Sáng nay (1/8) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tổ chức tọa đàm “Xu hướng chính sách đối với mô hình kinh tế nền tảng”.
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, mô hình kinh tế nền tảng đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ở Việt Nam, nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực của nhiều bên liên quan nhờ vào những lợi ích mà các nền tảng mang lại như tăng năng suốt, giảm chi phí, tạo ra các thị trường mới, cũng như gia tăng sự linh hoạt của thị trường lao động.
Tuy nhiên, trong một thời gian hoạt động, mô hình kinh tế nền tảng đã bộc lộ một số khuyết điểm cần đến sự can thiệp của Nhà nước, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người lao động, chống thất thu thuế với các nền tảng hoạt động xuyên biên giới. Trong bối cảnh đó, dường như Việt Nam chưa có một sự tiếp cận chính sách và ứng xử nhất quán, cũng như gặp phải nhiều khó khăn trong việc xây dựng các quy định đối với các mô hình kinh tế mới này.
Thừa nhận tính ưu việt của các nền tảng, chẳng hạn như, tạo điều kiện cho các giao dịch vừa diễn ra nhanh chóng, tận dụng tối ưu nguồn tài nguyên có sẵn, thúc đẩy cạnh tranh và tăng chất lượng dịch vụ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng đây mới là xu thế không thể đảo ngược là nhất định cần được khuyến khích phát triển.
Theo quan điểm của ông Long, trong xu hướng hiện nay, một nền tảng sẽ cung cấp kết nối cho nhiều ngành, thay vì chỉ trong lĩnh vực vận tải hay giao nhận hàng, thực phẩm, dược phẩm… nếu tất cả các ngành đều coi một nền tảng thuộc lĩnh vực mình thì ngày mai khi xuất hiện một nền tảng mới thì chúng phải mất hai hay 3 năm nữa để loay hoay tìm câu trả lời.
Ông Long cho hay, theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy phần lớn các nước trong khu vực không coi nền tảng kết nối xe là dịch vụ vận tải. Việc coi nền tảng kết nối là dịch vụ vận tải sẽ gây tác động tiêu cực tới kinh tế nền tảng, làm giảm thế mạnh của các đơn vị xử lý công nghệ là xử lý hệ thống dữ liệu lớn và kết hợp với trí tuệ nhân tạo để đề xuất phương tiện và giá.
“Việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng toàn bộ điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải là một sự bất công, không hợp lý. Quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động của nền tảng, mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm của công nghệ mang lại, biến nền tảng thành một công nghệ đơn thuần”, ông Long nói và nhấn mạnh quy định như vậy sẽ tác động tiêu cực tới cả các nền tảng trong nước như Vato, Emmi, Gonow ( của Viettle) và T.Ney (của FPT), lẫn các nền tảng ngoại như (Grab...)
Về phần mình, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, khi một mô hình kinh tế chia sẻ mới du nhập vào Việt Nam thì phải mất ít nhất từ 1 hay 2 năm mới có chính sách mới ra đời để quản lý loại hình công nghệ này.
“Nhưng mô hình kinh tế chia sẻ lại là mô hình thay đổi nhanh chóng, nên các chính sách để quản lý loại hình này khi ra đời thường đã lạc hậu, quy định luôn cũ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Ngô Vĩ Bạch Dương, Viện nhà nước và Pháp luật khẳng định ứng xử giữa các quốc gia đối với các dịch vụ mới trên Internet còn nhiều điểm khác biệt, thậm chí còn ngược nhau.
Do đó, ông Dương đưa ra lưu ý rằng, trong việc quản lý các hoạt động kinh tế nền tảng, Nhà nước cần xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt, trong việc phân định trách nhiệm các bên để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ các đối tác yếu thế trong giao dịch.