Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển năng lượng sạch
Ông John Kerry cho biết, ngành năng lượng của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào than đá nhưng than đá hiện là một trong những tài nguyên bẩn nhất gây tác động tiêu cực cho thế giới.
Hiện nay, thế giới đang hướng đến giảm phụ thuộc vào than đá, tất cả mọi nước đều đóng góp vào nỗ lực chung giảm thiểu ô nhiễm, gia tăng lợi thế và giá trị gia tăng của năng lượng vào sự phát triển.
Năm ngoái, ngành năng lượng của Mỹ đã có khoảng 75% năng lượng tái tạo bổ sung vào tổng nguồn cung năng lượng, than đá chỉ chiếm 0,2% mà thôi.
Theo ông John Kerry, Việt Nam hiện nay ở vị trí rất tuyệt vời để chuyển sang phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với các năng lượng gồm sức gió, nhiệt hạch hay thủy điện. Đây là những điều kiện để Việt Nam linh hoạt nhiều hơn chọn lựa chiến lược phát triển nguồn năng lượng bền vững hơn trong tương lai.
Việt Nam hiện có tới 26 nhà máy điện than và có thể dùng nhiệt điện than trong nhiều năm nữa. Tuy nhiên, Việt Nam không thể sử dụng nguồn lực nhiệt điện than 30 năm nữa trong khi thế giới đang quay lưng lại.
“Việt Nam hiện có tài sản lớn mà thiên nhiên ưu đãi, bức xạ mặt trời lớn, gió và sinh khối. Tuy nhiên, 45% tổng năng lượng của Việt Nam là nhiệt điện than, khí... Nếu Việt Nam gia tăng sử dụng điện than trong nhiều năm và bổ sung thêm nhà máy nhiệt điện than. Tôi cho rằng đây không phải là quyết định thông thái”, ông John Kerry nói.
Theo cựu Ngoại trưởng, Việt Nam đã có chính sách phát triển năng lượng tái tạo, dựa trên các điều kiện tự nhiên sẵn có, Việt Nam cần trở thành mô hình của các quốc gia khác về năng lượng tái tạo.
"Chúng ta có thể thay đổi chi phí về năng suất, chi phí sức khỏe, chất lượng cuộc sống, nguồn nước và giảm số lượng khí CO2 trong không khí nhờ năng lượng tái tạo. Nên nhớ rằng than đá không rẻ hơn và thực tế mặt hàng ngày càng đắt hơn bởi nó kéo theo chi phí về giao thông vận tải, đất đai, tác động tiêu cực đến cộng đồng, không khí... ", ông Kerry cảnh báo.
Bài học dịch chuyển năng lượng của các nước
Ông Kerry cho biết, Trung Quốc đang là quốc gia lớn nhất về phát triển kinh tế năng lượng mặt trời, họ thoái lui và tránh xa điện than trong những năm vừa rồi. Các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ cũng phát triển năng lượng tái tạo của họ gấp đôi vào 2022.
Các nước phát triển thế giới như Thụy điển 100% là năng lượng tái tạo, Đức đang phấn đấu sử dụng 40% năng lượng tái tạo vào năm 2025, và đạt 80% vào năm 2057.
"Thế giới đang địch chuyển, Việt Nam cần nằm trong sự dịch chuyển ấy và các bạn có thể tiết kiệm hàng chục tỷ USD và làm cho dân chúng có thể hạnh phúc hơn. Đồng thời, các định chế tài chính tại Mỹ và thế giới hiện cũng không khuyến khích đầu tư vào than đá, chính vì thế chúng ta không thể tiếp tục tăng vào phát triển nhiệt điện than.", ông Kerry nhìn nhận.
Ông cũng khẳng định: Nếu chúng ta có ý chí, chúng ta sẽ có con đường và bước đi. "Tôi biết lãnh đạo Việt Nam hướng đến năng lượng mặt trời, tuy nhiên chìa khóa đầu tư, cơ chế tài chính như thếnào thì cần có kế hoạch rõ ràng. Chúng ta cần chấp nhận năng lượng tái tạo. Đây không phải là sự lựa chọn dễ dàng, nhưng nó không có gì ghê gớm cả mà nó là cách đơn giản, bảo vệ con người, môi trường để Việt Nam tốt hơn.", ông Kerry nói.