Theo PGS - TS Tăng Văn Khiên nâng cao năng suất lao động trong điều kiện hiện nay của Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo khả năng cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam trên thị trường và đặc biệt là cạnh tranh với các thị trường trong khu vực, châu lục và quốc tế.
Theo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và GS Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) công bố, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có tăng trưởng về nhiều mặt. Tuy nhiên, mức tăng còn hạn chế và năng suất lao động của nước ta vẫn đang là vấn đề gây “đau đầu” cho các nhà quản lý.
So sánh năng suất lao động của Việt Nam so với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia thì có thể thấy, năng suất lao động của 09 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên (tính theo số liệu đến năm 2015). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo được coi “đầu tàu” nền kinh tế, có đóng góp cho xuất khẩu cao nhưng năng suất lao động chưa cao. Trong khi đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế.
Để cải thiện năng suất lao động, Việt Nam cần có sự đột phá cải cách về tư duy ngoài những đột phá khác như cơ sở hạ tầng, thể chế, giáo dục. Trong đó, việc tận dụng cuộc cách mạng công ngiệp 4.0 là cơ hội lớn cho việc thúc đẩy tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đăng Minh, Phó viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, ĐHQG Hà Nội, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại cần được chú trọng và tập trung. Ðiều này sẽ thu hút lao động dôi dư trong ngành nông nghiệp cũng như khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa, dịch vụ theo hướng hiệu quả hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Thành, Chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động trong các ngành kinh tế.
Một số chuyên gia kiến nghị, nhằm nâng cao năng suất lao động, Việt Nam cần có chính sách đào tạo, nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, bảo đảm việc lao động dịch chuyển từ nhóm ngành có năng suất lao động thấp như nông nghiệp sang các nhóm ngành có năng suất lao động cao hơn như chế tạo, dịch vụ và có thể đảm nhiệm công việc tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn.
Nguồn: vietq.vn