà nước, bản thân doanh nghiệp cần sớm chủ động cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu từ phía nhà phân phối và người tiêu dùng.

Như lời bà Lê Việt Nga, hệ thống phân phối nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận với 4 triệu Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài- đây là thị trường rất tiềm năng.

Zalo: 0983 088 626