Đó là nhận định của ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam ( Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).
Trước yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực để hội nhập, hơn 20 năm qua, Viện Năng suất Việt Nam đã nỗ lực để đưa khái niệm năng suất và chuyển giao các giải pháp nâng cao năng suất đến với các DN.
Đặc biệt từ năm 2010, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về hoạt động năng suất, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21.5.2010 (Chương trình 712). Nhiều hoạt động hỗ trợ DN thúc đẩy năng suất đã được triển khai sâu rộng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN... Viện Năng suất Việt Nam đã triển khai các chương trình nâng cao nhận thức về năng suất thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng tài liệu phổ biến, hướng dẫn áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất; đào tạo chuyên gia thực hành cho các DN; nghiên cứu, tính toán các chỉ số năng suất, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm và chuyển giao cách thức áp dụng cải tiến năng suất...
Với xu thế kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, nâng cao năng suất là yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế và tăng trưởng. Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các DN Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất.
Điều này thể hiện qua việc ngày càng có nhiều DN chủ động tìm kiếm và thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thực tế cho thấy, các DN khi triển khai các dự án cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo các công cụ “truyền thống” như: Lean/Kaizen; 5S, ISO... đã có thể cải thiện năng suất tăng từ 15-20%. Điều quan trọng hơn cả là nhận thức về sự cần thiết cải tiến năng suất cho chính DN của người lãnh đạo, từ đó thúc đẩy sự tham gia của từng cá nhân, tập thể cán bộ công nhân viên của chính DN đó.
Tuy nhiên, theo nhận định của Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, yếu tố tác động trực tiếp tới hoạt động năng suất tại các DN hiện nay tùy thuộc vào tính chất từng ngành.
"Ví dụ trong điều kiện ngành may, các chương trình hỗ trợ tăng năng suất lao động tập trung vào cải thiện quá trình sản xuất, sắp xếp và bố trí các dây chuyển hợp lý hơn, giảm các lãng phí trong sản xuất; đồng thời cải thiện trình độ quản lý cũng như ý thức từ bản thân người lao động. Các yếu tố đang cản trở hoạt động tăng năng suất lao động là quản lý yếu, thiếu chuyên nghiệp, người lao động thiếu tính kỷ luật cũng như tác phong công nghiệp.
Đối với các ngành công nghệ vừa và cao như: Nhựa, hóa chất, cơ khí... đòi hỏi lao động kỹ thuật cao, cần có định hướng cụ thể về đổi mới công nghệ; có giải pháp phù hợp nhân sự dôi dư khi DN đưa công nghệ tự động hóa trong sản xuất. Lĩnh vực liên quan đến khai thác hoặc xuất khẩu thì phụ thuộc nhiều vào biến động của giá cả trên thị trường thế giới…", ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, hiện nay các cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ “nút thắt” để các DN có cơ hội tiếp cận với môi trường kinh doanh tốt hơn. Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt với 96% lô sản phẩm, hàng hóa được chuyển sang hậu kiểm,, Bộ KH&CN dẫn đầu việc thực hiện cải cách hành chính về hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi, “cởi trói” DN trong việc nhập khẩu máy móc, công nghệ mới, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ... Điều này không chỉ tạo điều kiện cho DN thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa mà còn tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế của đất nước.
Uyên Chi - nguồn: vietq.vn