Thúc đẩy phong trào tăng năng suất

Việc cải thiện năng suất lao động của Việt Nam trên bình diện toàn bộ nền kinh tế cần có chương trình hay phong trào năng suất quốc gia lớn.

LTS: Kỷ niệm 135 năm ngày Quốc tế Lao động 1/5 là lúc Việt Nam cần bàn kỹ về giải pháp với những tư tưởng mới, tinh thần mới, tạo ra phong trào năng suất cho toàn quốc…Đây chính là cơ hội để tăng trưởng bứt phá.

 

Trao đổi với DĐDN, PGS TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) cho biết, trong 25 năm vừa qua năng suất lao động của Việt Nam có tăng trưởng nhưng không đủ mạnh để “cất cánh” để phát triển được cao như Hàn Quốc, Trung Quốc.

- Như vậy, nguồn gốc tăng trưởng năng suất của chúng ta đang tồn tại nhiều vấn đề, thưa ông?

Đúng vậy, khu vực trọng tâm trong phát triển của chúng ta là khu vực công nghiệp, mà lõi của khu vực công nghiệp chính là chế biến chế tạo đã “chững lại” về năng suất lao động từ suốt những năm 2000 đến nay. Đây là điều khó hiểu, là bất thường khi mà Việt Nam đang công nghiệp hoá mạnh mẽ cũng như thu hút đầu tư nước ngoài lớn.

Cùng với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, năng suất khu vực FDI tăng lên mạnh mẽ đến năm 2001, sau đó giảm mạnh và đình trệ về tăng trưởng năng suất lao động suốt 20 năm qua.

- Nguyên nhân của nghịch lý này là gì, thưa ông?

Điều này có thể lý giải bằng sự “dai dẳng” của lao động phổ thông và chiến lược của nhà đầu tư nước ngoài. Lao động của Việt Nam rất dồi dào nhưng là lao động tay nghề thấp, chúng ta thiếu hụt nghiêm trọng và lâu dài nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn chiến lược sử dụng công nghệ cao và lao động phổ thông. Điều này khiến năng suất lao động giữ nguyên của khu vực này, các nhà đầu tư nước ngoài cũng không có lý do gì để điều chỉnh chiến lược này, họ chỉ gia công ở Việt Nam, đóng góp phần giá trị của trong nước thấp.

Điều này không giống với chiến lược Manufacturing++ của Malaysia trong thập niên 1990 hay chính sách FDI mới của Thái Lan năm 2015.

- Giải pháp cải thiện vấn đề này là gì thưa ông?

Việc cải thiện năng suất lao động của Việt Nam trên bình diện toàn bộ nền kinh tế cần có chương trình hay phong trào năng suất quốc gia lớn, để thay đổi tầm nhìn của lãnh đạo, của cán bộ trong bộ máy công quyền, của từng nhà máy, từng gia đình… để thay đổi tư duy về năng suất về hiệu quả là yêu cầu đầu tiên. Chính phủ cần phát động được phong trào này như Singapore đã làm cách đây hơn 60 năm hay Malaysia và Thái Lan đều đã có các phong trào như vậy trong quá trình tăng trưởng nhanh của mình.

Bên cạnh đó là các chính sách cụ thể, ví dụ như các chính sách tháo gỡ xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu đô thị lớn hay các khu công nghiệp đang hình thành để có thể hấp thụ được người lao động với chất lượng cuộc sống tốt. Một điểm nữa phải có lưu ý riêng về lao động trong khu vực chế biến chế tạo, bởi lao động của chúng ta đang yếu về trình độ. Do đó, nhà đầu tư chọn đầu tư công nghệ mà không cần nâng cấp lao động, đây là điều khiến chúng ta trong vòng luẩn quẩn chưa thể thoát ra.

- Trái ngược với khu vực FDI, năng suất lao động khu vực tư nhân tăng trưởng đều đặn, tuy nhiên năng suất tuyệt đối lại rất thấp, thưa ông?

Khu vực tư nhân có năng suất lao động tăng trưởng liên tục bởi vì nỗ lực rất cao. Nhưng đây là khu vực mà năng suất tuyệt đối vẫn thấp do còn manh mún, tập trung về vốn thấp cũng như không được ưu ái như các khu vực khác.

Để cải thiện điều này cần quá trình lâu dài để khu vực tư nhân tiếp tục tích luỹ vốn và phát triển. Đặc biệt, cần tạo cho họ môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh, ngày càng ổn định và ít bị phiền hà. Đây là cách duy nhất để chúng ta phát triển khu vực quy mô lớn này, chiếm đa số trong nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

GS TS Ohno Kenichi, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS):

Ở Việt Nam điểm nghẽn là vấn đề thực thi. Các cơ quan chức năng thường dành quá nhiều thời gian và năng lượng để soạn thảo các văn bản nhưng lại quên việc thực thi.

Các chính phủ có năng lực cao thường sử dụng các kế hoạch sơ lược và linh hoạt với sự điều chỉnh khi tiến hành ví dụ như Đài Loan, Singapore, Nhật Bản trước đây. Các nước này không đưa ra các kế hoạch 5 năm hoặc 10 năm, có thời hạn quá dài so với hiệu lực chính sách.

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu của BIDV:

Cần có một cuộc cách mạng về nâng cao năng suất lao động, mà đặc biệt cần một cơ quan Bộ đầu mối quản lý và thúc đẩy vấn đề năng suất. Cùng với đó, đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, lúc này cả nội ngành và cả năng suất hiệu ứng dịch chuyển đều tăng lên.

Bên cạnh đó, muốn phát triền nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng tay nghề, phải thay đổi rất cụ thể về vấn đề đào tạo. 10 năm qua vấn đề phát triển nhân lực đã được đưa vào là một trong ba đột phá chiến lược nhưng lại chưa hiệu quả. Ngoài yếu tố doanh nghiệp chúng ta phải thúc đẩy năng suất khu vực hành chính công.

Theo https://enternews.vn/

Zalo: 0983 088 626