Histamin gây dị ứng có trong thực phẩm nào

Histamin là một trong những nguyên nhân phổ biến làm trầm trọng hóa tình trạng dị ứng của nhiều người có cơ địa mẫn cảm. Việc tiêu thụ một lượng Histamin cao vượt mức cơ thể cho phép có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Để tránh tình trạng này, những người có cơ địa dễ dị ứng nên nắm rõ histamin có trong thực phẩm nào cũng như cách làm giảm histamin trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.

1. Histamin là gì? Đặc điểm của Histamin?

Histamin (C5H9N3) là một amin sinh học giúp duy trì chức năng sinh lý của ruột cũng như là một chất dẫn truyền thần kinh, nhìn chung Histamin đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch cục bộ.

Histamin có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng phát ban, ngứa tiềm ẩn sẵn trong cơ thể những người dễ bị dị ứng.

Histamin có tính hút nước, chịu nhiệt cao mà không bị phá hủy nên nếu lượng Histamin trong thực phẩm cao thì sẽ không bị mất đi trong quá trình đun nấu. Độc tính của Histamin tùy thuộc vào lượng Histamin người dị ứng hấp thụ. Nếu lượng tiêu thụ từ 8-40mg Histamin, người nhạy cảm sẽ chảy nước mắt, nước bọt. Nếu lượng ăn từ 1500-4000mg thì người ăn có biểu hiện nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, phát ban và mạch đập nhanh...

2. Histamin có trong thực phẩm nào?

Có một số loại thực phẩm hàm chứa nhiều Histamin mà những người có cơ địa dễ dị ứng nên chú ý, chúng bao gồm:

2.1. Histamin trong cá

Hải sản, đặc biệt là cá là một trong những nguồn thực phẩm có hàm chứa lượng Histamin cao nhất. Cụ thể là các loại cá biển như cá thu, cá cơm, cá ngừ, cá trích, cá đuối... nếu không được giữ đông tốt sau khi đánh bắt, bảo quản lạnh kém sẽ khiến vi khuẩn phát triển mạnh và biến đổi axit amin Histidine thành Histamin gây độc cho người.

Tình trạng nhiễm độc từ histamin trong cá có thể xảy ra từ 5 đến 30 phút sau khi ăn cá bị hư hỏng với các triệu chứng điển hình như: sưng phù, đỏ mặt và cơ thể, nóng rát miệng, buồn nôn, đau đầu, đau bụng, ngất xỉu, mờ mắt, khó thở, khò khè, tiêu chảy...

Các triệu chứng dị ứng này có thể kéo dài vài giờ đến một ngày. Ngộ độc histamin trong cá thường nhẹ, dễ chữa lành. Tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời cũng có thể dẫn đến tử vong, với các biến chứng tim nghiêm trọng như tụt huyết áploạn nhịp tim.

Histamin
Histamin có tính hút nước, chịu nhiệt cao mà không bị phá hủy

2.2. Sản phẩm làm từ sữa

Đa số các bệnh dị ứng thực phẩm đều được kích hoạt bởi các protein nhất định trong các chế phẩm làm từ sữa: sữa chua, pho mát, kem... Khi bạn đã bị nổi mẩn ngứa trên da thì bạn cần phải tránh những sản phẩm từ sữa hoàn toàn. Thậm chí các loại sữa tách kem và sản phẩm sữa ít béo cũng không được khuyến khích.

2.2. Một số loại hạt

Các loại hạt như hạt điều, quả óc chó, hạnh nhân, đậu phộng, hạt dẻ hoặc bất kỳ loại hạt nào khác đều có thể khiến tình trạng dị ứng trầm trọng hơn, bao gồm cả những loại thực phẩm hạt đóng gói. Cách tốt nhất là người có cơ địa mẫn cảm nên thử và chủ động tránh tiêu thụ những thực phẩm này nếu thấy bản thân có nguy cơ bị dị ứng.

2.3. Các loại thực phẩm lên men

Các loại thực phẩm lên men như nước tương, nước mắm, giấm, rượu, bia, nước sốt....thường có hàm lượng Histamin cũng rất cao nên người dễ bị dị ứng cũng nên cẩn thận khi sử dụng những sản phẩm này.

Ngoài ra, yếu tố gây dị ứng trong thực phẩm còn có thể là từ các chất tạo màu, chất bảo quản, chất phụ gia trong quá trình chế biến. Nên tránh sử dụng những thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo về quy trình chế biến vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Triệu chứng dị ứng do Histamin

Các phản ứng dị ứng Histamin có thể thể hiện ở mức độ từ nhẹ đến nặng, thậm chí nếu không được xử lý kịp thời có thể gây tử vong hoặc sốc phản vệ. Các triệu chứng dị ứng thực phẩm xảy ra thường gặp nhất ở trẻ em và trẻ sơ sinh, nhưng cũng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Thậm chí có người còn đột nhiên bị dị ứng với loại thực phẩm đã ăn trong nhiều năm qua không có vấn đề gì.

Những dấu hiệu thường gặp khi bị dị ứng thực phẩm thể hiện như sau:

  • Nổi mẩn đỏ, ngứa, có thể phát ban ngoài da: là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất khi bị dị ứng thực phẩm. Người bệnh sẽ cảm thấy ngứa da, phát ban, thậm chí là ngứa ngáy khắp người, da trở nên đỏ, sưng phù, thậm chí bị méo lệch, dị dạng một phần nào đó trên cơ thể (mắt, môi, miệng), và vùng bàn tay, cẳng tay, bàn chân.
  • Rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp do giãn mạch: Một vài trường hợp dị ứng có thể dẫn đến thay đổi huyết áp của người bệnh, nhịp tim chậm hơn, thấy hoa mắt, chóng mặt hoặc khó thở. Tuy nhiên, thường thì mọi người sẽ chủ quan và ít khi để ý đến dấu hiệu này trừ khi có sẵn máy đo nhịp tim, huyết áp tại nhà.
  • Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy: đây cũng là triệu chứng thường gặp khi dị ứng thực phẩm. Nguyên nhân cũng có thể là do tình trạng không dung nạp lactose. Cảm giác nóng ran trong miệng, kích thích tiết dịch vị của dạ dày, tăng tiết nước bọt gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
  • Đau đầu, chóng mặt, nôn nao: Do Histamin gây ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh, có thể đi kèm với khó thở do phù nề và co thắt khí quản.
Thực phẩm
Hải sản, đặc biệt là cá là một trong những nguồn thực phẩm có hàm chứa lượng Histamin cao nhất

4. Cách làm giảm Histamin

Nếu như phía trên là danh sách những loại thực phẩm có khả năng chứa hàm lượng Histamin cao, thì dưới đây ngược lại là những loại thực phẩm giúp giảm thiểu Histamin mà những người mẫn cảm nên cân nhắc đưa vào thực đơn hàng ngày:

4.1. Các loại rau củ quả có màu xanh

So với các thực phẩm khác, thực phẩm có màu xanh vừa chứa ít chất béo lại có nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe như: vitamin C, protein, lutein, axit folic... Do vậy, việc ăn nhiều rau củ quả có màu xanh vừa làm tăng sức đề kháng của cơ thể, vừa là cách làm giảm Histamin và nguy cơ dị ứng.

4.2. Trái cây họ cam chanh

Những loại quả có múi như cam và chanh thường chứa nhiều vitamin C, là chất có tác dụng chống lại hoạt tính của Histamin, giảm được hiện tượng phát ban, ngứa ngáy, giúp tăng cường hệ miễn dịch để chống lại vi khuẩn. Ngoài ra những loại quả này cũng giàu flavonoid vốn có tác dụng kháng sinh.

Nước ép từ các loại quả họ cam chanh không chỉ cung cấp vitamin C giúp các tế bào chống khuẩn mà còn có thể tiêu diệt virus có trong màng dịch nhầy ở mũi và ở cổ họng, giảm hẳn triệu chứng dị ứng.

4.3. Táo

Táo là thực phẩm có khả năng trung hòa axit trong cơ thể, vừa có tác dụng tăng cường thể lực và gia tăng khả năng kháng bệnh. Đặc biệt trong táo có rất nhiều chất quercetin, là chất đặc biệt giúp hạn chế giải phóng Histamin. Ngoài ra, táo còn có khả năng chống oxy hóa cao nên có thể bảo vệ tế bào trước những tác nhân xấu, trong đó bao gồm cả các tác nhân gây dị ứng.

4.4. Cà chua

Cũng như cam, chanh, cà chua rất giàu vitamin C giúp ngăn chặn viêm nhiễm, từ đó ngăn sự xuất hiện của các triệu chứng dị ứng như nghẹt mũi. Cà chua còn làm tăng cảm giác no bụng mà không tăng thêm lượng calo nào.

4.5. Rau mùi tây

Mùi tây cũng là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C, thậm chí còn hơn cả cam, chanh hay bất kì loại quả nào khác.

Mùi tây có chức năng như chất chống oxy hóa nhờ loại bỏ các độc tố và duy trì độ đàn hồi của các mạch máu, giúp sát trùng, chống viêm... Mỗi ngày chỉ cần tiêu thụ khoảng 25-30mg cần tây là đã cung cấp đủ lượng vitamin cho cơ thể.

bác sĩ hỏi thăm bệnh nhân
Tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể chăm sóc sức khỏe tốt nhất

5. Cách xử lý khi bị dị ứng do Histamin

Nếu không may người bệnh có cơ địa mẫn cảm và bộc phát những triệu chứng dị ứng sau khi tiêu thụ một loại thực phẩm nào đó, có thể tham khảo các cách xử lý sau:

  • Trường hợp dị ứng nhẹ: nếu người bệnh có dấu hiệu dị ứng ngoài da, rối loạn tiêu hoá thì có thể sử dụng một số loại thuốc kháng Histamin như Clorpheniramin, Claritin hoặc Telfat...).
  • Trường hợp biểu hiện nặng: nếu thấy mạch nhanh, hạ huyết áp, xuất tiết, khó thở thì cần nhanh chóng truyền dịch bù nước và điện giải và dùng thuốc kháng Histamin, Corticoid. Nếu tình trạng vẫn nặng cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu, điều trị kịp thời

Theo vinmec.vn

 
Zalo: 0983 088 626