Tổng quan
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 6,1% trong giai đoạn 2011-2022. Tuy nhiên, để đạt được thành tựu tăng trưởng kinh tế ấn tượng này, Việt Nam đã phải trả giá đắt về môi trường do còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng. Chuyển đổi năng lượng xanh là một yêu cầu bắt buộc nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và hướng tới tương lai phát triển bền vững của Việt Nam.
Việt Nam có mức phát thải khí CO2 bình quân trên EJ năng lượng sơ cấp tương đối cao (tới 63,12 tấn/EJ). Đặc biệt, so với năm 2011 thì tổng mức phát thải khí CO2 năm 2021 cao hơn 2,06 lần và bình quân trong giai đoạn 2011 – 2021 tăng 7,5%/năm.
Nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải giải quyết khủng hoảng khí hậu và các tác động của nó, Việt Nam đã cam kết giảm 9% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 với kịch bản thông thường và tới 27% với sự hỗ trợ từ quốc tế, theo Thỏa thuận Paris. Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỷ 21.
Để thực hiện những cam kết và nguyện vọng này, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, bao gồm chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, gió, năng lượng từ sinh khối và chất thải. Quá trình chuyển đổi này không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là cơ hội để Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng, khả năng cạnh tranh kinh tế và công bằng xã hội.
Các doanh nghiệp, với tư cách là nhà sản xuất và tiêu thụ năng lượng chính ở Việt Nam, có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Họ có thể góp phần giảm lượng khí thải bằng cách áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, điện khí hóa các hoạt động và giao thông vận tải, đồng thời đầu tư vào các giải pháp và công nghệ ít phát thải carbon. Ngoài ra, trên toàn bộ chuỗi giá trị của mình, doanh nghiệp cũng có thể tác động đến các nhà cung cấp, khách hàng và các bên liên quan của mình để áp dụng các hành vi và thực hành bền vững hơn.
1. Lợi ích từ việc chuyển đổi sang năng lượng xanh
Việc chuyển đổi sang năng lượng xanh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, chẳng hạn như:
- Tiết kiệm chi phí: Các nguồn năng lượng tái tạo, ví dụ như năng lượng mặt trời và gió, đã trở nên rẻ hơn so với nhiên liệu hóa thạch ở nhiều thị trường nhờ đổi mới công nghệ và quy mô kinh tế. Các biện pháp tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng cũng có thể giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí vận hành và nâng cao năng suất.
- Gia tăng lợi thế cạnh tranh: Năng lượng xanh có thể nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, cũng như thu hút và giữ chân khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư (đặc biệt xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đặt yếu tố xanh là một trong những tiêu chí chủ chốt để ra quyết định đầu tư), những người ngày càng quan tâm đến các vấn đề môi trường và xã hội.
- Giảm thiểu tác động môi trường: Việc xanh hóa và tối ưu năng lượng giúp các doanh nghiệp giảm phát thải nhà kính, tạo ra tác động lớn tới môi trường và xã hội. Ngoài ra, việc doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững cũng sẽ giúp kiến tạo mội trường làm việc xanh, sạch, an toàn cho sức khỏe người lao động, đồng thời lan tỏa tinh thần này tới toàn bộ nhân sự, góp phần mạnh mẽ vào công cuộc chống biến đổi khí hậu.
- Giảm thiểu rủi ro: Năng lượng xanh có thể làm giảm mức độ rủi ro của các doanh nghiệp đối với giá nhiên liệu hóa thạch biến động, sự gia tăng ngày càng nhiều các quy định pháp lý tại nhiều quốc gia liên quan tới giảm phát thải và phát triển bền vững, sự gián đoạn nguồn cung và các tác động liên quan đến khí hậu.
- Đem lại cơ hội đổi mới: Năng lượng xanh có thể kích thích sự sáng tạo và đổi mới của các doanh nghiệp khi họ tìm kiếm những cách thức mới để tối ưu hóa quy trình, sản phẩm và dịch vụ của mình, đồng thời tạo ra thị trường và mô hình kinh doanh mới theo hướng phát triển bền vững.
2. Làm thế nào các công ty có thể chuyển đổi sang năng lượng xanh tại Việt Nam
Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh sẽ không có một công thức chung phù hợp với tất cả doanh nghiệp. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như quy mô, lĩnh vực, địa điểm và văn hóa của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số bước tiếp cận chung mà doanh nghiệp có thể cân nhắc thực hiện bao gồm:
- Khảo sát đánh giá hiện trạng năng lượng: Doanh nghiệp cần đo lường mức tiêu thụ năng lượng, lượng khí thải và chi phí, cũng như xác định các nguồn cung và cầu năng lượng chính của mình và trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Việc phân tích lượng khí thải trực tiếp và gián tiếp của doanh nghiệp có thể thực hiện theo phạm vi để có được bức tranh toàn diện về hiện trạng thực tế
- Phạm vi 1: Phát thải trực tiếp từ các nguồn được sở hữu hoặc kiểm soát từ doanh nghiệp (VD: hoạt động sản xuất, hậu cần, vận chuyển, cơ sở vật chất, v.v.)
- Phạm vi 2: Phát thải gián tiếp đến từ việc mua điện của doanh nghiệp (VD: điện được được tạo ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than và khí đốt hoặc thông qua các nguồn tái tạo như năng lượng mặt trời, gió hoặc thủy điện)
- Phạm vi 3: Phát thải gián tiếp từ các nguồn không do doanh nghiệp sở hữu hoặc kiểm soát trực tiếp nhưng có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (VD: hàng hóa và dịch vụ đã mua, các hoạt động đầu tư, tài sản thuê, hoạt động phát thải của đối tác cung ứng).
Ngoài ra, việc thực hiện khảo sát cũng cần đánh giá tiềm năng cải thiện hiệu quả năng lượng hoặc ứng dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
- Xây dựng chiến lược năng lượng xanh: Doanh nghiệp cần xác định tầm nhìn và mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, phù hợp với chiến lược và giá trị tổng thể của mình. Ngoài ra, để định lượng các kết quả thực hiện, doanh nghiệp cũng cần thiết lập các chỉ số và thước đo để theo dõi và báo cáo tiến độ của mình và chủ động đưa ra các hành động điều chỉnh thích hợp.
- Xây dựng lộ trình năng lượng xanh: Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch hành động với các sáng kiến xanh được sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý để đạt được mục tiêu năng lượng xanh, có tính đến các nguồn lực sẵn có, cơ hội và thách thức.
Tùy theo nhu cầu và khả năng của mình, doanh nghiệp có thể lựa chọn các hình thức ứng dụng năng lượng tái tạo như:
- Tạo năng lượng tại chỗ – thông qua việc lắp đặt pin mặt trời, hệ thống tích trữ năng lương, v.v. Thỏa thuận mua bán điện (PPA) – hợp đồng dài hạn với các dự án năng lượng tái tạo như trang trại năng lượng mặt trời và gió Greenpower – năng lượng tái tạo được chứng nhận từ các nhà cung cấp lưới điện bán lẻ. Greenpower – năng lượng tái tạo được chứng nhận từ các nhà cung cấp điện lưới bán lẻ. Giấy chứng nhận năng lượng tái tạo – được mua để bù đắp bất kỳ năng lượng ‘đen’ nào không thể tái tạo được và được giao dịch trên thị trường mở.
Ngoài ra, để tổ chức triển khai hiệu quả, doanh nghiệp cần phân bổ trách nhiệm, ngân sách, nhân lực và thời hạn thực hiện kế hoạch của mình một cách hợp lý nhằm đạt được mục tiêu chiến lược đã đề ra.
- Thực hiện lộ trình năng lượng xanh: Doanh nghiệp cần thực hiện kế hoạch của mình bằng cách huy động các bên liên quan bên trong và bên ngoài ngoài doanh nghiệp như nhân viên, quản lý, nhà cung cấp, khách hàng và đối tác. Việc thực hiện truyền thông các hành động và kết quả đạt được sẽ giúp nâng cao uy tín và trách nhiệm giải trình trong công bố thông tin của doanh nghiệp.
- Rà soát lộ trình năng lượng xanh: Doanh nghiệp cần thường xuyên rà soát kế hoạch của mình bằng cách thu thập dữ liệu, phân tích và rút ra các bài học kinh nghiệm. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp có thể chủ động trong việc điều chỉnh kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế.
(tham khảo từ FPT Digital).
3. Quy định của Chính phủ
- Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 7 năm 2022, V/v phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải với Mục tiêu tổng quát: "Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050".
và Quyết định số 1009/QĐ-TTg, ngày 31 tháng 8 năm 2023, V/v phê duyệt đề án triển khai tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, với mục tiêu tống quát: "Triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; phát triển ngành năng lượng hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ, thông minh trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và các mục tiêu phát triển, đảm bảo công bằng trong chuyển đổi năng lượng. Tiếp nhận và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, cung cấp tài chính cho việc thực hiện Tuyên bố JETP, góp phần thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch".
4. Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2018 và các tiêu chuẩn thuộc bộ tiêu chuẩn ISO 50001
- ISO 50001 là tiêu chuẩn có thể áp dụng với bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào, không phân biệt quy mô hay lĩnh vực và có khả năng ảnh hưởng đến 60% việc sử dụng năng lượng trên thế giới nhằm cải thiện việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. ISO 50001:2018 là phiên bản có thể đồng thời kết hợp cùng với các tiêu chuẩn quản lý ISO khác như ISO 9001, ISO 14001.
- Thông qua việc chấp nhận và áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001:2018, nhiều tổ chức doanh nghiệp đạt được sự thành công bền vững và đã đạt được các lợi ích.
- Theo đó, áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001:2018 sẽ giúp DN tạo được khuôn khổ để hỗ trợ cho việc quy định, thực hiện, vận hành và duy trì hệ thống quản lý năng lượng toàn diện; hỗ trợ cho lãnh đạo của doanh nghiệp trong việc quản lý và vận hành một cách nhất quán, có trách nhiệm đối với hoạt động quản lý về năng lượng; thúc đẩy việc áp dụng các thực hành tốt về năng lượng, tạo cơ hội để doanh nghiệp có thể tiếp cận và chấp nhận áp dụng, cải tiến các biện pháp kiểm soát phù hợp với tính huống, bối cảnh cụ thể; giảm phát thải khí nhà kính do giảm năng lượng sử dụng và tối ưu hóa nguồn năng lượng cũng như tận dụng nguồn năng lượng tái tạo; tạo lòng tin cho khách hàng, các đối tác kinh doanh về hệ thống quản lý năng lượng được tuân thủ, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế… Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương và quyết định của Chính phủ về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt phấn đấu đạt mục tiêu mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26.
- Thưc tế cho thấy, sau khi áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001, doanh nghiệp sẽ bắt đầu thu hái thành quả từ lợi ích tiết kiệm năng lượng, ý thức của người lao động được nâng cao, văn hóa tiết kiệm và sử dụng hợp lý tài nguyên của doanh nghiệp được hình thành…
Quý cơ quan, tổ chức có nhu cầu đào tạo, tư vấn Hệ thống quản lý năng lượng ISO 5001, mời liên hệ:
• Công ty TNHH Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Quản trị doanh nghiệp
• Số 03 Mỹ Đa Tây 6, P. Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng, Việt Nam
• Điện thoại, Zalo: 0983 088 626 ; E-mail: quantridoanhnghiepvn.dn@gmail.com
• Văn phòng TP.HCM: Số 317/26/2 Đường Thống Nhất, P11, Q. Gò Vấp, TP.HCM
• Điện thoại, Zalo: 0911 787 630 ; E-mail:qtdn.kd01@gmail.com
• https://www.facebook.com/daotaoquantridoanhnghiepibtc
Bạn có nhu cầu, đăng ký đào tạo, tư vấn tại đây: https://forms.gle/w8iy3Kfa1sMzLLHfA