Chia sẻ với Doanh Nhân, TS. Giản Tư Trung – Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE cho rằng, nếu có một chiến lược tốt và một đội ngũ tốt, đồng thời có khả năng tái tạo liên tục chiến lược và đội ngũ đó thì doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững.
Theo nhà giáo dục Giản Tư Trung, muốn phát triển bền vững, trước tiên chúng ta cần phải phát triển năng lực văn hóa song song với phát triển năng lực lãnh đạo và năng lực chuyên môn. Nếu chỉ đào tạo về lãnh đạo và chuyên môn mà bỏ qua văn hóa thì khi ngồi ở vị trí lãnh đạo cũng chỉ có “cai trị” chứ khó mà “quản trị”. Do đó, ông cho rằng, sự học ngày nay cần phải chú trọng vào khai khai minh, khai sáng để nâng tầm văn hóa.
- Sự thành công của một doanh nghiệp không chỉ được đánh giá ở sự cần cù, chăm chỉ của nhân viên mà còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực lãnh đạo của người lãnh đạo. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
Ngày xưa người ta coi trong tài nguyên thiên nhiên, rồi sau đó coi trọng tài nguyên con người và coi tài nguyên con người là tài nguyên lớn nhất của một quốc gia, có vai trò quyết định đối với sự thành bại của quốc gia đó. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều quốc gia không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng họ vẫn giàu mạnh và nhiều quốc gia có nguồn tài nguyên con người rất lớn nhưng họ vẫn nghèo.
Do đó, tôi cho rằng, tài nguyên lớn nhất và quan trọng nhất của một quốc gia không phải là tài nguyên thiên nhiên, cũng không phải là tài nguyên con người, mà phải là tài nguyên lãnh đạo. Đất nước Singapore là một ví dụ điển hình, họ hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, cũng chỉ có mấy triệu dân, nhưng đất nước của họ lại rất thịnh vượng. Bởi họ có một tài nguyên vô giá, đó chính là tài nguyên lãnh đạo, mà đại diện cho nguồn tài nguyên này là nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu.
Đối với doanh nghiệp cũng vậy, lãnh đạo có vai trò quyết định trong việc thành bại của doanh nghiệp. Đằng sau một doanh nghiệp thành công bền vững, chắc chắn có hình bóng của một nhà lãnh đạo có tầm. Do đó, nếu muốn thay đổi một doanh nghiệp, chúng ta cần phải bắt đầu từ 1 trong 2 việc, đó là bổ nhiệm một lãnh đạo mới hoặc “làm mới” lãnh đạo cũ. Thực ra, khi “làm mới” một lãnh đạo cũ, thì bản thân họ cũng đã là một lãnh đạo mới. Cả hai cách này đều giúp cho doanh nghiệp có được một lãnh đạo mới.
Khi chúng ta muốn đưa doanh nghiệp sang một trang sử mới thì bản thân người lãnh đạo phải làm mới mình trước, sau đó, sẽ làm mới doanh nghiệp của mình. Do đó, tài nguyên lãnh đạo rất quan trọng đối với một quốc gia, cũng như đối với một doanh nghiệp. Bởi nếu không có tài nguyên lãnh đạo thì tài nguyên con người cũng vô giá trị và ngược lại, tài nguyên con người sẽ có giá trị nhiều hơn nếu có tài nguyên lãnh đạo.
- Với sự phát triển không ngừng của đời sống, xã hội, sự thay đổi của môi trường kinh doanh, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phải chăng phong cách làm việc của các nhà lãnh đạo hiện đại đã có những thay đổi khác biệt so với các nhà lãnh đạo xưa, thưa ông?
Theo tôi, thay đổi lớn nhất giữa nhà lãnh đạo hiện đại và nhà lãnh đạo xưa đó chính là tư duy của nhà lãnh đạo và nhận thức lại vai trò của nhà lãnh đạo. Ngày xưa, người ta hiểu lãnh đạo theo một nghĩa rất khác, lãnh đạo có nghĩa là cầm quyền. Còn bây giờ cần hiểu lãnh đạo thì khác với cầm quyền, quản trị khác với cai trị, hai khái niệm này khác nhau lớn nhất nằm ở mối quan tâm, cũng như động cơ sâu xa bên trong người lãnh đạo đó.
Đối với người lãnh đạo đích thực thời hiện đại, cái họ quan tâm nhất là làm sao để công ty phát triển hùng mạnh và bền vững. Do đó, khi ngồi ở vị trí cao, họ sẽ nghĩ nhiều đến trách nhiệm phải gánh và công việc phải làm của mình là gì. Từ đó họ xác định được năng lực cần phải có để đảm đương được những việc này, cũng như sự học nào mình phải hướng tới (học cái gì, học ở đâu, học như thế nào...) để có những năng lực này.
Còn đối với người cầm quyền, khi ngồi ở ngôi cao, họ chỉ quan tâm nhiều nhất đến chức vụ mà họ nắm, quyền lực mà họ có, và từ chức vụ và quyền lực đó thì họ sẽ có được những quyền lợi gì và làm sao để duy trì và phát triển được quyền lực của mình.
Như vậy, có thể thấy động cơ cũng như mối quan tâm của lãnh đạo và cầm quyền rất khác nhau, một bên luôn đau đáu về công việc, năng lực và sự học của mình cho sự phát triển vững mạnh của tổ chức, còn một bên chỉ quan tâm nhiều đến chức vụ, quyền lực và quyền lợi cá nhân của mình.
- Có ý kiến cho rằng khác biệt lớn nhất giữa một nhà lãnh đạo truyền thống và một nhà lãnh đạo thời đại chính là tư duy táo bạo, cập nhật xu hướng mới và nhạy cảm với thị trường trong bối cảnh hội nhập với những biến động khó lường như hiện nay, thưa ông?
Tôi cho rằng, giữa một nhà lãnh đạo truyền thống ngày xưa và một nhà lãnh đạo đích thực ngày nay không chỉ có sự khác biệt về tư duy, mà còn có sự khác biệt lớn về vai trò lãnh đạo. Ở người lãnh đạo thời đại, khi đã ngồi vào ghế lãnh đạo thì họ quản trị chứ không phải cai trị. Tức là phải dùng khoa học và nghệ thuật để khiến người khác muốn làm công việc mà mình cần họ làm. Còn cai trị là dùng quyền lực và quyền lợi để buộc người khác phải làm việc mà mình cần họ làm.
Nền tảng căn bản của quản trị là khai minh và khai sáng đội ngũ của mình. Hoạt động quản trị sẽ không diễn ra, nếu như không khai minh, khai sáng đội ngũ. Mà lãnh đạo muốn khai minh đội ngũ của mình thì cần khai minh bản thân mình trước. Do đó, nói đến quản trị đúng nghĩa hay nhà lãnh đạo đích thực là nói đến khai minh, khai sáng. Tức là cần khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình và đội ngũ, bởi nếu con người chưa được thì không thể nào là đối tượng của quản trị và cũng không thể đi quản trị người khác được, mà chỉ có thể bị cai trị hay đi cai trị người khác.
Ngoài ra, cần làm rõ công việc của lãnh đạo, làm lãnh đạo là làm gì? Theo tôi, công việc quan trọng nhất của lãnh đạo là “hoạch định chiến lược” và “xây dựng đội ngũ”, hay nói ngắn gọn hơn là “chiến lược” và “dụng nhân”. Dụng nhân bao gồm quy tụ con người, xây dựng hệ thống và kiến tạo văn hóa. Nghĩa là, dụng nhân không chỉ là quy tụ con người, mà phải biết dùng hệ thống và văn hóa để biến “đám đông” thành “đội ngũ”. Và như như đã nói, nếu không có khai minh, khai sáng thì sẽ không có quản trị và lãnh đạo, mà chỉ có cầm quyền và cai trị hoặc là siêu cai trị. Đó chính là khía cạnh phục vụ cho việc xây dựng đội ngũ hay là dụng nhân.
Còn chiến lược là con đường, mà lãnh đạo là người dẫn đường nên phải có khả năng nhìn thấy trước tương lai. Bởi trong một bối cảnh rất mới và trong một tương lai rất khác như hiện nay, doanh nghiệp nào cũng phải có một tầm nhìn khác thì mới có được một chiến lược tốt. Thậm chí, chiến lược này cũng cần phải được tái tạo liên tục. Do đó, nếu có một chiến lược tốt và có một đội ngũ tốt để triển khai chiến lược, đồng thời chiến lược và đội ngũ cũng được tái tạo liên tục thì doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững.
Hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới biến động chóng mặt và khôn lường, nếu chúng ta không tái tạo liên tục thì sẽ không thể tồn tại chứ đừng nói đến chuyện phát triển. Còn nếu tái tạo được và tái tạo sớm thì không những phát triển mà còn bứt phá và phát triển vượt trội.
- Vậy, theo ông, nhà lãnh đạo hiện đại cần phải có những kỹ năng cũng như những phẩm chất đặc biệt nào?
Theo tôi, nhà lãnh đạo hiện đại là nhà lãnh đạo phải có một tầm nhìn rất xa và có một mô hình phát triển con người để làm cho từng nhân viên trong đội ngũ của mình phát huy hết tiềm năng và cả đội ngũ cùng gắn kết vì mục tiêu chung. Tuy nhiên, tất cả những điều trên đều phải dự trên nền tảng của sự khai minh và khai phóng. Đồng thời phải dựa trên những giá trị vượt không gian và thời gian. Bởi lẽ, chúng ta không thể xây một cái gì đó bền vững dựa trên những giá trị không bền vững. Và những giá trị bền vững là những giá trị có tính phổ quát (đúng ở mọi nơi) và những nguyên lý có tính trường tồn (đúng ở mọi thời). Đó chính là nền tảng căn bản của nhà lãnh đạo hiện đại và của cả doanh nghiệp mà người đó dẫn đắt.
Còn những phẩm chất quan trọng mà nhà lãnh đạo hiện đại cần phải có, theo tôi, đó chính là tính nhân bản và tầm nhìn xa. Bởi nếu không có tính nhân bản thì việc dụng nhân sẽ rất khó và một tầm nhìn nếu không dựa trên tính nhân bản thì tầm nhìn đó cũng sẽ rất nguy hiểm. Chỉ có những lãnh đạo nhân bản thì mới có những doanh nghiệp nhân bản và chỉ có doanh nghiệp nhân bản thì mới có thể phát triển mạnh và bền vững, bất chấp mọi biến động của thời cuộc. Từ hai phẩm chất đó, những nhà lãnh đạo hiện đại sẽ hoàn thành xuất sắc 2 việc là chiến lược và dụng nhân, đồng thời sẽ đạt được những thành tựu bứt phá và tầm vóc trong sự sinh doanh của mình.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Theo Diễn đàn doanh nghiệp