Nếu nói về khía cạnh chuyên môn, người làm ngành y, nhất là bác sĩ cấp cứu, không lạ gì với các vụ ngộ độc xyanua, nhưng phần lớn là do ngộ độc thực phẩm từ sắn (khoai mỳ), măng tươi.
Các vụ ngộ độc sắn ở trẻ em từng xảy ra thường xuyên vào những năm 1980, giữa lúc khủng hoảng lương thực, người dân phải ăn sắn thay gạo, nhưng chế biến không đúng cách. Chất gây độc trong sắn tươi là axit xyanhydric, công thức hóa học là HCN. Axit này kết hợp với các kim loại tạo thành các muối, gọi chung là các hợp chất xyanua. Khi tiếp xúc với cơ thể, xyanua sẽ chiếm giữ thành phần sắt trong hồng cầu, làm hồng cầu mất chức năng gắn kết oxy, tế bào sẽ thiếu oxy và gây ra các triệu chứng ngộ độc.
Người bị ngộ độc xyanua có triệu chứng nhẹ là nóng lưỡi, đau đầu, đau bụng, nôn; nặng thì hôn mê, suy tuần hoàn, suy hô hấp và tử vong nhanh sau vài giờ nếu không được cấp cứu kịp thời. Ở bệnh viện, bác sĩ sẽ hỏi bệnh và dựa vào hoàn cảnh ngộ độc như ăn sắn, ăn măng... mà có phán đoán ban đầu, rồi cho làm các xét nghiệm để xác định. Tuy nhiên nếu do đầu độc, nạn nhân thường được đưa đến muộn, các tình tiết có thể bị giữ kín nên việc chẩn đoán ra bệnh và điều trị khó khăn hơn.
Vụ án đầu độc người thân bằng xyanua vừa xảy ra khiến dư luận bức xúc: làm thế nào hung thủ có thể mua được chất độc, và sẽ phải siết chặt cách quản lý hóa chất độc hại ra sao? Thật đáng tiếc khi phải nói rằng, xyanua tuy là chất rất độc, nhưng lại có ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, nên số lượng đưa ra thị trường rất nhiều, công tác quản lý vì thế càng khó khăn hơn.
Do đặc tính hoạt động hóa học mạnh, có thể hòa tan kim loại, nên các xyanua được ứng dụng trong công nghiệp mạ hay khai thác vàng... 80% lượng vàng khai thác trên thế giới vẫn đang được tách bằng xyanua. Quặng thô chứa vàng cám được ngâm trong dung dịch xyanua, để tạo ra dung dịch có chứa vàng. Sau đó dung dịch chứa vàng này được điện phân để thu lấy vàng tinh khiết. Ngoài ra xyanua còn dùng trong chế tạo thuốc trừ sâu, diệt chuột, trong công nghiệp sơn...
Là hóa chất dùng trong sản xuất công nghiệp, xyanua không thuộc danh mục hóa chất bị cấm bán theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Nhưng cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh hóa chất độc hại này cần phải tuân thủ các điều kiện của Luật Hóa chất 2007 và Nghị định 113. Nghĩa là muốn kinh doanh hóa chất này, cần phải có giấy phép đặc biệt, còn muốn mua phải có giấy giới thiệu, công văn, nói rõ số lượng, mục đích của việc mua bán.
Quy định là vậy, các loại kali xyanua, natri xyanua, xyanua đồng... thậm chí được đóng bao 25 kg hoặc đóng thùng 50 kg, rao bán trên các chợ hóa chất online. Tôi xem trang web của các công ty hóa chất, ngoài mua số lượng lớn, còn thấy cả đơn hàng cá nhân với số lượng 200 g - 500 g, mua về để làm thí nghiệm chẳng hạn. Các chợ đầu mối về hóa chất vẫn lén lút bán xyanua.
Một liều 50 mg xyanua đã có thể gây tử vong, thì 200 g hóa chất có thể làm chết 4.000 người. Thật sự rùng mình khi thứ chất độc này lại có thể mua bán quá dễ dàng.
Làm thế nào để quản lý một hóa chất độc hại nhưng thị trường sản xuất công nghiệp lại có nhu cầu lớn? Điều này tưởng chừng như là một mâu thuẫn khó giải quyết.
Để quản lý một chất cấm, việc đầu tiên là phải siết chặt lại lượng cung trên thị trường, tạo ra sự khan hiếm, từ đó sẽ dễ dàng kiểm soát số lượng người dùng.
Trong ngành y đã có tiền lệ như vậy, là việc kiểm soát chất gây nghiện mocphin. Tất cả các dạng thuốc phiện đều bị cấm, ai tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ, ít thì phạt tù, nhiều thì tử hình. Nên thuốc morphin để giảm đau là một mặt hàng cực kỳ khan hiếm, không thể mua được tự do trên thị trường. Người bệnh muốn mua morphin phải có đơn của bác sĩ, mà cũng chỉ có rất ít bác sĩ được phép kê đơn morphin.
Hiện nay trên thế giới đã có một số nước cấm hoàn toàn xyanua trong sản xuất do tính chất độc hại với môi trường của nó. Việc nâng cao công nghệ sản xuất sẽ tiến tới thu hẹp phạm vi sử dụng hóa chất độc hại này. Trong khi trình độ công nghệ Việt Nam chưa cho phép cấm sử dụng xyanua trong sản xuất, chúng ta chỉ còn biện pháp tăng nặng hình phạt với buôn bán và sử dụng trái phép xyanua.
Với việc buôn bán sử dụng trái phép xyanua hiện nay, các mức trừng phạt chưa đủ răn đe. Ví dụ các chủ hầm vàng dùng xyanua để phân kim vàng, sau đó thải ra sông suối, nhưng nếu bị phát hiện, cũng chỉ bị "đẩy, đuổi" ra khỏi khu vực khai thác.
Do vậy cần thiết đặt xyanua là chất hạn chế đặc biệt, từ đó có cơ sở pháp lý để siết chặt quản lý cũng như nâng cao mức phạt răn đe. Việc mua bán chất hạn chế đặc biệt này ngoài việc tuân thủ các quy định về kinh doanh có điều kiện, cần có cơ quan quản lý danh sách, từ số lượng nhập khẩu, đến tận từng người tiêu thụ cuối cùng, nhằm giám sát được đường đi của nó.
Dẫu vậy, dù cho có quản lý kỹ đến mấy, cũng thật khó ngăn chặn hoàn toàn việc lọt xyanua ra bên ngoài. Nên việc cuối cùng là tăng thật nặng hình phạt trong các vụ đầu độc bằng xyanua. Đồng thời phải điều tra ra tất cả những kẻ tiếp tay cho việc mua bán xyanua trái phép. Như vậy kẻ thủ ác ít nhiều phải chùn tay, cũng như kẻ mua bán xyanua phải biết vòng lao lý mà sợ.
Quan Thế Dân
https://vnexpress.net