Xuất khẩu nông sản Việt (Kỳ I): Vì sao tiếp diễn tình trạng bị trả về?

Mối liên hệ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đã đủ sức mạnh, đủ tính liên kết, đủ tính bền vững để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm tốt hay chưa?

Đó là câu hỏi mà ông Đàm Quang Thắng - TGĐ công ty TNHH Agricare đặt ra trong cuộc trò chuyện với Phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến câu chuyện, mới đây, nhiều lô hàng nông sản Việt Nam vừa bị Nhật Bản, EU từ hối hoặc bị giám sát, áp lệnh kiểm tra 100%.

Đáng nói, việc nông sản Việt Nam xuất khẩu rồi bị trả lại đã diễn ra nhiều lần không những gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín chung của nông sản Việt. 

- Đâu là những nguyên nhân của tình trạng trên, thưa ông?

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ hàng bị trả lại hoặc phải xử lý lại ở mức độ khá cao. Có thể là do Việt Nam xuất khẩu nhiều, nên làm nhiều, lỗi nhiều là bình thường. Tuy nhiên, với những lô hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của phía đối tác, ví dụ như đối với các mặt hàng thuỷ sản, nông sản có nhiều nguyên nhân. Trong đó, xuất phát chủ yếu từ khâu sơ chế, chế biến, khâu sản xuất.

Quy trình sản xuất là một quy trình hoàn chỉnh mà ở đó doanh nghiệp phải tuân thủ theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, đặc biệt là những thị trường khó tính. Trong quá trình sản xuất như vậy, doanh nghiệp đã có bộ tiêu chuẩn sản xuất để tuân theo. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, làm thế nào để doanh nghiệp có thể giám sát được toàn bộ quá trình sản xuất của bà con nông dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm, là tương đối khó khăn.

Bởi, trong rất nhiều khâu của quá trình sản xuất, chúng ta đều làm tốt, ví dụ như sản xuất trên đồng ruộng. Tuy nhiên, đến khâu gia công, chế biến, chỉ cần mắc một lỗi rất nhỏ, ví dụ như hoa quả không làm sạch theo tiêu chuẩn, vẫn còn sót vật thể lạ bên ngoài như cành cây, lá, con dệp, con sâu vướng lại trên sản phẩm... Như vậy, vô hình chung, chúng ta vi phạm vào kiểm dịch.

Doanh nghiệp chúng tôi cũng từng có những lô hàng mắc phải những lỗi như vậy trong khâu sơ chế, chế biến. Do người nông dân vô tình không làm sạch. Khi xuất khẩu đi, đến khi kiểm tra hàng để thông quan, họ phát hiện ra hàng hoá vẫn còn những vật thể lạ, đối tượng kiểm dịch, thì doanh nghiệp phải xử lý hoặc sản phẩm phải quay đầu lại.

Theo tôi, đó là những rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp, rủi ro về tài chính là một phần mà quan trọng hơn cả còn là thương hiệu. Bởi, việc xây dựng được chữ tín, niềm tin của thương hiệu tại các thị trường khó tính thường mất rất nhiều thời gian.

- Tại sao doanh nghiệp lại khó có thể giám sát được quy trình này, thưa ông?

Trước tiên, doanh nghiệp không thể giám sát 100% khâu sản xuất của bà con nông dân, hợp tác xã. Vì vậy, bắt buộc phải nâng cao ý thức sản xuất của người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu - đó là điều quan trọng nhất.

Để nâng cao được ý thức của người sản xuất thì cần đầu tư nhiều về hoạt động giám sát quá trình sản xuất trên đồng ruộng, nâng cao ý thức của người làm ra sản phẩm. Vì hiện nay, người sản xuất vẫn đang quen với cách thức sản xuất hàng hoá bình thường chứ chưa quen với các tiêu chuẩn hàng hoá xuất khẩu.

Vì vậy, khi chuyển đổi từ sản xuất hàng hoá thông thường, sang hàng hoá xuất khẩu gặp nhiều vướng mắc, với năng lực, trình độ của bà con nông dân thì cần có thời gian để tạo ra sự thay đổi về tư duy. Để thay đổi được tư duy thì cần có nhiều hoạt động liên quan đến đào tạo, tập huấn, đầu tư, nhà xưởng, trang thiết bị đóng gói… để một sản phẩm làm ra được kết hợp giữa yếu tố con người và sản phẩm phải nhuần nhuyễn với nhau. Bởi, nếu sản phẩm tốt, mà con người cẩu thả hoặc không có ý thức thì sẽ có nhiều sản phẩm lỗi.

Bên cạnh khó khăn như ông vừa chia sẻ, lại có ý kiến lại cho rằng, không chỉ người nông dân, mà ngay cả doanh nghiệp cũng đều rất ít quan tâm đến các tiêu chuẩn cho nông sản, nhất là các tiêu chuẩn quốc tế. Vậy quan điểm của ôngnhư thế nào?

Tôi cho rằng, không thể nói doanh nghiệp không quan tâm đến tiêu chuẩn. Bởi mỗi khi doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang các thị trường mà doanh nghiệp hướng tới, họ phải tìm hiểu rất kỹ, mà trước tiên phải là các tiêu chuẩn.

Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu của chính quyền thị trường mà doanh nghiệp hướng tới, nếu không theo tiêu chuẩn, hàng hoá của doanh nghiệp sẽ bị out ngay. Vì vậy, doanh nghiệp phải tuân theo tiêu chuẩn trước tiên. Tuy nhiên, yếu tố “phải” ở đây nếu doanh nghiệp không kiểm soát được sẽ trở thành nạn nhân của sự cẩu thả và vô tiêu chuẩn của những người khác.

Vì vậy, mấu chốt nằm ở mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân, hợp tác xã. Mối liên hệ đó đã đủ sức mạnh, đủ tính liên kết, đủ tính bền vững để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm tốt hay chưa? Đây mới chính là nút thắt cần được tháo gỡ.

- Xin cám ơn ông!

Kỳ II: Tháo gỡ "nút thắt" về tính liên kết

Zalo: 0983 088 626