Sự thực về con số 90% hàng Việt chiếm chỗ trên các kênh phân phối

Mặc dù chiếm 90% trên các kênh phân phối hiện đại, tuy nhiên, các sản phẩm Việt lại phần lớn mang thương hiệu của các nhà bán lẻ nước ngoài.

Theo ông Phí Ngọc chung, Tổng giám đốc Cty TNHH Trung Thành (Trung Thành Foods), thống kê cho thấy tỉ lệ hàng Việt chiếm tỉ lệ cao trên thị trường nội địa từ 80 - 90% tại các kênh phân phối hiện đại và ở một số siêu thị đến trên 90% và từ 60 % trở lên ở các kênh bán lẻ truyền thống.

Sáng ngày 29/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Nhiều doanh nghiệp cho biết vấn đề kênh phân phối, hàng giả hàng nhái đang là bài toán khó với doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Doanh nghiệp ngoại “nuốt chửng” hệ thống phân phối

“Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này là do các nhà bán lẻ nước ngoài yêu cầu doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng trong nước gia công rồi mang thương hiệu của họ”, ông Chung nói.

Trên thực tế, mặc dù được đánh giá là có những sản phẩm hàng hóa chinh phục người tiêu dùng, trở thành niềm tự hào của Việt Nam như Vinamilk, TH true milk, Traphaco, Vinatex, Trung thành food..., tuy nhiên, việc các doanh nghiệp ngoại đang ngày càng “chiếm lĩnh” các kênh phân phối khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước e ngại bị lấn át trên chính “sân nhà”.

Bởi vậy, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cho biết, hệ thống phân phối đang là một bài toán khó. “Hiện có thực tế kênh phân phối, bán lẻ hiện đại phần lớn đã và sẽ nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài đó là thách thức to lớn với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam. Khi bước chân vào thị trường thì họ cam kết đưa hàng Việt vào kệ, tuy nhiên tỷ lệ này giảm dần và họ đưa hàng hoá nước ngoài vào các kệ siêu thị tại chính thị trường Việt Nam”, ông Chung nói.

Doanh nghiệp kiến nghị, bên cạnh xây dựng quy trình sản xuất, doanh nghiệp còn cần hỗ trợ trong xây dựng hệ thống phân phối, tạo thành chuỗi đưa sản phẩm từ khâu sản xuất ra thị trường.

“Khổ sở” vì hàng nhái, hàng giả

Cùng với đó, vấn đề hàng giả, hàng nhái cũng là vấn đề các doanh nghiệp lo ngại. Theo bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm, thương hiệu của doanh nghiệp đã có mặt tại Hoa Kỳ qua Amazon, hay xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản. 

“Bên cạnh niềm vui vì sản phẩm mình tốt, chiếm lĩnh thị trường thì người ta mới làm nhái, nhưng hàng nhái sẽ khiến sụp đổ lòng tin của người tiêu dùng với doanh nghiệp. Các sản phẩm làm nhái, làm giả không chỉ có nguồn gốc từ Trung Quốc, tôi từng thấy sản phẩm được sản xuất tại Maylaisia nhái sản phẩm của chúng tôi”, bà Ty chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp cho biết vấn đề kênh phân phối, hàng giả hàng nhái đang là bài toán khó với doanh nghiệp sản xuất trong nước.

VCCI tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cùng quan điểm, Tổng giám đốc Trung Thành Foods cũng cho biết, doanh nghiệp từng “khổ sở” vì vấn nạn hàng nhái, hàng giả.

“Chúng tôi phải trải qua cả chục năm theo đuổi việc đấu tranh với sản phẩm bị làm nhái, làm giả. Cùng một việc nhưng nhiều cơ quan bộ ngành có ý kiến rồi lại không đi đến đâu cả”, ông Chung nhấn mạnh.

Do đó, ý kiến các doanh nghiệp đều cho rằng, ngoài việc phải tuyên truyền hơn nữa Cuộc vận động người Việt dùng Hàng Việt, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thông tin quảng cáo, hình ảnh cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, cần sự quyết liệt trong công cuộc phòng chống hàng giả hàng nhái. 

“Nhà nước cần có chính sách kiểm soát hàng giả hàng nhái mạnh hơn nữa. Công việc chống hàng giả, hàng nhái đòi hỏi nỗ lực từ nhà nước, hệ thống hàng rào bảo vệ thương hiệu Việt, chứ một mình doanh nghiệp Việt Nam không thể làm được”, bà Ty nói. 

 
Zalo: 0983 088 626