Đó là quan điểm của bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao khi đề cập đến những thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trước những cơ hội ở thị trường mới - thị trường xuất khẩu nước ngoài.
Bà Hạnh cho rằng, doanh nghiệp Việt muốn thâm nhập thị trường và vươn ra xuất khẩu cần xây dựng nền tảng bền vững như: phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm, phải nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu là tài nguyên bản địa cộng với tác động của công nghệ…
“Lâu nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ Việt Nam về nông sản, thực phẩm thường chỉ xuất nguyên liệu thô hay làm gia công là chính nên thường không bị “xét” giấy thông hành, căn cước. Trừ thủy sản là có tiêu chuẩn rõ ràng, lại trong tay nhiều “đại gia”, còn doanh nghiệp nhỏ hiện khó vào thị trường cao giá này. Ngoài ra, người nông dân và doanh nghiệp nhỏ cũng chưa hiểu hết về tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hay của nước mình”, bà Hạnh nêu thực trạng.
“Thực tế chứng minh, các doanh nghiệp mạnh xuất khẩu tốt là do họ biết xây dựng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và biết ứng dụng công nghệ tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ cũng đến lúc cần xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và tạo ra giá trị gia tăng từ ứng dụng công nghệ để thúc đẩy nông sản, thực phẩm Việt Nam đi ra thế giới. Đây là yếu tố căn cơ để doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nông nghiệp phát triển bền vững”, bà Kim Hạnh cho biết thêm.
Mặc dù đánh giá cao kết quả xuất khẩu trong thời gian qua, nhưng PGS.TS. Phạm Tất Thắng - Chuyên gia trong lĩnh vực thương mại lưu ý, vẫn còn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khi ra thị trường nước ngoài không đảm bảo chất lượng bị trả về. Do vậy, việc nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu là việc cần phải làm ngay.
Theo đánh giá của PGS.TS. Phạm Tất Thắng, tiêu chuẩn hàng hóa của Việt Nam hiện nay không hòa nhập và thấp xa so với tiêu chuẩn của thế giới. Chính vì thế cần phải điều chỉnh lại các bộ tiêu chuẩn, đồng thời phải cập nhật cho được những thay đổi về rào cản kỹ thuật đối với từng mặt hàng ở từng thị trường để cung cấp một cách thường xuyên cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
“Trong khi các quốc gia đã dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật thì rào cản kỹ thuật ở nước ta vẫn chưa được chú ý một cách đúng mức. Việc ý thức để đảm bảo không bị vấp phải hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được thường xuyên, chưa trở thành sự sống còn của các doanh nghiệp, nên cần phải thay đổi”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ.
Các doanh nghiệp của Việt Nam không có cách nào khác là phải vươn lên để có được sản phẩm đảm bảo được yêu cầu của các thị trường thế giới - PGS.TS. Phạm Tất Thắng nhìn nhận đồng thời quả quyết: “Nếu các doanh nghiệp vượt qua được điều này coi như đã được cấp giấy thông hành cho sản phẩm hàng hóa vươn ra khắp thế giới, đảm bảo đáp ứng tốt sự phát triển trong bối cảnh hội nhập”.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Vụ trưởng, Phụ trách Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ( Bộ KH&CN), đối với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hiện nay đã có trên 10.500 TCVN, mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực đạt trên 49% và hơn 700 QCVN, góp phần đắc lực vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, là công cụ đắc lực phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Khôi cũng cho rằng, với kết quả hàng trăm TCVN được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, trong đó có TCVN về nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, chè, cà phê, hạt điều, rau quả, an toàn thực phẩm… góp phần tích cực vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Khôi cũng nhìn nhận bên cạnh những kết quả tích cực, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật còn tồn tại một số hạn chế như: Đối tượng điều chỉnh QCVN trong một số lĩnh vực thường bị chia nhỏ, manh mún, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế điều chỉnh theo các nhóm đối tượng, dẫn tới tình trạng số lượng QCVN khá cao (trên 700 QCVN); việc phân công trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia giữa các Bộ, ngành theo quy định hiện hành đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn quản lý. Mặt khác, do đặc thù hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam theo cơ chế Top-Down, đa phần nguồn lực xây dựng tiêu chuẩn quốc gia đều tập trung tại các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn tới sự tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia của khu vực tư nhân còn hạn chế, thụ động, hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực tiêu chuẩn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với sự phát triển mạnh của các thành phần kinh tế xã hội.
Nguồn: Bảo Anh - www.vietq.vn