TS. Lê Đăng Doanh: Qua rồi thời kỳ hàng Việt xuất khẩu sang Trung Quốc bằng tiểu ngạch

Lí do là bởi càng ngày Trung Quốc càng siết chặt các điều kiện kinh doanh và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm...

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2018, xuất khẩu (XK) rau quả sang Trung Quốc đạt 2,78 tỷ USD, tăng 5,03% so với năm 2017. Trước đó, kim ngạch XK rau quả Việt Nam sang thị trường này cũng liên tục ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số, góp phần đưa ngành hàng này đạt mức tăng trưởng bình quân trên 32% trong giai đoạn 2011 - 2016.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2019, XK của ngành hàng này sang thị trường đông dân nhất thế giới bất ngờ sụt giảm, kéo kim ngạch XK chung toàn ngành giảm. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, đến hết quý I, XK rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 680 triệu USD (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái).

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp cũng chỉ ra, Trung Quốc là thị trường mang lại kim ngạch XK rau quả lớn nhất của Việt Nam và chiếm thị phần ngày càng tăng trong cơ cấu XK của ngành hàng này, từ chỗ chiếm 28% năm 2013 vươn lên chiếm gần 76% thị phần XK của rau quả Việt Nam năm 2017. Hiện có 9 loại trái cây của Việt Nam được XK chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, chuối, mít, dưa hấu và măng cụt.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh. 

Trước đó, chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019 - 2020: Vận hội mới – Yêu cầu mới" chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá Việt Nam: "Đã qua rồi thời kỳ hàng Việt xuất khẩu sang Trung Quốc bằng hình thức tiểu ngạch, bởi Trung Quốc bây giờ trở thành nền kinh tế đứng top đầu thế giới, do đó họ sẽ siết chặt các điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm...” – ông nói.

 

Nghiên cứu công bố mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (ICEM) cũng chỉ ra bất lợi lớn của hình thức buôn bán tiểu ngạch là thiếu ổn định, dẫn đến thiệt hại cho phía Việt Nam. Theo đó, có hai lý do chính dẫn đến sự thiếu ổn định này là:

Thứ nhất, nguồn cung (sản xuất) từ phía Việt Nam không được điều phối phù hợp, sản xuất vượt quá khả năng tiêu thụ.

Thứ hai, tính mùa vụ cao của các sản phẩm trao đổi. Nhiều sản phẩm như rau quả, thủy sản vào mùa khai thác hoặc thu hoạch buộc phải tiêu thụ nhanh dẫn đến hiện tượng bị ép giá, làm giá trong nước giảm nhanh, gây thiệt hại cho nông dân.

Ngoài ra, một lý do khác nữa xuất phát từ chính sách của Trung Quốc. Điển hình như với mặt hàng gạo, Trung Quốc có chính sách cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu: Nhập khẩu gạo trong hạn ngạch sẽ có mức thuế nhập khẩu 1%; Khi vượt hạn ngạch, thuế nhập khẩu sẽ lên đến 65%; Nhập khẩu gạo không theo hình thức này sẽ bị coi là không chính thức và trái pháp luật.

Thanh Minh, nguồn: http://vietq.vn

Zalo: 0983 088 626