1. Là người đào tạo giỏi
Thay vì giải quyết các rắc rối ngay khi nó phát sinh, các nhà quản lý giỏi tận dụng cơ hội để đào tạo nhân viên.
Họ hướng dẫn đội ngũ và chia sẻ những hiểu biết cần thiết, cho cấp dưới những kinh nghiệm quý báu và cơ hội phát triển.
Những nhà quản lý giỏi cho phép nhân viên tự do phát triển ý tưởng, chấp nhận rủi ro và phạm sai lầm. Họ cũng cung cấp các thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết, cho phép sắp xếp lịch trình linh hoạt và tự chọn môi trường làm việc.
Trong một dự án nghiên cứu, Google phát hiện rằng chìa khóa tốt nhất cho hiệu suất làm việc nhóm là tạo nên môi trường "an toàn về mặt tâm lý".
Trong môi trường "an toàn tâm lý", các cá nhân giảm bớt sự sợ hãi khi chấp nhận rủi ro. Họ tự tin bởi không ai trong nhóm có thể gây khó khăn hay trừng phạt nếu họ thừa nhận sai lầm, đặt câu hỏi hay đưa ra ý tưởng mới.
Nói cách khác, các nhóm phát triển dựa trên niềm tin và các nhà quản lý giỏi góp phần củng cố niềm tin đó.
Những nhà quản lý tốt phải thúc đẩy những người xung quanh tốt lên, bằng cách nêu gương và phê bình khi cần thiết. Họ không ngại xắn tay áo và giúp đỡ, miễn là điều đó tốt cho nhóm.
Các nhà quản lý tốt là những người biết lắng nghe. Điều này giúp họ hiểu rõ về nhóm, từ đó, thể hiện thái độ phù hợp.
Ngoài ra, các nhà quản lý tin rằng kiến thức là sức mạnh. Vì vậy, họ sẵn sàng chia sẻ thông tin với đồng nghiệp, cho mọi người biết hiểu rõ nguyên nhân đằng sau thông tin, sự kiện.
Các nhà quản lý giỏi cổ vũ cấp dưới bằng những lời khen chân thành. Tuy nhiên, họ không ngại đưa ra những lời phê bình theo cách khéo léo trên tinh thần hỗ trợ cùng phát triển.
Họ giúp các nhân viên đạt được mục tiêu nghề nghiệp cá nhân. Các cấp dưới, từ đó, có xu hướng "trả ơn" bằng việc cống hiến cho tổ chức.
Các nhà quản lý giỏi biết chính xác vị trí, tình hình của nhóm và điều họ cần làm để phát triển tốt hơn. Nhờ khả năng giao tiếp tốt, họ giúp cho các thành viên luôn theo sát các kế hoạch đề ra.
Họ cũng đảm bảo mỗi thành viên hiểu được vai trò cá nhân trong việc thực hiện các chiến lược.
Các nhà quản lý giỏi hiểu rõ công việc của cấp dưới, bao gồm các nhiệm vụ và thách thức hàng ngày.
Nếu nhà quản lý được chuyển sang bộ phận mới, họ sẽ dành thời gian tìm hiểu cách thức mọi thứ hoạt động và tạo dựng niềm tin trước khi làm việc hoặc đưa ra những lời khuyên.
Những nhà quản lý kém xem đội nhóm là nơi cạnh tranh, hoặc thậm chí là đấu đá với các nhóm khác trong công ty.
Ngược lại, những nhà quản lý có năng lực nhìn thấy bức tranh lớn. Họ làm việc vì lợi ích chung của công ty và khuyến khích các nhóm hướng đến điều tốt đẹp.
Các nhà quản lý vĩ đại không bốc đồng, nhưng quyết đoán. Sau khi tìm hiểu và xem xét suy nghĩ cũng như quan điểm của các thành viên, họ nhanh chóng đưa ra quyết định - cho dù không phải ai cũng chấp thuận.
Sau đó, họ cam kết thực hiện những quyết định đó.