Từ số liệu công bố
Trong số 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu “tỷ đô” chỉ có 2 mặt hàng tăng giá trị xuất khẩu là thủy sản và lâm sản, trong đó thủy sản dù tăng nhưng chưa đáp ứng chỉ tiêu mà ngành này đề ra.
Đáng chú ý, gạo xuất khẩu - một mặt hàng nòng cốt và truyền thống của Việt Nam đang giảm mạnh khi chỉ đạt 1,43 triệu tấn, giá trị chưa tới nửa tỷ USD, giảm 3,5% về số lượng và 20,2 % về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Mặt hàng gạo cũng đánh dấu sự đổi ngôi chưa từng thấy khi Philippines trở thành nơi nhập khẩu gạo Việt nhiều nhất, chứ không phải Trung Quốc.
Rau, củ, quả cũng chịu chung số phận, 3 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt hơn 400 triệu USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các mặt hàng này lại chứng kiến sự tăng trưởng ở những thị trường khác, chứ không phải Trung Quốc.
Sụt giảm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc là dấu hiệu thực sự đáng lo ngại. Bởi đây là thị trường lớn nhất thế giới, có mối quan hệ khăng khít với kinh tế Việt Nam, phù hợp với thói quen sản xuất của nông dân, đồng thời là nơi tiêu thụ hầu hết những sản phẩm không thể xuất đi châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Thị trường Trung Quốc đổi “chất”
Trung Quốc yêu cầu từ ngày 1/5 tới áp dụng quy định mới liên quan đến việc gắn tem mác, vật lót, bao bì với dưa hấu, chuối, mít. Đây là những quy định không quá cao nhưng đủ sức gây khó cho hàng Việt Nam vì một thời gian dài được đối xử “dễ dãi”, chúng ta chấp nhận rủi ro để đi theo đường tiểu ngạch.
Bên cạnh đó còn một loạt các yêu cầu mới: đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu, thực phẩm; đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; phải đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với Hải quan Trung Quốc; các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc vùng trồng…
Đặc biệt, từ 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng.
Ngoài ra, gạo Việt Nam đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ gạo Thái Lan và Ấn Độ tại thị trường Trung Quốc, nhất là khi hiện nay đồng Baht và Rupee suy yếu so với USD, khiến giá xuất khẩu giảm xuống. Tuy nhiên, vấn đề cố hữu hơn là chất lượng gạo Việt không bằng gạo Thái và Ấn Độ.
Đây cũng là lúc nông sản Việt Nam gián tiếp đối mặt với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi Bắc Kinh bị ép phải nhập khẩu lúa mì và đậu nành của Mỹ để không phải nhận thêm gói thuế mới.
Chấm dứt con đường tiểu ngạch
Khi thị trường Trung Quốc khắt khe hơn không chỉ có hại cho nông sản Việt. Chúng ta cần những thử thách cao hơn để trưởng thành, tăng sức đề kháng để vươn tới những thị trường xa hơn, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, doanh nghiệp cần thay đổi toàn diện từ phương thức sản xuất đến cách thức lưu thông hàng hóa như đã làm với thanh long, vải, xoài, nhãn lồng… khi xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Canada, Nhật Bản và châu Âu.
Khi chính sách nhập khẩu của đối tác thay đổi, là lúc cần thiết thấy vai trò của cơ quan chức năng, đầu tiên là Bộ Công thương với vai trò cầu nối để doanh nghiệp bắt nhịp kịp thời với môi trường mới.
Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang chính ngạch, giảm dần tiểu ngạch. Do đó, doanh nghiệp Việt phải vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này.