Đổi mới sáng tạo: Góc nhìn từ doanh nghiệp và hàm ý về chính sách

Khu vực doanh nghiệp năng động, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo là yếu tố quyết định cho sự thành công của các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngược lại, đổi mới sáng tạo cũng là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp tăng năng suất, lợi nhuận và phát triển bền vững. Quan điểm tạo động lực đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển khu vực kinh tế tư nhân nhanh và bền vững

Đổi mới sáng tạo nhìn từ những tiến bộ khoa học – công nghệ mới

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đổi mới sáng tạo là: “Việc phát triển hay cải tiến một sản phẩm hay một quy trình (hoặc cả hai) làm thay đổi đáng kể so với sản phẩm hay quy trình trước đây và được đưa vào cung cấp cho người tiêu dùng tiềm năng (đối với sản phẩm) hay được sử dụng trong các đơn vị (đối với quy trình)”. Có thể hiểu, năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp là khả năng mà doanh nghiệp biến ý tưởng sáng tạo kết hợp các nguồn lực đầu vào thành sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Có 4 loại hình đổi mới sáng tạo chính, gồm:

Một là, đổi mới sản phẩm, đây là việc đưa ra một sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ) mới được cải tiến về kỹ thuật cho khách hàng tiềm năng nhưng không giới hạn trong việc cải tiến đáng kể đặc tính kỹ thuật, thành phần, vật liệu, phần mềm bên trong, sự thân thiện với người dùng hoặc những đặc tính chức năng khác.

Hai là, đổi mới quy trình, đây là việc phát triển hay cải tiến các quy trình, phương pháp sản xuất, kinh doanh, bao gồm cả phương pháp vận chuyển, phân phối sản phẩm nhằm làm giảm các chi phí sản xuất, chi phí phân phối và gia tăng hiệu quả sản xuất, hoặc nhằm tạo ra hay phân phối sản phẩm.

Ba là, đổi mới hệ thống quản lý, đây là việc áp dụng các phương pháp, quy trình mới trong quản lý doanh nghiệp, tổ chức hoạt động hoặc quan hệ đối ngoại.

Bốn là, đổi mới hoạt động ma-két-tinh, đây là việc áp dụng các phương pháp ma-két-tinh mới liên quan tới truyền thông và quảng bá sản phẩm, hay định giá sản phẩm.

 

Đổi mới sáng tạo nhìn từ những tiến bộ khoa học – công nghệ mới 

So với các giai đoạn trước, định nghĩa cũng như phân loại đổi mới sáng tạo trên thế giới đã có nhiều thay đổi, tập trung nhiều hơn vào các hình thức đổi mới sáng tạo liên quan đến quy trình hơn là những hình thức đổi mới sáng tạo truyền thống. Sự thay đổi về mặt nhận thức này là do trong thập niên vừa qua, việc ứng dụng rộng rãi công nghệ số, công nghệ nền tảng, hạ tầng số đã làm thay đổi hoạt động của doanh nghiệp.

Trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các hoạt động đổi mới sáng tạo không diễn ra riêng lẻ mà có sự bổ trợ nhau. Nếu như trước đây đổi mới sáng tạo có thể đánh giá theo góc độ của một cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức cụ thể thì ngày nay, đổi mới sáng tạo là kết quả của việc kết nối của nhiều chủ thể, nhiều hình thức đổi mới sáng tạo khác nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh. 

Các thước đo đổi mới sáng tạo truyền thống, như mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), hay số phát minh, sáng chế chỉ phản ánh được một phần trong các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là liên quan tới các đổi mới về mô hình kinh doanh, quy trình hay với hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), không dựa vào kênh nghiên cứu phát triển truyền thống và cũng không đăng ký bản quyền.

Đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam

Trong giai đoạn mới, tầm quan trọng của hoạt động đổi mới sáng tạo đối với phát triển ngày càng được các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức sâu sắc. Do vậy, một loạt các chính sách liên quan đến khuyến khích, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo được ban hành.

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 đã khẳng định, Việt Nam quyết tâm coi khoa học – công nghệ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chính sách hỗ trợ cho các hoạt động khoa học – công nghệ được thể hiện rõ trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, ngày 22-9-2014, của Chính phủ, “Quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam”, Quyết định số 844/2016/QĐ-TTg, ngày 18-5-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2020”.

Số lượng các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng tăng cho thấy tính cấp bách cũng như sự nhìn nhận của lãnh đạo Việt Nam đối với tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Thời gian qua, với nỗ lực của Đảng, Chính phủ, Việt Nam đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực trong đổi mới sáng tạo. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 42 trên 131 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) (cải thiện từ vị trí 59 năm 2016). Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam tăng hạng và vị trí 42 cũng là vị trí cao nhất mà Việt Nam đạt được cho tới nay.

Trong số 12 trụ cột của chỉ số đổi mới sáng tạo của WIPO, bên cạnh các trụ cột đánh giá môi trường vĩ mô đổi mới sáng tạo của nền kinh tế, trụ cột về trình độ phát triển kinh doanh tập trung đánh giá hoạt động đổi mới sáng tạo ở cấp doanh nghiệp. Trụ cột này bao gồm các chỉ số đánh giá về doanh nghiệp của Việt Nam liên quan tới lao động có trình độ, liên kết trong đổi mới sáng tạo, hấp thụ tri thức.

Có thể thấy, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc đầu tư và công nghệ (thông qua việc nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài). Tuy nhiên, tăng trưởng hay tăng năng suất không chỉ nằm ở việc đầu tư mà còn cần có năng lực nhất định để hấp thụ và làm chủ công nghệ, nói cách khác, doanh nghiệp cần có năng lực đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, các hoạt động đổi mới sáng tạo liên quan tới việc đổi mới quy trình, các đổi mới không xuất phát từ R&D, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật (cải tiến các công nghệ nhập khẩu cho phù hợp với trình độ sản xuất của Việt Nam) sẽ là những yếu tố quyết định để tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh của Việt Nam. Đây là những yếu tố chưa được đánh giá kỹ trong chỉ số đổi mới sáng tạo của WIPO.

Việc xây dựng chỉ số dựa vào các số liệu vĩ mô cũng hạn chế trong việc đánh giá các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp vì thông thường hoạt động đổi mới sáng tạo diễn ra không đồng đều trong nền kinh tế. Thường có sự khác biệt lớn trong đổi mới sáng tạo giữa các loại hình doanh nghiệp cũng như giữa các doanh nghiệp có quy mô khác nhau.

Nhận thức được vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã được chỉ định để thực hiện khảo sát đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp năm 2017. Đây có thể xem là cuộc điều tra về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Khảo sát được thực hiện với 7.641 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến và sản xuất.

Qua khảo sát cho thấy, 61,6% các doanh nghiệp thực hiện các cải tiến trong giai đoạn 2014 – 2016. Trong đó có 58,5% các doanh nghiệp nhỏ, 64% doanh nghiệp vừa và 68,8% doanh nghiệp quy mô lớn có sự đổi mới sáng tạo. Như vậy, các doanh nghiệp càng có quy mô lao động lớn thì càng có nhiều đổi mới sáng tạo.

Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất trong các doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo (71,04%), sau đó là các doanh nghiệp tư nhân (61,69%) và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (60,61%). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động tương đối tích cực trong đổi mới sáng tạo, khác với quan niệm từ trước tới nay.

Trong những doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp có đổi mới quy trình giữ vị trí đầu (39,9%), theo sau là những doanh nghiệp có đổi mới tổ chức, sau đó đổi mới sản phẩm và đổi mới tiếp thị giữ vị trí cuối cùng (28,6%). Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam là các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEMs). Các doanh nghiệp này sản xuất sản phẩm theo một thiết kế cụ thể của các tập đoàn xuyên quốc gia nên hầu hết đổi mới của doanh nghiệp nằm trong việc hoàn thiện quy trình.

Trong nhóm sản phẩm, chỉ có 31,1% các doanh nghiệp giới thiệu được một sản phẩm mới hoặc có sản phẩm cải tiến đáng kể đưa vào thị trường. Các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn cải tiến sản phẩm (tương ứng với 38,2% và 37,6%) tốt hơn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (29%). Để nâng cao vị thế của Việt Nam trên chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp cần đổi mới nhiều hơn nữa về sản phẩm và tiếp thị (bao gồm việc phát triển thương hiệu và mạng lưới phân phối quốc tế).

Về chi cho đổi mới sáng tạo, hầu hết các khoản chi là dành cho mua sắm máy móc và công nghệ, thiết bị và phần mềm chiếm 65,5%. Các hoạt động khác, bao gồm các hoạt động R&D chiếm 14,1%, mua các kết quả R&D từ bên ngoài chiếm 0,8%, đào tạo cho đổi mới sáng tạo chiếm 9,9%, giới thiệu sản phẩm mới vào thị trường chiếm 4,4%, mua kiến thức (bản quyền và bằng sáng chế) chiếm 3,4% và một số dịch vụ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 1,9%.

Cơ cấu chi cho đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cũng cho thấy, các doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo không tập trung vào các khoản đầu tư cho việc tự phát triển các sản phẩm mới hay các quy trình công nghệ mới mà chủ yếu đầu tư công nghệ thông qua việc mua sắm trang thiết bị hay nâng cấp các máy móc thiết bị hiện có.

Hơn 80% tổng chi cho các hoạt động R&D và cải tiến công nghệ được thực hiện bởi các doanh nghiệp quy mô lớn. Các doanh nghiệp FDI đóng góp 70% vào tổng chi cho các hoạt động R&D của doanh nghiệp và 77% tổng chi cho các hoạt động đổi mới công nghệ.

Các doanh nghiệp không thuộc sở hữu của Nhà nước đóng góp 27% tổng kinh phí cho các hoạt động R&D và 19% cho các cải tiến công nghệ và các doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 3% tổng chi cho hoạt động R&D và 4% tổng chi cho hoạt động đổi mới công nghệ. Một câu hỏi đặt ra là vì sao 71% các doanh nghiệp nhà nước có đổi mới sáng tạo nhưng lại đóng góp quá nhỏ trong tổng chi cho R&D và đổi mới sáng tạo?

Về đóng góp của các loại hình đổi mới sáng tạo vào doanh thu thì doanh thu từ đổi mới sản phẩm chiếm 62% tổng doanh thu các doanh nghiệp. Tỷ trọng lớn nhất là của các doanh nghiệp FDI (65,6%) rồi đến các doanh nghiệp tư nhân (59,1%) và các doanh nghiệp nhà nước (3,4%).

Trong tổng doanh thu đến từ các sản phẩm dựa trên đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp quy mô lớn chiếm 86%, các doanh nghiệp quy mô vừa chiếm 5% và các doanh nghiệp quy mô nhỏ chiếm 9%. Phân chia theo loại hình doanh nghiệp thì các doanh nghiệp FDI chiếm 64,2%, các doanh nghiệp tư nhân chiếm 32,4% và các doanh nghiệp nhà nước chiếm 3,4%. Rõ ràng, các doanh nghiệp của Việt Nam hạn chế hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc chuyển sự đổi mới sáng tạo thành doanh thu.

Về hỗ trợ của Chính phủ cho đổi mới sáng tạo, nhóm chính sách hỗ trợ nhiều nhất đến từ các kênh tín dụng (hỗ trợ tài chính qua các khoản vay). Nhóm xếp thứ hai đến từ các chính sách hỗ trợ cho đổi mới công nghệ (giảm trừ thuế, phân bổ các quỹ cho phát triển khoa học – công nghệ (S&T), các khoản vay với lãi suất thấp hơn). Nhóm chính sách thứ ba là các hỗ trợ thông qua các kênh dịch vụ tư vấn công nghệ (bởi các chuyên gia và các nhà khoa học từ những tổ chức công, trung tâm nghiên cứu và các trường đại học công lập). Nhóm chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới chiếm tỷ trọng thấp nhất đến từ ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ và các chương trình khoa học – công nghệ. Bình quân, có 1 trên 4 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhận được hỗ trợ của Chính phủ.

Những lý do chính khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận với những hỗ trợ của Chính phủ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, gồm: Các doanh nghiệp không nhận được thông tin về các chính sách; những hỗ trợ đưa ra không đáp ứng được các nhu cầu của doanh nghiệp; thủ tục đăng ký và lựa chọn đối tượng hỗ trợ quá phức tạp; và các doanh nghiệp không biết làm thế nào để tiếp cận các nguồn hỗ trợ.

Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam

Với kết quả từ khảo sát về đổi mới sáng tạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, có thể thấy, để cải thiện hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cần tập trung vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, quan tâm và đẩy mạnh quảng bá về hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo; tổ chức cung cấp cho doanh nghiệp thông tin chi tiết, cần thiết về đổi mới sáng tạo, cũng như thành tựu của các doanh nghiệp đạt được trong đổi mới sáng tạo. Cần khuyến khích văn hóa đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhằm tạo ra một môi trường sáng tạo lành mạnh, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Nhà nước và xã hội cần có nhận thức đúng và đánh giá đúng hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; có chính sách thích hợp thúc đẩy lan tỏa và phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực trong đổi mới sáng tạo. Kết quả khảo sát cho thấy, thiếu nhân lực có đủ trình độ chuyên môn để có thể tham gia, thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ là một trong những nguyên nhân chủ yếu hạn chế đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Cần xây dựng các chính sách giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, như: Tăng cường hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu trong thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo, coi mức độ và hiệu quả hợp tác của đại học và viện nghiên cứu với doanh nghiệp là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại, xếp hạng tổ chức khoa học – công nghệ; tăng cường hoạt động tư vấn kỹ thuật cho doanh nghiệp; cử sinh viên và thực tập sinh đi thực tập tại các doanh nghiệp phù hợp; có ưu đãi đối với kỹ sư, nghiên cứu viên chuyển công tác về doanh nghiệp làm việc; thực hiện các chương trình hợp tác công  - tư về nghiên cứu phát triển để từ đó tận dụng nguồn lực cũng như tăng cường sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức khoa học  - công nghệ.

Thứ ba, tập trung nhiều hơn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ đóng góp 14,2% doanh số từ sản phẩm có đổi mới sáng tạo. Trong khi đó số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa gấp 7 lần số doanh nghiệp lớn. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa thực thi chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo để từng bước nâng cao giá trị doanh thu từ đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp này.

Thứ tư, phát triển các chính sách hỗ trợ cụ thể để đổi mới sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm mới, quy trình công nghệ mới. Hiện nay, có 32,08% số doanh nghiệp có đổi mới sản phẩm. Tuy nhiên, đổi mới sản phẩm tại Việt Nam tập trung nhiều vào cắt giảm chi phí  sản xuất ra sản phẩm, vẫn còn ít doanh nghiệp tập trung vào phát triển các tính năng mới của sản phẩm. Chính sách có thể kể tới như chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ đổi mới công nghệ; hỗ trợ về chuyên gia, tư vấn kỹ thuật cho doanh nghiệp hay xây dựng các chương trình khoa học – công nghệ thành các chương trình mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện các chính sách tín dụng để doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn phục vụ cho đổi mới công nghệ. Thời gian qua, trong các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo của Nhà nước, tỷ lệ các doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách tín dụng là cao nhất. Nhưng đa số các doanh nghiệp vẫn coi thiếu vốn là một trong những trở ngại lớn nhất để đầu tư đổi mới công nghệ. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp để có thể hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ một cách hiệu quả hơn.

Theo https://tcvn.gov.vn/

Zalo: 0983 088 626