Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho biết, trong 25 năm qua, năng suất lao động (NSLĐ) của nền kinh tế chỉ tăng chưa tới 3 lần, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ của các nước khác. Đây là điều bất ngờ khi Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng NSLĐ lại không tăng trưởng được như mong muốn, thậm chí còn có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Cụ thể: Tính chung giai đoạn 1994-2013, NSLĐ tính theo sức mua tương đương năm 2005 (PPP 2005) của Việt Nam tăng trung bình 4,87%/năm. Bình quân NSLĐ giai đoạn 2011-2017 tính theo giá so sánh năm 2010 tăng 4,7%/năm. Mức tăng NSLĐ của Việt Nam được đánh giá là cao hơn so với mức tăng bình quân của các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, theo giá trị tuyệt đối, con số này lại vô cùng khiêm tốn so với bè bạn. Theo thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện tại NSLĐ Việt Nam bằng 7,2% Singapore, tương đương một người dân Việt làm 100 giờ chỉ bằng một lao động Quốc đảo Sư tử làm 7,2 giờ. Hay bằng 8,4% Malaysia, 36,2% Thái Lan, 43% Indonesia và bằng 55% Philippines.
Không quá khó để lý giải thực trạng này. Mức tăng tương đối của NSLĐ Việt Nam bắt nguồn từ một thực tế rất đó là chúng ta mới hội nhập với nền kinh tế toàn cầu được hơn 30 năm. Sản xuất ở Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công trong khi NSLĐ phải là R&D (Nghiên cứu và Phát triển).
Song song, môi trường làm việc, điều kiện làm việc, mật độ sử dụng công nghệ và nguồn vốn của Việt Nam còn thấp, tay nghề, kỹ năng của người lao động còn còn nhiều hạn chế… Những điều này lý giải vì sao thu nhập của người lao động vẫn còn thấp và thấp nhất trong khu vực ASEAN nói riêng và khu vực châu Á nói chung.
Đáng lưu ý, theo tính toán của VERP, NSLĐ của khu vực doanh nghiệp nhà nước cao hơn hẳn NSLĐ của khu vực doanh nghiệp tư nhân, điều mà chúng ta không biết nên đón nhận bằng nụ cười hay nước mắt. Có lẽ một phần nguyên nhân xuất phát từ việc các doanh nghiệp Nhà nước thường được ưu đãi lớn về vốn, công nghệ và đặc biệt là độc quyền về thị trường.
Còn tư nhân, vẫn còn một số lượng không nhỏ những doanh nghiệp tìm kiếm mối quan hệ để kinh doanh. Những doanh nghiệp kinh doanh nhờ “quan hệ” hoàn toàn không có động lực để giảm chi phí. “Khi doanh nghiệp vẫn còn lối tư duy sử dụng mối quan hệ để kinh doanh, dựa vào các mối quan hệ để mong được kinh doanh thuận lợi thì những yêu cầu về sự phát triển bền vững vẫn rất xa vời, đừng mơ phát triển được bền vững. Đây chính điểm chúng ta cần cải cách, thay đổi để tạo ra động lực phát triển” – Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nói.
Theo đó, yêu cầu của nền kinh tế hiện đại, hội nhập, đòi hỏi tư duy phải đột phá để hướng đến một nền kinh tế sáng tạo, nâng cao khoa học công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng cao. Mà muốn tăng NSLĐ, phát triển kinh tế, Việt Nam cần thay đổi suy nghĩ coi lao động giá rẻ là một lợi thế.
Liên quan đến vấn đề này, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận: “Nếu lao động giá rẻ, thì đương nhiên thu nhập của người lao động thấp. Giống như câu chuyện của ngành Y, bác sỹ Việt Nam có thể mổ số ca gấp nhiều lần các bác sỹ nước ngoài. Tuy nhiên, giá trị làm ra của bác sỹ tại Việt Nam lại rất thấp, lý do là mức tiền công của bác sỹ thấp hơn các nước khác. Việt Nam nên chuyển dần suy nghĩ, không nên coi đây là lợi thế nữa. Việt Nam không thể thịnh vượng nếu lúc nào cũng nghĩ mình là lao động giá rẻ”.
Thực tế, chúng ta vẫn nói nhiều về kiến tạo, nhưng sự kiến tạo ấy mới dành cho hai khu vực nhà nước và FDI, còn doanh nghiệp tư nhân vẫn chịu đủ mọi sức ép. Nói cách khác, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhận định môi trường kinh doanh của Việt Nam kém, NSLĐ không cao, nhưng vẫn chú tâm đầu tư là vì họ được ưu đãi nhiều thứ và phần nào là giá lao động của Việt Nam rẻ.
Chính vì vậy, trong kỷ nguyên của công nghệ này, rất cần thêm một cuộc đổi mới nữa để có thể trở thành một quốc gia hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045, trong đó có vấn đề đổi mới thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng..v..v. Nếu không, cứ duy trì NSLĐ thấp như hiện nay thì nguy cơ tụt hậu đã thực sự là nhãn tiền.