Bước thay đổi căn bản trong quản lý thực phẩm

Theo Nghị định số 15/2018/NÐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) được Chính phủ ban hành ngày 2-2 vừa qua thì công tác quản lý nhà nước đối với thực phẩm có bước thay đổi căn bản và toàn diện. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với PGS, TS NGUYỄN THANH PHONG, Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế) về những thay đổi đó.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong

Phóng viên (PV): Ðề nghị đồng chí cho biết những thay đổi lớn nhất của Nghị định 15/2018/NÐ-CP là gì, cụ thể thế nào?

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: Nghị định 15/2018/NÐ-CP được ban hành để thay thế Nghị định 38/2012/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP. Theo Nghị định 15, tất cả các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Có hai hình thức công bố là tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có khoảng 90% sản phẩm được tự công bố. Các nhóm sản phẩm phải đăng ký với cơ quan nhà nước trước khi lưu thông trên thị trường là: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Ðối với thực phẩm nhập khẩu cũng có thay đổi rất lớn. Nhiều loại được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm bao gồm: sản phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở; Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm; hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ðáng chú ý, có đến 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu không phải kiểm tra nhà nước về ATTP. Chỉ có 5% lô hàng được tra xác suất ngẫu nhiên và cũng chỉ thực hiện việc kiểm tra hồ sơ, thay cho phương thức kiểm tra cảm quan và lấy mẫu kiểm nghiệm nếu có nghi ngờ như trước đây. Phương thức kiểm tra chặt chỉ áp dụng đối với trường hợp sản phẩm có cảnh báo của Bộ quản lý chuyên ngành, UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó.

PV: Ðề nghị đồng chí cho biết việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP được thực hiện thế nào?

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: Ðây là một Nghị định được các hội, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm đánh giá cao. Ðể tránh chồng chéo, bỏ sót trong phân công quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Nghị định đã quy định nguyên tắc phân công quản lý nhà nước như sau: Ðối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào thì cơ quan đó quản lý. Ðối với cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên (trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản) do ngành công thương quản lý. Ðối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP để thực hiện các thủ tục hành chính. Các bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thuộc phạm vi được phân công quản lý. Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định về mức giới hạn an toàn đối với các nhóm sản phẩm theo đề nghị của các bộ quản lý chuyên ngành và các bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm xây dựng và gửi Bộ Y tế ban hành.

PV: Nghị định 15/2018/NÐ-CP có rất nhiều điểm mới. Với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi, Bộ Y tế có những biện pháp gì để Nghị định sớm được triển khai và có sự thống nhất?

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: Nghị định có hiệu lực ngay khi ban hành, thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ trong việc hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trên tinh thần đó, cũng như để tránh bỡ ngỡ cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý tại địa phương cũng như không làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngay sau nghị định ban hành, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cũng như các chi cục, ban quản lý ATTP tại các địa phương triển khai ngay Nghị định số 15.

Cục ATTP đã phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức hai cuộc hội thảo tại phía bắc và phía nam đối thoại với các hội, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm để giải đáp tất cả các thắc mắc, các nội dung chưa rõ của nghị định mới. Ðồng thời tổ chức tập huấn cho cơ quan quản lý ở các địa phương, để thống nhất cách thực hiện, tuyệt đối không để tình trạng cùng một nội dung mà mỗi địa phương lại áp dụng một cách khác nhau. Bộ Y tế cũng đã thành lập tổ phản ứng nhanh để hướng dẫn, giải đáp tất cả các thắc mắc của doanh nghiệp, cũng như cơ quan, đơn vị liên quan.

PV: Theo Nghị định mới, phương thức quản lý thực phẩm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thay đổi đó liệu có tạo ra lỗ hổng hay có sự buông lỏng trong quản lý hay không?

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: Về thay đổi này, chúng tôi đã có phương án cụ thể. Theo đó, tất cả các nguồn lực sẽ được tập trung cho công tác hậu kiểm. Các cơ quan quản lý thường xuyên tổ chức lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm, đánh giá chất lượng, nếu phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn sẽ có biện pháp xử lý luôn.

Bộ Y tế cũng đang đề xuất với Chính phủ được sửa nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP theo hướng tăng nặng hình thức xử lý các vi phạm. Mức phạt phải tăng lên, vì khi Nhà nước tạo sự thông thoáng, mà doanh nghiệp vi phạm thì phải chịu xử lý rất nặng.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

TRUNG TUYẾN Thực hiện
Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/

 

 

Zalo: 0983 088 626