Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vừa được Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua. Theo đó, từ 1/8, 71% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ không còn thuế, và sau 7 năm, gần như toàn bộ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ không còn thuế.
Đặc biệt, nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về tác động của EVFTA còn cho thấy, tính đến năm 2030, EVFTA sẽ tăng GDP của Việt Nam khoảng 2,4%, tăng xuất khẩu khoảng 12%, trong khi đưa thêm 100.000-800.000 người ra khỏi đói nghèo.
Lợi ích là vậy nhưng để tận dụng được những thuận lợi này, tạo bứt phá để phát triển không hề dễ dàng. Thực tế, dệt may và da giày là hai ngành được kỳ vọng hưởng lợi nhất từ EVFTA. Tuy nhiên, đến nay, khi EVFTA chính thức được thông qua, bài toán về “xuất xứ từ vải” vẫn chưa có lời giải. Mà nếu không đảm bảo được yêu cầu này, doanh nghiệp dệt may sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nhận định, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của Hiệp định EVFTA vẫn là thách thức trong ngắn hạn đối với ngành dệt may Việt Nam.
“Thực trạng ngành dệt may Việt Nam chưa đủ vải chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vào EU, việc mua vải trong nước phải trả thuế VAT 10% đắt hơn so với vải nhập khẩu khiến lợi ích cắt giảm thuế quan chưa đủ bù đắp để giảm giá bán cạnh tranh với các quốc gia khác”, ông Giang nhấn mạnh.
Thực tế, không phải đến nay hàng dệt may Việt Nam mới đi vào EU, cũng không phải đến bây giờ yêu cầu tăng nội địa hoá ngành này mới trở nên cấp bách. Tuy nhiên, vẫn là bài toán khó với việc nâng mốc nội địa hoá từ 20-40% và cao hơn nữa, khi mà hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam hiện đến từ Trung Quốc và Đài Loan.
Được biết, trong số các công ty may mặc niêm yết trong nước, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG có thị phần xuất khẩu sang châu Âu lớn nhất về doanh thu, với 53%, tiếp theo là Công ty CP Sản xuất thương mại May Sài Gòn (GMC) là 40%.
Tuy nhiên, GMC cho biết công ty phụ thuộc vào vải nhập khẩu từ Trung Quốc, điều này có nghĩa là công ty không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ khâu vải trở đi của EVFTA. TNG có thể có nhiều cơ hội vì công ty sử dụng một lượng vải nội địa nhất định. Tuy nhiên, khả năng đối với TNG cũng như các nhà sản xuất may mặc khác, để cụ thể hóa lợi ích của EVFTA, vẫn phải phụ thuộc vào công suất sản xuất vải của Việt Nam.
Trước thực tế này, Đại sứ EU tại Việt Nam cho rằng, thách thức cho Việt Nam là chính phủ phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện các quy định, áp dụng công nghệ số để tinh giản các thủ tục, trong khi doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Các doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn cao của EU mới có thể vào được thị trường. Hiệp định EVFTA như một công cụ, một cơ hội, nhưng không phải cơ hội cho tất cả, mà là cơ hội họ phải giành lấy. Họ sẽ phải đầu tư nhiều vào chất lượng, nắm chắc các thông tin và quy định của thị trường, không phải ai cũng có thể vào được”, Đại sứ Giorgio Aliberti nhấn mạnh.
Các rào cản phi thuế cũng là một thách thức cần chú ý, vì chúng “có thể khó khăn ngang với các rào cản thuế quan”, theo đại sứ. Ông nói trong hiệp định đã có những điều khoản hướng tới gỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, và thách thức nằm sẽ ở việc thực thi cụ thể.
“Kỳ vọng ở đây là sẽ không có thêm rào cản phi thuế nhằm thay thế cho việc giảm thuế. Nếu nhìn vào các hiệp định trước đây, đã không có hiện tượng đó... đây không phải vấn đề lớn, nhưng vẫn cần hai bên chú ý, không để điều đó xảy ra”, Đại sứ EU nói.
Trong khi đó, để tận dụng EVFTA và thu hút đầu tư, Việt Nam cần có chính sách nhiều mặt, vì đầu tư sẽ không tới nếu chỉ giảm thuế.
“Đầu tư chất lượng cao sẽ tới nếu có môi trường kinh doanh tốt, thủ tục minh bạch, nhất quán, dễ dự đoán, và các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả”, Đại sứ EU nói.
Như vậy, để hiện thực những lợi ích mà EVFTA mang lại cần cuộc cách mạng cải cách của Chính phủ cùng cuộc chạy đua của doanh nghiệp để tăng tốc, tạo đột phá cho phát triển từ bước đệm FTA này.