Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), năm 2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc càng phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn. Vì vậy, doanh nghiệp và nông dân cần phải tuân thủ theo quy định trong sản xuất và phát triển bền vững, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã chủ động mở rộng nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân và đã trở thành quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Hiện kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc chiếm 1/10 kim ngạch thương mại nông sản toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8,8% mỗi năm.
Điều này cho thấy, Trung Quốc có nhu cầu nông sản cao, trong khi hai nước Việt Nam - Trung Quốc có chung đường biên giới nên việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, đặc biệt phù hợp với các mặt hàng nông sản có đặc tính thời vụ. Tuy nhiên, thời gian gần đây Trung Quốc đã trở thành một thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm.
Thậm chí, một số địa phương của Trung Quốc đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, đóng cửa nhiều tuyến cửa khẩu xuất khẩu tiểu ngạch. Ngoài ra, phía nước này cũng đang siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch. Theo đó, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng nằm trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi xuất không được, mà bán ở nội địa thì lại “giá bèo”.
Có một thực tế không mấy vui mà chúng ta vẫn phải thừa nhận là từ xưa tới nay, sản xuất nông sản của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm không đồng đều và sức cạnh tranh không cao. Hơn nữa, ngành nông nghiệp vẫn quen với việc sản xuất ra rồi mới chào hàng, nói cách khác là “bán những những gì chúng ta có thay vì bán những gì thị trường cần”.
Trong khi, “nguyên tắc đơn giản nhất, đó là người mua được yêu cầu người bán, chứ không phải người bán yêu cầu người mua phải mua hàng mà mình có. Thị trường Trung Quốc đã áp đặt tiêu chuẩn thì họ sẽ cứ thế mà thực hiện, chúng ta không thể thay đổi họ. Vì thế, không có cách nào khác, từng người nông dân, từng doanh nghiệp phải hiểu rằng cách trồng trọt bây giờ đã khác trước, muốn bán được hàng cho Trung Quốc thì hàng hóa phải có xuất xứ, chất lượng” - PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) nói.
Nói đến câu chuyện nông sản Việt, hẳn chúng ta còn nhớ tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018: Chuyên đề Nông nghiệp - Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản”, bà Nguyễn Thị Thành Thực (người có hơn 20 năm làm thương lái sang Trung Quốc) làm nóng Diễn đàn bằng những phát biểu rất tâm huyết, thực tế.
“Muốn bán hàng phải ra ngoài chợ. Nhưng chợ lớn nhất là Trung Quốc thì chúng ta lại chưa chủ động. Nông dân Việt Nam chỉ chờ người Trung Quốc đến mua hàng. Thậm chí thương lái Trung Quốc còn rành rọt hơn cả nông dân bản địa về đặc sản Việt Nam có gì. Nông sản Việt giống như cô gái quê danh giá chỉ chờ người ta đến tán tỉnh” – bà Nguyễn Thị Thành Thực ví von.
Điều này đòi hỏi cần có sự thay đổi trong tư duy và thói quen của cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất. Dẫu vậy, dưới góc nhìn chuyên gia thì các nhà quản lý và các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động khai thác thị trường Trung Quốc, vẫn phụ thuộc vào việc đặt hàng của đối tác. “Thông tin của chúng ta về Trung Quốc quá kém, dù buôn bán cứ ầm ầm, nhưng nghiên cứu thì không có, rồi đổ lỗi người ta chơi xấu là không ổn” - ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ khẳng định.
Tức là, việc tồn đọng một số mặt hàng nông sản trong thời gian qua không hẳn là do không có quy hoạch, mà vấn đề ách tắc là do tổ chức tiêu thụ chưa tốt. Bởi, không chỉ phụ thuộc đầu ra, mà đa phần nguyên liệu, vật tư của ngành nông nghiệp vẫn phải dựa vào thị trường Trung Quốc.
Và ai cũng biết, đầu ra nông sản của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào thị trường này. Nên việc mở rộng thị trường thông qua những hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại lợi ích hết sức lớn cho các mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nông sản.
Thành thử, câu chuyện tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới để tránh lệ thuộc vào một thị trường lại được đặt ra và nó cần kết quả thực tiễn hơn.