Ngành thực phẩm Việt vẫn còn yếu về thương hiệu

Thực phẩm Việt chủ yếu là tầng lớp thương nhân trực tiếp giao thương; còn người tiêu dùng các nước nhập khẩu lại không biết đó là hàng Việt.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm vẫn chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô. Cụ thể, mặt hàng rau củ quả phần lớn chưa được đưa vào chế biến mà chỉ qua sơ chế hoặc xuất thô, tập trung ở 3 dạng là đồ hộp, nước trái cây và trái cây sấy khô.

Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam cùng kinh doanh một ngành hàng trong quá trình xây dựng thương hiệu mới dừng lại ở mức tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp, thiếu liên kết trong việc xây dựng thương hiệu chung toàn ngành, điều này khiến ngành thực phẩm khó có được một thương hiệu chung.

Điển hình như cà phê Việt Nam chiếm đến 90% kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc thế nhưng người tiêu dùng Hàn Quốc lại nhầm tưởng là cà phê Brazil. Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội cho biết, thực tế tham gia các kỳ hội chợ quốc tế tổ chức tại các thị trường nhập khẩu hàng nông sản thì Việt Nam có hàng trăm mặt hàng thực phẩm, nông sản chế biến đã tham gia vào thị trường xuất khẩu nhưng người tiêu dùng trên thế giới chỉ mới biết đến một vài thương hiệu như cà phê Trung Nguyên, Vinamit, mì Acecook…

Điều này khiến số người biết đến ngành hàng nông sản, thực phẩm Việt chủ yếu là tầng lớp thương nhân trực tiếp giao thương; còn người tiêu dùng các nước nhập khẩu lại không biết đó là hàng Việt mà nhầm tưởng là sản phẩm của doanh nghiệp quốc tế bởi mang thương hiệu doanh nghiệp sản xuất. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đồng thời cơ quan quản lý phải có hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm hiệu quả.

Theo doanh nghiệp sữa TH True Milk, để xây dựng uy tín thương hiệu thì các doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm phải quan tâm đến việc tạo lập uy tín chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp bán lẻ để mở rộng kênh phân phối… đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trong đó, cần chú trọng những sản phẩm độc đáo với các tiêu chuẩn độc nhất, có thể kết nối với lịch sử, con người và vị trí địa lý.

Chuyên gia thương hiệu của Tổ chức Hỗ trợ Nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) Leon Trujilo cho rằng, Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu nhiều loại nông sản, thực phẩm cho thế giới khi kim ngạch xuất khẩu nông sản hàng năm lên tới hơn 22 tỷ USD. Tuy nhiên, thế giới chưa biết đến thương hiệu Việt, điều đó cho thấy doanh nghiệp cần xây dựng và truyền thông thương hiệu mạnh mẽ cho tổng thể toàn ngành thực phẩm Việt Nam. Thương hiệu tốt sẽ giúp khách hàng nhận biết được sản phẩm, thực phẩm Việt Nam so với các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Colombia…, từ đó nhà sản xuất sẽ tìm tới Việt Nam nhiều hơn.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, để hỗ trợ doanh nghiệp nông sản, chế biến thực phẩm xây dựng thương hiệu Bộ Công Thương đã xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam.

Theo đó từ nay đến 2020, chương trình sẽ thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh ngành hàng thực phẩm của Việt Nam vươn ra thế giới. Tuy nhiên đây chỉ là bước khởi đầu, để có thể phát triển đòi hỏi doanh nghiệp trong quá trình xây dựng thương hiệu cần xác định đối tượng mục tiêu, xu hướng, nhu cầu, kể cả việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, ý nghĩa logo thương hiệu.../.

Nam Giang/TTXVN

 

 

Zalo: 0983 088 626