Trong khi đó, Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á về tốc độ này.
“Cô gái đẹp ngủ quên”
Năm 2017 đánh dấu một năm bứt phá ngoạn mục của ngành du lịch Việt Nam khi đón gần 13 triệu lượt khách, tăng gần 30% so với năm 2016 và phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch năm nay ước đạt hơn 510.000 tỷ đồng. Có thể nói, một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam 2017 chính là du lịch. Dù vậy, so với các nước láng giềng, thành tích này chỉ bằng hơn 1/3 số khách và ¼ doanh thu từ du lịch của Thái Lan, bằng khoảng 1/3 số khách tới Malaysia và nhỉnh hơn một nửa so với Singapore. Đáng buồn hơn, một thống kê của Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho thấy “80% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại Việt Nam”. Đây là con số khiến tất cả những người làm du lịch phải giật mình.
Thậm chí, theo như khảo sát bỏ túi của tôi, trong suốt 7 năm qua, con số này luôn nằm ở mức 80-90%, mặc dù Việt Nam có rất nhiều phong cảnh tuyệt vời, thiên nhiên đáng quý, nhiều nơi du khách muốn khám phá. Trong khi đó, nhìn ra các quốc gia láng giềng, có đến 82% lượng khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên 2 lần và 89% lượng khách du lịch quay trở lại Singapore. Như vậy, du lịch Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch lớn, tuy nhiên khoảng cách từ tiềm năng tới sản phẩm còn hạn chế. Nói về “nút thắt” của du lịch Việt thì có nhiều, từ việc thiếu mở cửa trong chính sách thị thực, môi trường ô nhiễm, giao thông hỗn loạn… đến hiện tượng “chặt chém” khách. Không riêng khách nước ngoài, bản thân là người Việt đi du lịch trong nước, hẳn cũng không ít người truyền tai nhau về những bữa ăn “mặn chát” tại các khu du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hoá). Chuyện mời chào ở các khu du lịch cũng thật khủng khiếp. Nhiều nơi người bán hàng ra lôi tay khách vào, thậm chí ép khách mua.
Tôi còn từng được nghe Tiến sĩ kinh tế Trần Đình Thiên kể câu chuyện về một chuyên gia Nhật sang Việt Nam dự hội thảo đã rất ngạc nhiên khi thấy mấy anh lái taxi Việt “thiếu tiền lẻ ghê gớm”. Theo vị này, hầu như cuốc nào ông đi họ cũng bảo không có tiền trả lại. TS Thiên còn cho biết: “Vài ngàn còn đỡ, chứ với khách nước ngoài “nhiều anh thiếu tiền lẻ đến mức không có 50.000 đồng trả lại cho khách thì… mất uy tín cho Việt Nam quá”.
Chuẩn hoá ngành từ... cá nhân
Là một người làm du lịch, tôi nhận thấy, trước tiên chúng ta cần nâng cao nhận thức về sự chuyên nghiệp trong làm du lịch trên tất cả mọi lĩnh vực, từ những người đầu tiên tiếp xúc với khách như người bán hàng rong, lái xe taxi…
Bởi phải thừa nhận rằng, ấn tượng đầu tiên của một du khách khi đến với Việt Nam không phải là “rừng vàng biển bạc”, mà chính là thái độ niềm nở của những con người đầu tiên họ tiếp xúc, tại sân bay, ở khách sạn, trên đường phố.
Chúng ta hoàn toàn có thể xây những khu du lịch tầm cỡ, những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, nhưng trước khi đến được những khu nghỉ này, khách du lịch lại cảm nhận thấy sự thiếu thiện chí từ những người cung cấp dịch vụ liên quan, thì làm sao họ cảm thấy hài lòng được?
Để làm được điều này, Việt Nam cần chuyên nghiệp hoá du lịch bởi một quy chuẩn, công thức với những tiêu chí cụ thể và đặc biệt là với cả quyết tâm mạnh mẽ. Mà nói như Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái thì: “Tổng cục du lịch cần thiết kế một bộ ISO của du lịch cho một tour từ A đến Z, từ việc quảng bá du lịch cho đến những bước như đăng ký đặt vé máy bay, tới sân bay, tới cửa khẩu, đến taxi tới khách sạn, ăn uống, điểm tham quan, mua sắm vui chơi giải trí rồi quay trở lại khách sạn, trở lại sân bay. Thiết kế một lộ trình trọn vẹn, chỉ ra những yêu cầu chuẩn phải đạt được là gì, ai chịu trách nhiệm và phương pháp quản lý ra sao, phối hợp với ai, thế nào…”.
Thứ trưởng đã đề nghị Tổng cục Du lịch thiết kế 1 bản đồ ISO của du lịch trong lập nên một quy trình đầy đủ của 1 tour du lịch từ A đến Z từ quảng bá tới đặt vé máy bay tới cửa khẩu tới taxi tới khách sạn, chỗ ăn uống, chỗ tham quan mua sắm rồi vui chơi giải trí rồi quay lại sân bay. Một lộ trình như thế cần được chuẩn hoá trong đó nêu rõ, ai chịu trách nhiệm khâu nào, phương pháp quản lý ra sao.
Nhưng trước khi chờ đến một bộ quy chuẩn ISO như thế, có lẽ bản thân những người làm du lịch có tầm, có tâm cũng đã tự đề ra ISO cho chính mình. Nói cách khác là chuẩn hoá tới từng chi tiết. Bởi nếu chúng ta có tài nguyên, sản phẩm du lịch tốt, khách sạn, nhà hàng,... mà con người không vận hành tốt thì khó mà chuyên nghiệp được.
Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản phẩm chuyên biệt dựa trên tài nguyên sẵn có, kèm theo chế tài bảo vệ các sản phẩm này, tránh sao chép. Có vậy, du lịch Việt mới có thể nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thành mục tiêu 35 tỷ USD trong 4 năm tới và níu chân du khách, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế đất nước.