Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa

Truy xuất nguồn gốc là giải pháp hữu hiệu giúp người tiêu dùng tìm hiểu về thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hàng hóa. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, truy xuất cho sản phẩm đã trở thành quy định bất thành văn và thói quen của người tiêu dùng.

4 nguyên tắc truy xuất nguồn gốc

Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã và đang trở thành vấn nạn đối với xã hội. Mặc dù cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, nhiều doanh nghiệp đưa ra cảnh báo giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm thật giả, nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn len lỏi vào cuộc sống của người dân.

Theo đó, truy xuất nguồn gốc là giải pháp hữu hiệu giúp người tiêu dùng tìm hiểu thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, giúp truy ngược từ sản phẩm đang được bày bán trên kệ hàng về nơi sản xuất ban đầu, qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm đã trở thành quy định bất thành văn với hàng hóa nhập khẩu và thói quen của người tiêu dùng, từ đó nâng cao hiệu quả cho sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp khẳng định về sản phẩm, đáp ứng minh bạch thông tin sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tại Việt Nam, theo quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phải bảo đảm bảo 4 nguyên tắc sau:

Nguyên tắc “Một bước trước - một bước sau”: Bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm, hàng hóa.

Nguyên tắc “Sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.

Nguyên tắc “Minh bạch”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.

Nguyên tắc “Sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.

Truy xuất nguồn gốc nâng tầm giá trị doanh nghiệp

Các chuyên gia đánh giá, truy xuất nguồn gốc mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Một trong những lợi ích đầu tiên phải kể đến đó chính là bảo vệ thương hiệu uy tín và nâng tầm giá trị doanh nghiệp một cách hiệu quả. 

Thực tế cho thấy, có không ít doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới bị kẻ xấu lợi dụng, trà trộn bán hàng thật giả lẫn lộn, hủy hoại niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm mà doanh nghiệp đã mất rất nhiều công sức để gây dựng thương hiệu trước đó. Truy xuất nguồn gốc chính là con đường ngắn nhất giúp bảo vệ uy tín doanh nghiệp, đồng thời truyền tải mọi thông điệp của nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng chỉ thông qua một thao tác quét mã đơn giản.

Thứ hai, truy xuất nguồn gốc giúp tăng tính cạnh tranh, kích thích hành vi mua hàng. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Vì vậy, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần mạnh mẽ trong nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.

Thứ ba, truy xuất nguồn gốc giúp tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư hệ thống. Nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn khi sử dụng tem truy xuất nguồn gốc vì lo ngại sẽ làm tăng giá đầu vào. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác bởi hầu hết đơn vị cung cấp dịch vụ tem truy xuất nguồn gốc có mức phí khá rẻ.

Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ được cung cấp cả một hệ thống truy xuất nguồn gốc tích hợp những tính năng của hệ thống phần mềm quản lý kho, quản lý bán hàng, đây là hai tính năng rất quan trọng và cần thiết đối doanh nghiệp. Ngoài ra, hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc được vận hành khá đơn giản, nếu biết tận dụng tốt mọi tính năng, doanh nghiệp còn có thể tiết kiệm được nguồn nhân lực quản lý một cách đáng kể.

Thứ tư, truy xuất nguồn gốc là nền tảng xuất khẩu hàng hóa đi quốc tế. Cụ thể, Việt Nam là quốc gia có rất nhiều sản phẩm nông sản có giá trị, tuy nhiên thị phần xuất khẩu ra thị trường quốc tế lại khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hình thức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung, quy mô và cách thức còn nhiều hạn chế. Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ giúp hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu sản phẩm phát triển mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp vươn tầm thế giới. 

Ngoài ra, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc với mỗi doanh nghiệp không đơn thuần chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn là cách các doanh nghiệp đang chung tay góp sức bảo vệ lợi ích cộng đồng, đẩy lùi hàng giả hàng nhái ra khỏi thị trường.

Theo Vietq.vn

Danh mục tiêu chuẩn ISO, TCVN, GS truy xuất nguồn gốc tại đây: /uploads/files/Danh%20muc%20TCVN_TXNG_2024.pdf

Quý cơ sở, DN có nhu cầu Đào tạo Kiến thức ATTP, Tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000, xin liên hệ

Zalo: 0983 088 626