Bài toán chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi tổ chức, doanh nghiệp trong bối cảnh ngày nay.

Cuốn theo xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đã trở thành từ khóa luôn làm nóng các diễn đàn kinh tế - xã hội và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã tận dụng thời cơ trước vận hội mới, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng ko đứng ngoài cuộc chơi của xu thế toàn cầu. Chính vì thế, việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần bắt nhịp với các xu thế phát triển mới là điều tất yếu, trong đó không thể thiếu công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt do tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số của các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi và góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế sau đại dịch.
  
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, tính đến ngày 31/12/2019, Việt Nam có trên 758,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với trên 97%, sử dụng gần một nửa tổng số lao động và đóng góp đáng kể trong khoảng trên 40% GDP hàng năm. Giữ vai trò là bộ phận quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những đóng góp thúc đẩy sự chuyển mình và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam những năm vừa qua.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã, đang diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực cùng với những nỗ lực của Chính phủ để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và đã thể hiện được nhiều hiệu quả ưu việt. Theo báo cáo Thực trạng chuyển đổi số kinh doanh số của Tập đoàn IDG (Mỹ), khoảng 55% số doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam đã sử dụng công nghệ số để vận hành doanh nghiệp hiệu quả, trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp truyền thống là 38%.

Báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Cisco thực hiện đã chỉ ra rằng có đến 70% doanh nghiệp trong khu vực đang đẩy nhanh quá trình số hóa do tác động của đại dịch Covid-19và 86% doanh nghiệp khảo sát tin rằng số hóa sẽ giúp phát triển khả năng phục hồi chống lại các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19. Theo đó, năm 2020, có tới 72% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, một mức tăng đáng kể so với mức 32% của năm 2019. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, quá trình số hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24-30 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024 và góp phần vào phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số, như: Thiếu tầm nhìn tư duy về chuyển đổi số, những thách thức trong văn hóa công ty, sự thiếu hụt các công nghệ thiết yếu và thiếu hiểu biết sâu sắc về khách hàng cũng như dữ liệu hoạt động. Các con số cụ thể Cisco đưa ra là: 17% doanh nghiệp còn thiếu kỹ năng số và nhân lực, 16,7% thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi số, 15,7% thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa, kỹ thuật số trong doanh nghiệp. Việc chuyển đổi số vẫn chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp lớn, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường và không thực sự nỗ lực chuyển đổi số. Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đứng sau cả Philippines và Indosesia về chuyển đổi số do hầu hết chưa có chiến lược ứng dụng các công nghệ số, chưa chủ động cao trước phản ứng thị trường hay có chiến lược số hóa để đổi mới và chủ yếu gặp khó khăn do vấn đề chi phí, công nghệ.
Thêm vào đó, quá trình chuyển đổi số ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng kéo theo các vấn đề nóng về an toàn, an ninh thông tin bởi các doanh nghiệp này là một trong những đối tượng thường bị hacker nhắm đến. Do năng lực công nghệ và đảm bảo an toàn thông tin chưa được đầu tư mạnh. Vô hình chung, nỗi lo về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin đã khiến các doanh nghiệp này chùn bước, đánh mất những lợi ích của quá trình số hóa.
Một rào cản nữa trên con đường chuyển đổi số của các doanh nhiệp nhỏ và vừa được chỉ ra trong Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2020, đó là tỷ lệ doanh nghiệp Việt gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về thương mại điện tử và công nghệ thông tin khá cao và chỉ có trên dưới 30% doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực này. Đối với việc sử dụng các phần mềm quản lý trong giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, xét về quy mô thì nhóm doanh nghiệp lớn có xu hướng sử dụng nhiều hơn so với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ví dụ điển hình với phần mềm quản trị nguồn nhân lực doanh nghiệp (ERP), doanh nghiệp lớn sử dụng tới 40% trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ có khoảng 14%. Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp lớn sử dụng 20-50% tổng vốn đầu tư cho thương mại điện tử để đầu tư vào xây dựng, vận hành website hoặc ứng dụng di động, còn số liệu này ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đa số ở mức dưới 20%.
Mặc dù vậy, những rào cản chỉ gây khó khăn cho con đường chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không thể ngăn bước chuyển mình tất yếu theo xu thế của các doanh nghiệp này. Bởi với lợi thế về quy mô nhỏ, nhân viên ít, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện thuận lợi hơn các doanh nghiệp lớn với bộ máy cồng kềnh trong việc áp dụng chuyển đổi số để thay đổi hệ thống quản trị trong doanh nghiệp. Ngoài ra, việc áp dụng chuyển đổi số sẽ tối ưu hóa về vận hành (tăng hiệu quả, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, cải thiện quản trị…); mô hình kinh doanh; tăng trải nghiệm, gắn kết quan hệ khách hàng. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có tới hơn 80% lãnh đạo doanh nghiệp muốn chuyển đổi số và 65% doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mạnh vào chuyển đổi số đã cho thấy nhu cầu chuyển đổi mạnh mẽ và tinh thần chuyển mình theo xu thế của khối doanh nghiệp này. Thêm vào đó, những biến cố do dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020 và các diễn biến thay đổi cũng chính là cú hích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ quyết tâm thực hiện số hóa.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn có sự hỗ trợ đắc lực, sự đồng hành sát sao của Chính phủ với hàng loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Điển hình là hàng năm, Chính phủ đã ban hành kịp thời các Nghị quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: Nghị quyết số 35/ NQ-CP ngày 16/5/2016 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 75/NQ-Cp ngày 9/8/2017 về cắt giảm mức phí, chi phí cho doanh nghiệp; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 10- NQ/TW ngày 3/6/2017 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 15/5/2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Qua đó giúp đơn giản hóa và giảm bớt điều kiện kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời tạo thuận lợi về nguồn vốn, công nghệ… để các doanh nghiệp này mạnh dạn hơn khi bước vào tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia.
Đặc biệt, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã trở thành kim chỉ nam cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào công cuộc chuyển đổi số. Bởi vậy, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi lớn.
Trong những giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19 của năm 2020, Chính phủ đã tung gói tín dụng quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, tập đoàn và khách hàng cá nhân vượt qua khó khăn. Việc tiếp cận với gói hỗ trợ của Chính phủ đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm trong nhóm doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số mạnh mẽ có thêm sức bật để mạnh dạn tiến tới công cuộc số hóa thành công. Trong tháng 12/2020 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2025” nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số được thực hiện theo Quyết định 749 nêu trên. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 hỗ trợ 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100 nghìn doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ, tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ trở thành điển hình về chuyển đổi số; thiết lập đội ngũ chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số.
Đối với các doanh nghiệp lớn, cần thể hiện trách nhiệm của những đầu tàu dẫn dắt, tạo ra hệ sinh thái dịch vụ, sản phẩm với giá trị bền vững lâu dài, kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có sự liên kết nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, lớn mạnh, khắc phục những khó khăn, hạn chế.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ và từ nhiều phía, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nỗ lực tự thân vận động, nhanh chóng nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy thông qua các hoạt động đào tạo, kiến thiết nguồn nhân lực số theo nhiều hình thức khác nhau như đào tạo tại chỗ, đào tạo trực tuyến (e-learning- school), huấn luyện e-coaching…. Căn cứ vào mô hình Khung chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp có thể xây dựng và phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số; trong đó ưu tiên triển khai các nền tảng ứng dụng tập trung, dùng chung kết nối chia sẻ, giúp doanh nghiệp cải tiến, tối ưu và tự động hóa quy trình hoạt động, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả làm việc. Đặc biệt tập trung vào các giải pháp có tính ứng dụng cao, giúp doanh nghiệp nhanh chóng hòa nhập với nền kinh tế số đang bùng nổ hiện nay.
Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là xu hướng nhất thời mà công cuộc số hóa còn mang lại những lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp, từ quản trị điều hành đến chiến lược kinh doanh. Qua đó giúp doanh nghiệp xóa nhòa khoảng cách, tăng cường sự chính xác và minh bạch, tăng doanh thu đồng thời giảm chi phí… Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế đã thể hiện sự tin tưởng rằng, chuyển đổi số có thể thay đổi hoàn toàn cục diện doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng lột xác, vươn lên thành “cá lớn” trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như thế giới./.

Thu Hiền (http://consosukien.vn/)
Zalo: 0983 088 626