Quy định mới về chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP tác động thế nào tới doanh nghiệp

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 38/2018/TT-BCT ngày 30/10/2018 và có hiệu lực kể từ ngày 14/12/2018 quy định thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

 

Theo đó, thương nhân muốn được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang EU, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phải đăng ký mã REX (mã số chứng nhận thương nhân đăng ký để thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa) và phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ theo quy định. 

Trong vòng 06 tháng, từ ngày 14/12/2018, tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX công bố địa chỉ trang điện tử để thương nhân lựa chọn đăng ký mã số REX theo hình thức trực tuyến hoặc gửi hồ sơ đăng ký về tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX. Sau thời điểm này, việc đăng ký mã số REX được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. 

Riêng đối với lô hàng xuất khẩu có tổng trị giá không quá 6000 EUR (tính theo giá xuất xưởng), thương nhân được chứng nhận xuất xứ cho lô hàng đó mà không phải đăng ký mã số REX theo quy định. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/12/2018.

Đối với quy định mới này, đánh giá tác động với doanh nghiệp, mới đây, Deloitte Việt Nam khẳng định doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam áp dụng REX sẽ được hưởng lợi từ việc rút gọn các thủ tục và chi phí hành chính so với đăng ký C/O Mẫu A truyền thống. Việc này có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường châu Âu so với đối thủ xuất khẩu từ các nước chưa áp dụng REX mà vẫn đang áp dụng C/O mẫu A. 

Theo Deloitte Việt Nam, cơ chế REX theo chế độ GSP của Liên minh Châu Âu cũng giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam làm quen với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ mà trong tương lai sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (“EVFTA”), dự kiến sẽ được thông qua và triển khai vào năm 2019. 

Doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo sản phẩm xuất khẩu đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo GSP, khai báo cần đầy đủ và chính xác. Thông tư 38 quy định người xuất khẩu có thể bị thu hồi mã REX trong trường hợp không đáp ứng được các điều kiện của GSP, khai báo không chính xác về xuất xứ hàng hóa, làm giả chứng nhận xuất xứ, vi phạm quy định hoặc khai báo không trung thực về chứng nhận xuất xứ hàng hóa... Bên cạnh các hình phạt về vi phạm hành chính, người xuất khẩu Việt Nam còn có thể bị thu hồi mã REX và chỉ được cấp lại mã REX mới sau khoảng thời gian từ 30-180 ngày. Trong khoảng thời gian này, chứng từ chứng nhận xuất xứ sẽ không được xem xét cấp sau.

Đồng thời, Deloitte Việt Nam cho biết, bước đầu, các doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng giữa REX hoặc xin cấp chứng từ xuất xứ mẫu A, tuy nhiên, quy định này sẽ trở thành bắt buộc sau giai đoạn chuyển tiếp (đến tháng 12 năm 2019) để thay thế hoàn toàn Mẫu A. 

Trong giai đoạn chuyển tiếp này, người xuất khẩu đang giao dịch, hoặc hướng tới các khách hàng tiềm năng tại Liên minh Châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ được khuyến khích:

  • Tập huấn, đào tạo nhân viên của công ty nhận thức được đầy đủ các yêu cầu của REX cũng như Thông tư 38; và 
  • Thực hiện tự kiểm tra/đánh giá để xác định các sản phẩm xuất khẩu đáp ứng các quy tắc xuất xứ theo GSP và các đơn đăng ký được gửi đến cơ quan chứng nhận một cách hoàn chỉnh, chính xác. 

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Zalo: 0983 088 626