Thời gian gần đây, tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều nông sản nhập khẩu nhưng được người bán quảng cáo là hàng Việt, gây ảnh hưởng tới uy tín của sản phẩm Việt và niềm tin người tiêu dùng.
Cách đây không lâu, người tiêu dùng bàng hoàng khi lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện nho Trung Quốc mạo danh nho Ninh Thuận bày bán công khai khắp nơi. Vụ việc còn chưa lắng xuống thì thời gian gần đây, lại rộ lên việc tiểu thương bày bán cải thảo, hành tây, cà rốt, cá tầm và cải mầm đá Sa Pa… được bao bọc trong túi nilon in chữ Trung Quốc nhưng giới thiệu là nông sản Việt.
Thực chất, việc hàng hóa nước ngoài “đội lốt” hàng Việt này là hành vi đánh tráo thương hiệu, “ăn cắp tên tuổi”, tác động rất xấu đến sản xuất kinh doanh trong nước. Để tăng sức mua, người bán thường trà trộn với nông sản hàng Việt hoặc dán nhãn mác hàng Việt, đánh lừa người tiêu dùng.
Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Việc đội lốt hàng Việt Nam đang diễn ra với hai hình thức: hàng nước ngoài nhập khẩu sau đó trộn cùng với nông sản Việt Nam để bán ra thị trường hoặc thay mác thành hàng Việt Nam. Hiện tượng đội lốt nói trên là một hình thức gian lận thương mại trong kinh doanh”.
Vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao lại có hiện tượng gian lận thương mại trong kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh mặt hàng nông sản?
Có thể nói, mặc dù hàng hóa xuất xứ Trung Quốc vẫn xuất hiện khá nhiều trên thị trường nội địa với nhiều chủng loại. Nhưng, một khó khăn của hàng Trung Quốc hiện nay là tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam đang còn e ngại đối với các hàng hoá có xuất xứ từ Trung Quốc nên việc tiêu thụ các mặt hàng, trong đó có hàng nông sản tại Việt Nam.
Tuy nhiên, do mẫu mã đẹp và giá thành lại rẻ hơn so với trong nước nên bất chấp quy định của pháp luật, nhiều thương nhân Việt Nam vẫn nhập hàng nông sản về và gắn mác hoặc trộn lẫn để thu lợi nhuận cao.
Thậm chí, để “đội lốt” hàng Việt, rất nhiều chiêu trò được các tiểu thương, doanh nghiệp nhập khẩu phô diễn. Chẳng hạn, theo “dân trong nghề”, loại đất mà các tiểu thương Đà Lạt gọi là “hồng phiến” để trộn vào khoai tây, cà rốt được lấy ở vùng chuyên trồng khoai tây Đà Lạt như xã Xuân Thọ. Khi nhu cầu làm giả khoai Đà Lạt tăng cao, đã xuất hiện một nghề mới là đào “hồng phiến” bán cho chủ vựa.
Đất “hồng phiến” có các loại đỏ tươi, đỏ sẫm, xám, được đào ở độ sâu từ 1 – 2 m rồi đem về phơi khô. Sau đó, đất được sàng lọc hết đá, sỏi… rồi đem đi cán nhuyễn như bột. Các chủ vựa mua về “tắm” cho khoai tây, cà rốt Trung Quốc rồi tung ra thị trường với tên gọi “hàng Đà Lạt”.
Tức là, đã có những sự tiếp tay của không ít doanh nghiệp, các chủ vựa nông sản, tiểu thương đã nhập nhằng thương hiệu nhằm thu lợi bất chính. Điều đó không thể nói khác rằng chỉ vì tiền mà họ đã làm hại chính đồng bào mình, chính họ đã góp phần phá hoại nền sản xuất của chính đất nước mình.
Có một điều đáng chú ý đó là, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều loại hàng hoá nông sản tương đồng, trong đó có những loại hàng hóa đó sản xuất của Trung Quốc chất lượng thấp, nên đã ma mãnh “đóng giả” hàng hóa cùng chủng loại sản xuất tại Việt Nam chất lượng cao, để thu được lợi nhuận nhiều hơn. Cũng vì tương đồng nên việc người dân với tư cách là người tiêu dùng khó phát hiện hàng hoá đội lốt nông sản Việt.
Mà trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng không biết phải căn cứ vào đâu để xác định một sản phẩm có phải là sản phẩm của Việt Nam hay không. Đặc biệt, tại những khu chợ dân sinh thì thật khó truy xuất nguồn gốc. Kể cả việc nghi ngờ đó là hàng kém chất lượng nhập ngoại nhưng cũng không có căn cứ để khẳng định sản phẩm đó không phải là hàng của Việt Nam.
Điều này cũng có nghĩa, cần có sự vào cuộc quyết liệt của Chính quyền các địa phương nhiều cơ quan, đơn vị liên quan thì mới phân biệt được hàng hoá gắn mác hoặc pha trộn nông sản Việt Nam. Nếu buông lỏng quản lý nông sản tại các địa phương thì chẳng khác nào các vị là tội đồ của dân tộc.