Lợi ích của doanh nghiệp khi áp dụng thẻ điểm cân bằng BSC

Việc áp dụng thành công thẻ điểm cân bằng BSC sẽ đem đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích trong đó có việc cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng.

Khái niệm Thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard - BSC) lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1992 bởi hai giáo sư đại học Harvard là Robert S. Kaplan và David Norton với mục đích là thúc đẩy và đo lường hiệu quả hoạt động của các đơn vị kinh doanh.

Mặc dù việc phát triển thẻ điểm cân bằng là một nỗ lực xây dựng hệ thống thước đo đánh giá toàn diện hiệu quả của một doanh nghiệp, thẻ điểm cân bằng đã vượt ra khỏi xuất phát điểm ban đầu và trở thành một hệ thống hoạch định và quản lý chiến lược được sử dụng trong doanh nghiệp để gắn kết các hoạt động với tầm nhìn và chiến lược, cải thiện truyền thông và điều phối nội bộ và truyền thông bên ngòai và kiểm soát hiệu quả hoạt động của tổ chức dựa trên các mục tiêu chiến lược (Kaplan và Norton, 2010).

Lợi ích của doanh nghiệp khi áp dụng thẻ điểm cân bằng BSC - ảnh 1

 Áp dụng thành công thẻ điểm cân bằng BSC đem đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Việc áp dụng thành công BSC sẽ đem đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích.

Thứ nhất, BSC giúp truyền đạt tầm nhìn và chiến lược hữu hiệu trong toàn doanh nghiệp. Với việc ứng dụng BSC, các doanh nghiệp có thể diễn giải tầm nhìn và chiến lược kinh doanh dưới dạng hệ thống đo lường, họ triển khai chiến lược hiệu quả hơn bởi vì họ có thể truyền thông các mục tiêu dễ dàng hơn. Quá trình truyền thông hướng đội ngũ quản lý và nhân viên tập trung vào các nhân tố then chốt thúc đẩy hiệu quả hoạt động, giúp họ có thể gắn kết các chương trình đầu tư, các kế hoạch và hành động với việc thực hiện các mục tiêu chiến lược.

 

 

 

 

 

 

Thứ hai, BSC giúp cải thiện việc liên kết mục tiêu của các bộ phận, nhóm và cá nhân với chiến lược. BSC có thể giúp doanh nghiệp liên kết chặt chẽ hơn mục tiêu của các phòng ban, tổ đội và cá nhân với chiến lược kinh doanh. BSC tạo ra một mô hình khái quát về chiến lược và giúp nhân viên thấy được cách thức họ đóng góp vào sự thành công của chiến lược thông qua hệ thống mục tiêu được liên kết từ công ty đến bộ phận và mỗi cá nhân.

Lợi ích của doanh nghiệp khi áp dụng thẻ điểm cân bằng BSC - ảnh 2

Thẻ điểm cân bằng BSC giúp tăng cường liên kết giữa chiến lược với chương trình hành động và phân bổ nguồn lực.

Thứ ba, BSC giúp tăng cường liên kết giữa chiến lược với chương trình hành động và phân bổ nguồn lực. Việc triển khai BSC đòi hỏi phải tích hợp toàn bộ quá trình hoạch định chiến lược, phân bổ nguồn lực, lập kế hoạch ngân sách. Quá trình triển khai BSC gắn với việc thiết lập các mục tiêu cụ thể, dài hạn, mang tính định lượng và quản lý cũng như nhân viên tin là chúng khả thi.

Thứ tư, BSC giúp thúc đẩy việc phản hồi thông tin chiến lược. BSC là một hệ thống kiểm soát và quản lý chiến lược vì nó đòi hỏi doanh nghiệp áp dụng phải thực hiện đánh giá kết quả thực hiện chiến lược định kỳ chứ không chỉ là đánh giá các kết quả tác nghiệp, ngắn hạn. Nó cho phép những người liên quan nhìn thấy được các hoạt động của họ đóng góp như thế nào vào việc thực hiện chiến lược. BSC luôn đi cùng với quá trình thu thập thông tin về chiến lược và kiểm tra được mối quan hệ giữa các mục tiêu chiến lược và các kế hoạch hành động. Các thông tin sẽ được phân tích để xác định vấn đề, điều chỉnh chiến lược khi cần thiết.

nguồn: vietq.vn

Zalo: 0983 088 626