Theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, những quy định pháp luật về chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP) còn nhiều vướng mắc cần xem xét lại. Đó là Quy định “Công bố phù hợp quy định ATTP” tại NĐ 38 chưa được quy định trong Luật ATTP. Thực phẩm xuất khẩu vừa phải đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu, đối tác xuất khẩu và vừa phải đáp ứng yêu cầu của Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, chi phí để thực hiện hoạt động đánh giá sản phẩm, thực hiện các thủ tục liên quan để đáp ứng các quy chuẩn Việt Nam và các quy định liên quan của Việt Nam. Trong khi đó, một số quy chuẩn Việt Nam còn quy định dàn trải, chia nhỏ đối tượng để quản lý. NĐ 66/2016/NĐ-CP thiếu sự thống nhất trong quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm giữa 3 bộ Y tế, NN&PTNT, Công thương; chưa phân biệt rõ điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm và điều kiện đảm bảo ATTP.
Trước thực tế nói trên, hiện nay doanh nghiệp gặp phải nhiều thách thức. Đó là áp lực phải duy trì về chất lượng, ATTP, hạn chế sản phẩm sai lỗi. Áp lực phải thực hiện các hàng rào kỹ thuật, yêu cầu của nước nhập khẩu. Những kết quả thử nghiệm, chứng nhận không chính xác, có mức độ sai số cao, dẫn đến trường hợp doanh nghiệp cho rằng kiểm soát tốt, thử nghiệm đúng nhưng khi bị đối tác thử nghiệm lại thì không đáp ứng yêu cầu…. Các cơ quan quản lý cũng chịu không ít những thách thức như phải nâng cao uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Xử lý các vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật, yêu cầu của các nước nhập khẩu, giải quyết các vướng mắc, chồng chéo trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật,…
Ông Linh đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp cần phải nắm rõ yêu cầu của nước, đối tác nhập khẩu. Doanh nghiệp có thể liên hệ Văn phòng TBT Việt Nam để nắm rõ các yêu cầu của nước nhập khẩu đối với sản phẩm hàng hóa của mình. Đồng thời, tổ chức và xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp, hợp lý để duy trì, cải tiến chất lượng, ATTP. Phản ánh kịp thời về các quy định mới, vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các quy định. Lựa chọn các tổ chức thử nghiệm, chứng nhận được thừa nhận hoặc có uy tín và phải có sự ràng buộc về chất lượng của các kết quả thử nghiệm. Tăng cường việc kết nối giữa các tổ chức thừa nhận, chứng nhận đối với nước nhập khẩu, đối tác nhập khẩu để đề nghị việc thừa nhận lẫn nhau.
Đối với các cơ quan nhà nước cần điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ATTP cho hợp lý như bỏ quy định về công bố phù hợp quy định ATTP, đề xuất cơ chế kiểm soát khác về chất lượng nông lâm thủy sản, thực phẩm xuất khẩu,… Ngoài ra, cần xây dựng chính sách chuẩn bị và nâng cao năng lực hạ tầng chất lượng phục vụ nh cầu xã hội như đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thử nghiệm, chứng nhận. Cần mở rộng và thúc đẩy thử nghiệm, chứng nhận cho tất cả các tổ chức tư nhân, nước ngoài,… Kiểm soát chặt chẽ chất lượng thử nghiệm, chứng nhận, giám định đáp ứng chuẩn mực quốc gia, quốc tế,…
Nguồn: Cục Công tác phía Nam