“Trạng chuột ơn vua cưới vợ làng,
Kiệu son lỗng lẫy lọng hoa vàng!
Nàng dâu xứ chuột chân đi đất,
Ngón nhỏ bùn non vẫn dính chân!”
(Ngô Văn Phú)
Trên đây là một phần của sự diễn giải bằng thơ bức tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột”. Đây là bức tranh mô tả một đám rước dâu chuột hết sức long trọng. Trạng chuột cưỡi ngựa đi trước. Cô dâu chuột ngồi kiệu theo sau với một đoàn tùy tùng dài không ngớt. Chỉ có điều, để cho tiệc cưới được diễn ra suôn sẻ, họ hàng nhà chuột đã phải hối lộ quan mèo rất nhiều của ngon, vật lạ.
Bức tranh chỉ nói chuyện ngày xưa và chỉ nói chuyện mèo chuột nhì nhằng, nhưng có biết bao nhiêu vui buồn trong đó! Mà vui buồn thì lẫn lộn vào nhau, tan biến trong nhau- vui cũng có thể chính là buồn.
Trước hết, bức tranh là niềm an ủi lớn cho những người đương thời chúng ta. Thì ra, chuyện tham nhũng, hối lộ có từ ngày xửa, ngày xưa, chứ tuyệt nhiên không phải là sản phẩm độc quyền của đời sống hiện đại. Và nếu “lệ làng” có tự ngày xửa ngày xưa, thì chúng ta chỉ có lỗi một phần trong đó- ở cái phần tiếp tục duy trì và mở rộng cái “lệ làng” đó ra.
Thực ra, nếu quyền lực có tự ngày xửa ngày xưa, và sự lạm dụng quyền lực cũng có tự ngày xửa ngày xưa, thì tham nhũng có tự ngày xửa ngày xưa cũng là điều dễ hiểu. Tham nhũng chỉ là một căn bệnh của quyền lực. Kê toa trên giấy cho căn bệnh này thì dễ, nhưng chữa trị nó trong cuộc sống thì khó vô cùng. Thực tế cho thấy, phần lớn các sáng kiến chống tham nhũng đều rất giống với sáng kiến treo chuông vào cổ mèo. Treo chuông vào cổ mèo, thì mèo đi đến đâu chuông kêu đến đó. Họ hàng nhà chuột nhờ đó có thể chạy thoát dễ dàng. Vấn đề chỉ là trong họ hàng nhà chuột ai đủ to gan, và ai có khả năng treo được chuông vào cổ mèo?
Hai là, bức tranh cho thấy đã là mèo thì bao giờ cũng có thể gây khó cho chuột. Chuyện cưới xin là chuyện riêng tư trong đời sống dân sự. Chuột tổ chức cưới mấy mân, chuột rước dâu như thế nào là chuyện của của chuột. Quí hồ chuyện cưới xin này không gây thiệt hại cho người ngoài, thì quan mèo không thể có thẩm quyền can thiệp. Thế nhưng, bức tranh dân gian khuyên chúng ta là chớ có nên tin vào những nguyên tắc của luật dân sự. Quan mèo có thể phá nát đám cưới, nếu như trạng chuột chỉ biết luật trên giấy, mà không biết luật ở đời. Quan mèo là cái bóng quá lớn của công quyền đè nặng lên không gian tồn tại của họ hàng nhà chuột. Mà như vậy thì các quyền sẽ bị hạn chế, các chi phí sẽ phát sinh.
Ba là, bức tranh còn nói lên sự bi hài của địa vị và chức quyền trong cuộc sống. Trạng chuột phi ngựa đưa dâu trông uy phong biết bao nhiêu! Cô dâu chuột ngồi kiệu trông quyền quí biết bao nhiêu! So với họ hàng nhà chuột, thì cô dâu chủ rể quả là những đấng cao sang. Tuy nhiên, so với mèo thì cô dâu, chủ rể vẫn chỉ là chuột. Sự khúm núm, sự lo lót vẫn thấp thoáng đâu đó đằng sau sự cao sang. Phải chăng đó cũng là lý do tại sao châm ngôn “Trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng trông xuống cũng chẳng có ai bằng mình” lại có sức an ủi to lớn như vậy?
Bức tranh “Đám cưới chuột” còn được Ban nhạc “Gạt tàn đầy” chuyển thành bài hát. Được lặp đi, lặp lại liên tục là những lời hát sau đây:
“Ai mang cá đến cho con mèo hoang tàn ác?
Ai mang cá đến cho con mèo hoang say mền?”
Ai mang nếu không phải là những chú chột ở quanh ta và ở trong ta?!