Việc ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động là quy luật phát triển tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0. Ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp tạo ra được các sản phẩm có giá trị kinh tế cao cũng nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Điển hình, đề tài “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt” với kinh phí 7 tỷ đồng từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã giúp Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (tỉnh Bến Tre) nghiên cứu thành công quy trình chiết tách tinh dầu dừa tinh khiết với năng suất cao, đến 3.000 lít/lô sản xuất. Quy trình sản xuất này đạt tiêu chuẩn quốc tế của Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương. Dầu dừa tinh khiết được sản xuất theo quy trình mới có giá trị thương mại gấp 4 lần so với sản phẩm sản xuất theo công nghệ tinh luyện cũ, góp phần nâng cao chuỗi giá trị cây dừa tại địa phương.
Là đơn vị sử dụng nhiều khá nhiều lao động, công việc khai thác nặng nhọc, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) chia sẻ, TKV đã nghiên cứu và có nhiều giải pháp để nâng cao sản lượng, giảm sức lao động công nhân, tăng năng suất lao động và giảm giá thành sản xuất than. Theo đó, TKV chú trọng nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển công nghệ than sạch để từ đó làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn.
TKV đã đề ra định hướng nghiên cứu khoa học tập trung vào 6 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm là cơ giới hóa và hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản; thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện; phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu than - khoáng sản; nghiên cứu về an toàn, môi trường, điều kiện tự nhiên, vật liệu và hóa chất; tin học hóa, tự động hóa sản xuất; phát triển và tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực quản lý và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của Tập đoàn.
Hay Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) đã chế tạo thành công hệ thống chiếu sáng chuyên dụng tiết kiệm năng lượng, phù hợp với chu kỳ phát triển sinh học của một số loại cây hoa và cây ăn trái nhằm điều khiển thời gian ra hoa, kết trái, ngay cả những cây ra hoa, ra trái trái mùa.
Ông Nguyễn Quang Việt - Phó Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Môi trường Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, những năm qua, EVN đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Theo đó, Tập đoàn đã không ngừng đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ hiện đại, xây dựng các giải pháp bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến; cải tiến, nâng cao trình độ công nghệ góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm...
Những thành tựu ấn tượng trong ứng dụng khoa học công nghệ của EVN có thể kể đến là, áp dụng công nghệ đập bê tông đầm lăn, công nghệ xử lý môi trường hiện đại trong các nhà máy nhiệt điện than, ứng dụng dây dẫn siêu nhiệt, máy biến áp hao tổn thấp, công nghệ sửa chữa hotline không cắt điện; công nghệ đo xa, hệ thống phần mềm dùng chung, áp dụng toàn Tập đoàn, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện theo các cấp độ...
Chính nhờ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất mà EVN đã có những chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng; hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của Tập đoàn.
Còn tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), việc ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới đã giúp EVNNPT nâng cao năng suất lao động (giảm thời gian, công sức, chi phí kiểm tra, xác định sự cố, nhân lực vận hành); giảm sự cố lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; nâng cao độ an toàn cho người lao động và giúp tin học hóa quá trình quản lý vận hành, quản lý tài sản.
Theo ông Nguyễn Tuấn Tùng - Tổng giám đốc EVNNPT, những năm qua, EVNNPT luôn tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, quản lý vận hành, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm lưới điện truyền tải vận hành ổn định, an toàn, liên tục.
Cụ thể, ứng dụng công nghệ chống sét van cho các đường dây nhằm giảm sự cố sét đánh. Nghiên cứu đề xuất sử dụng thiết bị định vị sự cố cho các đường dây 500 kV, 220 kV, giảm thời gian tìm kiếm, khắc phục sự cố. Ứng dụng thiết bị giám sát dầu online cho máy biến áp (MBA) và kháng điện 500 kV.
Trong đầu tư xây dựng, EVNNPT đã sử dụng sứ cách điện composite, xà cách điện composite; ứng dụng công nghệ trạm biến áp (TBA) GIS vào thực tế như, TBA 220 kV Thành Công (Hà Nội); trạm điều khiển tích hợp; trung tâm điều khiển xa TBA không người trực, nghiên cứu thử nghiệm thiết bị bay (FLYCAM) để kiểm tra đường dây...
Nhìn lại ở Việt Nam, thời gian qua, việc đổi mới công nghệ chưa được các doanh nghiệp quan tâm nhiều. Vấn đề chính yếu là doanh nghiệp thường gặp khó khăn về nguồn vốn khi muốn đổi mới công nghệ. Thế nhưng những năm gần đây, các chương trình quốc gia, các quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới. Nhà nước cũng tạo nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng năng suất sản xuất, sẵn sàng trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Nguồn: vietq.vn