Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại Đối thoại Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ "bứt phá" mới được VITV tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm thành lập tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi về khả năng bứt phá của kinh tế tư nhân trong năm 2019, ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Việt Nam đang có những cơ hội và tiềm năng rất lớn để phát triển và bứt phá trong năm 2019, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP.
Theo ông Hoàng Trường Giang, mục tiêu Chính phủ đặt ra là mức tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2019. Đây là con số phù hợp và khá thận trọng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
"Tăng trưởng không chỉ đơn thuần về mặt con số mà còn về chất lượng tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng thể hiện sự phát triển nhanh và bền vững", ông Hoàng Trường Giang chia sẻ thêm.
Cũng tại phiên tọa đàm, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm: "Để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng như chúng ta mong muốn thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể chế và nguồn lực". Theo ông Kiên, hai yếu tố quan trọng này đã được chúng ta chuẩn bị tương đối bài bản.
"Chúng ta có những tiền đề để phát triển nhanh, bền vững. Nhưng ở đây chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng GDP mà phải trả lời được câu hỏi, người dân Việt Nam được hưởng lợi gì từ tăng trưởng kinh tế”, ông Kiên lưu ý.
Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, theo Nghị quyết 10 của Trung ương xác định thì kinh tế tư nhân là quan trọng. Tuy nhiên, hiện kinh tế tư nhân chỉ chiếm 40% GDP, kinh tế nhà nước chiếm gần 30%, còn lại là các hộ cá thể. Ông Lương Minh Chánh, Chủ tịch Trường đào tạo Quản trị kinh doanh BizUni cho rằng đó là bất hợp lý.
Theo ông, kinh tế tư nhân phải là trụ cột của nền kinh tế, đồng nghĩa với việc kinh tế tư nhân cần phải chiếm từ 50% GDP. Và để được như vậy, kinh tế nhà nước phải giảm dần tỷ trọng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng Chính phủ cần tạo môi trường bình đẳng để kinh tế nhà nước cạnh tranh với kinh tế tư nhân, tạo động lực cho phát triển nền kinh tế.
Nhưng theo ông Kiên thì không thể định nghĩa việc giảm kinh tế Nhà nước theo hình thức cơ học. Theo Nghị quyết 11 về việc đổi mới, phát huy doanh nghiệp nhà nước thì phải tận dụng hiệu quả nguồn vốn của khu vực này, khoảng 1,5 triệu tỷ đồng.
“Chúng ta tạo điều kiện để cho tỷ trọng của kinh tế tư nhân đóng góp cho nền kinh tế đất nước ngày càng lớn, để chiếc bánh ngày càng phát triển ra, chứ không phải chiếc bánh vẫn cứ như vậy và chúng ta bàn xem anh này phải co lại để cho anh kia phát triển”, ông Kiên lưu ý.
Từ góc nhìn của doanh nghiêp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nêu quan điểm: “Năm 2019, Chính phủ nhắc đến bứt phá về thể chế, nhưng chúng tôi nhấn mạnh là cần bứt phá về con người, bộ máy quản lý còn cồng kềnh, chi phí tăng lên, quản lý không đồng bộ, thiếu hiệu quả".
Theo ông Đoàn, Chính phủ trong nhiều năm qua đã đưa ra cho DN nhiều điều kiện cần và đủ cho cải cách và phát triển. Điều kiện cần là cải cách thể chế, môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, điều kiện đủ là những cải cách đó đi đến đâu và hiện thực hóa ra sao?
"Vừa rồi Chính phủ nhắc đến bứt phá về thể chế, nhưng chúng tôi nhấn mạnh là cần bứt phá về con người, bộ máy quản lý còn cồng kềnh, chi phí tăng lên, quản lý không đồng bộ, thiếu hiệu quả", ông Đoàn nói.
Ông Đoàn cho rằng, kinh tế Việt Nam đã thay đổi, hiện nhiều doanh nghiệp lớn tư nhân có điều kiện phát triển hơn doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, nhìn vào số lượng doanh nghiệp đóng của nhanh hơn, chúng ta thấy rằng còn khu vực doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa không trụ lại được, không được hỗ trợ, đó là sự mất mát lớn. Chúng ta phải làm sao để hỗ trợ họ phát triển lên doanh nghiệp trung và lớn hơn.
"Bức tranh kinh tế 2019 rất tốt, nhưng vấn đề là bức tranh kinh tế mới sẽ ra sao trong tầm nhìn 5 - 10 năm tới khi thế giới toàn cầu hóa, thay đổi từng ngày. Chúng ta cần phải xem lại", ông Đoàn cho hay.
Do đó, theo ông Đoàn, nếu chúng ta không tìm ra nguồn lực mới, đi tắt đón đầu, đi vào công nghệ mới, kinh tế sẻ chia để có cách làm kinh tế mới... chắc chắn đây là khó khăn. Chúng ta phải biết, Amazon, Alibaba đã vào rồi và sự cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Hiện nguồn lực của DN Nhà nước đang quản lý rất nhiều, chúng ta phải làm cho họ biết cạnh tranh hơn.