Theo Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có tới 71% doanh nghiệp cho biết họ đã lên kế hoạch hành động cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và có 13% đã xác định các công cụ cần và 29% đặt ra các mục tiêu cụ thể. Hơn 80% cho biết họ có nhiều khả năng sẽ mua hàng hóa và dịch vụ từ các bên đã đăng ký thực hiện các mục tiêu này hơn.
Từ ý thức đến hành động
Là doanh nghiệp được thành lập năm 2003, chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho ngành da giày, dệt may, bà Phạm Thị Anh Vân, đại diện Công ty TNHH Bang Sun Việt Nam (Bang Sun) cho biết: Với nhu cầu từ phía khách hàng, ngay từ năm 2008 Bang Sun đã hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua rà soát, tăng cường nâng cao hệ thống sản xuất phù hợp với nội dung giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên như nhiên liệu cho nồi hơi, nước. Đồng thời kinh doanh có trách nhiệm đặc biệt trong lĩnh vực giặt công nghiệp.
Đồng quan điểm với đại diện Bang Sun, ông Lê Đức Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một Thành Viên XNK 2-9 Daklak (Simexco Daklak) cho hay, Simexco nằm trong top 3 nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam nên Simexco đã có chương trình phát triển bền vững cách đây hơn chục năm và cùng với người nông dân thực hiện các tiêu chí phát triển bền vững.
Năm 2009 Simexco có hàng trăm ngàn tấn cà phê, nhưng chưa quản lý được hệ thống canh tác, trồng trọt. Nhưng sau một thời gian ngắn, doanh nghiệp nhận ra, muốn phát triển bền vững phải nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng bền vững. “Và chúng tôi nhận thấy, người quyết định sản phẩm hàng hoá không phải là giám đốc mà chính là người nông dân, họ quyết định chất lượng sản phẩm. Nếu muốn nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng thì cần có sự tham gia của nhà nông”, ông Huy chia sẻ.
Cũng theo ông Huy, ngoài ra Simexco làm việc chặt chẽ với người mua, chia sẻ ý tưởng với người mua về phát triển bền vững, có trách nhiệm đầy đủ trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, cách đây 3 năm Simexco phát triển Cảnh quan bền vững chung, đó là cải thiện hệ sinh thái nhằm mang lại lợi ích cho người nông dân, không chỉ một sản phẩm bền vững mà là một môi trường bền vững. Như vậy, tốt cho sức khoẻ của con người, tốt cho môi trường. Áp dụng hoạt động tưới tiêu tiết kiệm nước. Sau 3 năm Simexco đã có Khung cảnh mang tính chất bền vững như ngày nay.
Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cà phê, ông Đỗ Ngọc Sỹ, Jacob Douwe Egberts (công ty tư nhân Hà Lan sở hữu nhiều thương hiệu đồ uống) cho biết, Jacob Douwe Egberts mua cà phê khắp toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia cung cấp cà phê lớn của doanh nghiệp này. Để trở thành doanh nghiệp lớn như hiện nay, Jacob Douwe Egberts có nhiều sáng kiến giúp người nông dân trồng cà phê nâng cao mức sống của họ, nâng cao chất lượng cà phê, phương thức canh tác.
Theo ông Sĩ thì, những sản phẩm Jacob Douwe Egberts mua đặt ra mục tiêu sẽ có trách nhiệm với con người, môi trường. Để nguồn cà phê cung cấp mang tính chất bền vững, Jacob Douwe Egberts xác định xem đâu là vấn đề trong canh tác cà phê ở Việt Nam. Trước đây người trồng cà phê nghĩ họ dùng càng nhiều nước, hoá chất, phân bón thì năng suất càng cao. Song chúng ta phải quan tâm tới vấn đề khí hậu, môi trường. “Phát triển bền vững cần sự tham gia của nhiều bên khác nhau: của chính phủ, chuỗi cung ứng, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp”, ông Sỹ nhấn mạnh. 40% ngân sách của doanh nghiệp dành cho vấn đề này nhằm hỗ trợ ý tưởng, nâng cao nhận thức cho người nông dân về sử dụng yếu tố đầu vào. Bởi vậy Jacob Douwe Egberts đã thay đổi tập quán trồng trọt của người dân, trước kia người nông dân phơi cà phê trên nền đất, nay thì họ phơi trên nền xi măng, nên chất lượng tốt hơn.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch VBCSD cho rằng, phát triển bền vững là đòi hỏi tất yếu từ cộng đồng xã hội, từ phía khách hàng với doanh nghiệp. Điều này đã ngấm vào ý thức của đa số doanh nghiệp Việt Nam và bước đầu được chuyển hóa thành hành động, mục tiêu cụ thể. Như vậy, phát triển bền vững không còn được xem là món trang sức xa xỉ mà đã và đang được các doanh nghiệp xem là vấn đề thiết thực, sống còn.
Tạo sân chơi bình đẳng
Tuy nhiên, để phát triển bền vững theo ông Alfons van Gulick, Giám đốc điều hành Ned Spice cho rằng điều cốt yếu cần sự tham gia của các doanh nghiệp. Mọi người cần có cách tiếp cận phủ rộng cả ngành để chung tay đạt mục tiêu phát triển bền vững. Cần có khuôn khổ pháp lý để có một sân chơi bình đẳng, bởi doanh nghiệp nào thực hiện một cách có trách nhiệm vô hình chung lại bị thiệt thòi nếu doanh nghiệp khác không tuân thủ.
Với góc độ Chính phủ, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định, để kinh doanh có trách nhiệm, hướng tới phát triển bền vững, nhà nước phải hỗ trợ ban đầu cho các doanh nghiệp, để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh đó phải có cơ chế ràng buộc bắt buộc, nếu không thực hiện phải chịu trách nhiệm.
Ông Dũng nhấn mạnh, thực chất đây còn là quyền lợi của mỗi doanh nghiệp. Khi chúng ta bỏ ra chi phí ban đầu cho phát triển bền vững thì sẽ thu lại được nhiều vấn đề cho cả cộng đồng và bản thân doanh nghiệp. Khi đó chi phí giảm, năng lực cạnh tranh tăng, uy tín tăng, giá trị thương hiệu tăng… tất cả đều hưởng lợi từ việc chúng ta bỏ ra chi phí ban đầu.
Khuôn khổ pháp luật của nhà nước phải ban hành đồng thời cùng với chuyện nâng cao nhận thức. Pháp luật phải đảm bảo 3 yếu tố cấu thành: làm thế nào doanh nghiệp không muốn kinh doanh mà làm ảnh hưởng tới môi trường, phải chặt chẽ đến mức không thể làm được, và xử lý nghiêm để doanh nghiệp không dám làm.