Dù cách xa nhau về địa lý, độ lệch văn hóa khá lớn nhưng người Việt và châu Âu có mối quan hệ thương mại từ khá sớm. Cách đây nhiều trăm năm các đội thuyền buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã đến tìm cơ hội làm ăn ở Đàng trong.
Sau văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, người Việt bắt đầu bị hấp dẫn bởi các giá trị văn hóa Tây phương, xuyên suốt trong lịch sử tầng lớp “Tây học” ngày một nhiều, các chuẩn giá trị được áp dụng ngày càng rộng rãi.
Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng là một trong những đặc sắc trong văn hóa, tư tưởng có nguồn gốc từ trung tâm châu Âu, được du nhập, cái biến và áp dụng thành công tại Việt Nam từ những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX.
Mối bang giao Việt Nam - EU cơ bản tích cực và không ngừng tiến triển, ngoài phương châm hợp tác “win-win”, Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ châu Âu thông qua các dự án viện trợ nhân đạo, công tác xã hội như giảm thiểu bệnh tật, di họa chiến tranh, ứng phó biến đổi khí hậu...
Trên một nền tảng tốt, không có lý do gì Việt Nam và các quốc gia trong khối EU cũng như châu Âu thắt chặt mối quan hệ, trước hết trong lĩnh vực kinh tế. Để một mặt, EU lấy đó làm cơ sở tiến về châu Á trong thế kỷ XXI, còn Việt Nam có cơ hội thực hiện chính sách đa phương hóa, tận dụng ngoại lực để thực hiện giác mơ “HÙNG CƯỜNG”.
Con số minh chứng: Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore, với tổng giá trị 47,6 tỷ euro mỗi năm và 3,6 tỷ euro trong lĩnh vực dịch vụ.
Xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng 5 - 7% mỗi năm, ngày càng nhiều doanh nghiệp Âu châu đến và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại mảnh đất hình chữ S.
Ngày 12/2, với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 7 năm nay.
Có thể thấy EVFTA là Hiệp định toàn diện, tiên tiến và tham vọng nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Hứa hẹn sẽ mở đường để thiết lập các tiêu chuẩn thương mại cao hơn trong tương lai.
Nhiều năm nay, mặc dù không ngừng mở rộng bang giao, ký hết trên chục Hiệp định tự do Thương mại song phương lẫn đa phương. Song, làm thế nào để tận dụng các điều khoản có lợi là một câu hỏi rất lớn chưa được trả lời đầy đủ!
Do vậy, làm ăn với các đối tác “dễ tính” qua đường tiểu ngạch vẫn là xương sống trong xuất khẩu - với vai trò là tính chất cơ bản của nền kinh tế nước ta hiện nay.
Từ nguyên nhân đó, Trung Quốc là thị trường được doanh nghiệp Việt Nam ưa thích nhất, dễ mua, dễ bán, cho dù rủi ro luôn thường trực. Rất nhiều bài học cay đắng phải nhận, nhưng rất khó bỏ một thói quen đã hình thành rất lâu nay!
Nhưng cũng phải thấy, nhờ thị trường Trung Quốc mà nông dân Việt Nam có cơ hội bán đủ thứ do mình sản xuất theo ý muốn. Hẳn nhiên, về lâu dài làm thui chột khả năng nâng cấp những thứ mình có trong tay.
Tai hại hơn là tình trạng phụ thuộc một bề. Vậy nên, EVFTA sẽ thêm một cứu cánh để chúng ta đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, ứng phó với tác động khi nền kinh tế Trung Quốc đang cho thấy nhiều dấu hiệu bất ổn.
Thực tế, không ít nỗ lực từ Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương nhằm đưa hàng hóa sang châu Âu nhằm “bén rễ” ở một thị trường đẳng cấp cao, tuy khó nhưng khi vượt qua kết quả nhận lại rất xứng đáng.
Với EVFTA, EU đã mở toang cánh cửa giao thương với Việt Nam khi 99% hàng hóa được dở bỏ thuế quan - đây là điều khoản thường thấy trong mọi Hiệp định Thương mại tự do, chỉ khác nhau về mức độ.
Với Việt Nam (trừ trường hợp chiến tranh thuế quan) chi phí thuế chưa phải là nỗi lo lớn nhất khi xuất khẩu, mà chính là chất lượng hàng hóa. Đây không phải là chuyện sớm chiều có thể khắc phục mà sâu xa hơn còn phụ thuộc vào tập tính, thói quen, văn hóa sản xuất kinh doanh.
Và như vậy, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa không đơn thuần là nhiệm vụ của một vài cơ quan hữu quan nào đó. Trước hết là tư duy “sản xuất cho người”, cao hơn là cuộc cách mạng làm phổ biến ý thức về nền kinh tế thị trường.
EVFTA còn ngặt nghèo hơn cả CPTPP, đơn cử như quy định nguồn gốc xuất xứ. Nếu CPTPP quy định tỷ lệ “linh hoạt” cho phép nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng quy tắc “Chuyển đổi mã số hàng hóa” ở mức tối đa 10% so với trị giá của hàng hóa.
Riêng đối với hàng dệt may, tỷ lệ “linh hoạt” này ở mức tối đa 10% trọng lượng của hàng hóa hoặc 10% trọng lượng của loại sợi hoặc vải quyết định phân loại mã số hàng hóa.
Còn EVFTA quy định, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một trong hai bên nếu đáp ứng được một trong các yêu cầu mà hai bên đã thống nhất có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu.
Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu như hàm lượng giá trị nội địa không dưới 40%...
Nằm sát nách Trung Quốc, lâu nay doanh nghiệp Việt Nam quá quen với việc nhập kinh kiện về lắp ráp, hoặc nhập nguyên phụ liệu về sản xuất thành phẩm vì những đặc điểm: rẻ, dễ mua, tiết kiệm chi phí đầu vào...
Có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may lại phải mua hầu hết nguyên liệu từ Trung Quốc, hoặc sản phẩm chăn nuôi phải nhập con giống, thuốc men, thức ăn từ rất nhiều quốc gia.
Làm sao để khắc phục tình trạng này? Nó cũng không phải là vấn đề sớm chiều có thể giải quyết xong, mà đôi khi mất hàng chục năm để xây dựng hệ thống công nghiệp phụ trợ đủ mạnh để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, sát sườn nhất là bộ tiêu chí “Tiêu chuẩn hàng Việt Nam”.
Hiệp định Thương mại có tính chất “Tự do” nhưng không hề tự do chút nào, nó phải được hiểu là tự do trong khuôn khổ ngặt nghèo hơn. Tất nhiên, EVFTA còn rất nhiều điều kiện “đính kèm” mà bất kể doanh nghiệp nào muốn tìm đường sang EU đều phải nghiên cứu thật kỹ càng.
Thị trường EU chẳng khác nào thiên đường với hàng hóa Việt Nam, nhưng thiên đường này hoàn toàn không miễn phí, cần những tấm vé thông hành thật uy tín chất lượng.