Tạo đột phá cho tăng năng suất lao động

Mặc dù được đánh giá là cơ sở cho tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, năng suất lao động là cơ sở và động lực chính, không chỉ cho sự phát triển của từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cho tăng trưởng kinh tế nói chung mà còn cải thiện thu nhập và phúc lợi của người dân, là cơ sở cho tăng trưởng kinh tế. 

Do đó, cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa cũng đã được chọ là một chủ đề được bàn thảo tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018. Đây là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển kinh tế, nhất là khi năng suất lao động của nước ta còn thấp so với khu vực và thế giới.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 ngày 11/1.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018, Giáo sư Trần Văn Thọ - Đại học Waseda, Tokyo, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam đang rất thấp so với các nước trong khu vực chứ chưa nói đến các nước trên thế giới.

Năng suất của Việt Nam đứng sau Lào

“Tuy nhiên, chúng ta có điều đáng buồn là năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ tương đương 7% Singapore,17,6% của Malaisya, 36% của Thái Lan và 87% của Lào”, ông Ngô Văn Tuấn- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm, GS TS Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học- Xã hội Việt Nam cũng cho rằng, một trong số những điểm chưa đạt được của Việt Nam là nâng cao năng suất , ngay cả so sánh với các nước kém phát triển như Lào Việt Nam cũng đang ở mức thấp hơn. 

Cụ thể, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện Năng suất Việt Nam chỉ rõ, mặc dù sau 15 năm, từ năm 2000 - 2016, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng gấp ba và khoảng cách với các nước đã được thu hẹp dần, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước, đơn cử, khoảng cách về năng suất giữa Singapore và Việt Nam là 12 lần.

Đo năng suất lao động theo giờ công cho thấy hiệu quả sử dụng đầu vào lao động kết hợp với các yếu tố khác của sản xuất và sử dụng trong quá trình sản xuất. So sánh năng suất lao động theo giờ công của Việt Nam với một số nước Châu Á, cho thấy khoảng cách còn khá xa, thậm chí khoảng cách khác biệt nhiều hơn so với năng suất lao động tính theo người.

Giáo sư Trần Văn Thọ - Đại học Waseda, Tokyo, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam đang rất thấp so với các nước trong khu vực chứ chưa nói đến các nước trên thế giới. Từ trước đến nay Việt Nam chủ yếu tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu. Trong thời gian tới động lực chủ yếu cho tăng trưởng phải là tăng năng suất lao động.

“Trước nay Việt Nam mới nói về việc thoát bẫy thu nhập trung bình một cách chung chung, chưa sát thực tế. Có 2 loại là bẫy thu nhập trung bình thấp và cao theo mỗi giai đoạn khác nhau. Bẫy thu nhập trung bình cao khi quốc gia hết lao động dư thừa, nguồn vốn không có khả năng tăng năng suất, cần tạo ra công nghệ cao”, GS Thọ nhấn mạnh. 

Bẫy thu nhập trung bình thấp khi quốc gia dư thừa lao động nông nghiệp, kinh tế cá thể còn phổ biến. Do đó cần cải thiện thị trường vốn, lao động… Và Việt Nam có nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình thấp.

Đột phá cải cách thể chế 

Do đó, GS Thọ cho rằng Việt Nam muốn tăng trưởng đột phá thì phải tăng nhanh năng suất lao động, việc đầu tiên cần tái phân bổ nguồn lực, chuyển dịch lao động dư thừa sang các khu vực có năng suất cao hơn.

Theo đó, lao động dư thừa đang nằm nhiều trong nông nghiệp và kinh tế cá thể, kinh tế hộ gia đình. Ông nhấn mạnh việc dư thừa này tạo dư địa để tăng năng suất, tái phân bổ nguồn lực.

Ngoài ra, ông cho rằng cần tăng tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân bằng cơ chế, chính sách, hỗ trợ, lớn mạnh, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, cũng cần khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo.

Đặc biệt, theo GS Trần Văn Thọ, chính sách cần được khai thông nhằm “nuôi lớn” doanh nghiệp trong nước để nâng cao tiềm lực các doanh nghiệp này, tạo điều kiện cho du nhập công nghệ, phục vụ cho nâng cao năng suất.

 Có cùng quan điểm, ông Umeda Kunio- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cũng khẳng định: “Tăng năng suất là yếu tố chính để tăng sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp của Việt Nam”.

Có thể thấy, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội lẫn thách thức cho đột phá năng suất dựa trên sáng tạo và công nghệ. Để tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam cần xác định được chiến lược thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong trung và dài hạn.

Do đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản khẳng định, phong trào tăng năng suất đã được nhận thức trên toàn cộng đồng người Viêt, để thúc đẩy phát triển xu hướng này, đây chính là thời điểm thích hợp để đưa ra những sáng kiến cho tăng năng suất.

Đặc biệt, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam không chỉ chú trọng tăng năng năng suất khu vực tự nhân mà cần phải nâng cao năng suất của Chính phủ Việt Nam. “Bằng cách phối hợp và cải cách các chính sách, thủ tục hành chính, nâng cao hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh từng bước nâng cao năng suất lao động của Việt Nam”, ông Umeda Kunio khẳng định.

Trong khi đó, ông Phạm Đại Dương- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần đột phá về tư duy ngoài những đột phá khác như cơ sở hạ tầng, thể chế, giáo dục. Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội giảm thiểu thách thức từ CM 4.0 là nhiệm vụ quan trọng thời gian tới.

Theo đó, CM 4.0 là xu thế tất yếu, gần đây Nhật Bản, Sing, Trung Quốc, Mỹ đều đã có chiến lược để tận dụng cơ hội giảm thiểu thách thức từ xu thế này. Việt Nam chắc chắn cũng phải có chiến lược để đối phó xu thế này. 

Chỉ thị 16 của Chính phủ đã kết nối tất cả các ngành với nhau. Dựa trên 3 yếu tố chính là cơ sở hạ tầng (CN thông tin và công nghệ) thứ hai là nguồn nhân lực, thứ ba là cơ chế chính sách đã được thể hiện khá rõ sự đổi mới trong lĩnh vực ngân hàng như thanh toán điện tử, bitcoin… ứng phó của Chính phủ là phải tập trung vào 3 cốt lõi đó theo từng ngành nghề.

Còn theo ông Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, xét cho cùng tất cả các thành quả của kinh tế đều phụ thuộc vào năng suất. sau nhiều năm đổi mới, vấn đề đang kẹt 50% lao động ở khu vực nông nghiệp.

Chính phủ hiện đã nhìn thấy mấu chốt cản trở nền kinh tế là môi trường kinh doanh. Nhiều dấu hiệu cho thấy quyết tâm của chính phủ. Xếp hạng môi trg kinh doanh của thế giới Việt Nam đã tăng 14 bậc và lần đầu tiên đứng trên Trung quốc. “Nhìn sâu vào đó, chúng ta còn 2 điểm rất thấp là mở đóng của doanh nghiệp, đây là gợi ý, để chúng ta nhìn thấy và tiếp tục chú trọng”, ông Thành nói.

Đặc biệt, theo ông Thành, nâng cao năng suất lao động phải chú trọng vào nâng cao khu vực tư nhân và khu vực sản xuất công nghiệp sáng tạo, nhằm hút lao động từ khu vực nông nghiệp nhàn dỗi, nâng cao năng lực và thu hút đầu tư, nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Đồng ý với sự hỗ trợ từ Chính phủ, ông Phạm Đại Dương cho rằng: “Doanh nghiệp cũng cần phối hợp với Chính phủ. Báo cáo 2035 đã đưa ra nguyên nhân khiến năng suất khu vực tư nhân thấp là do thị trường đất đai và vốn, năng suất , chuỗi cung ứng thấp. Chúng ta có thể bám vào đó để đưa ra những giải pháp cho chính phủ tập trung vào những vấn đề này”.

Zalo: 0983 088 626